HỘI CHỨNG SUDECK – LOẠN DƯỠNG GIAO CẢM PHẢN XẠ
Hội chứng loạn dưỡng giao cảm phản xạ còn có tên hội chứng teo Sudeck. Căn bệnh này không phổ biến và thường gặp ở độ tuổi trung niên, nữ giới thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam. Vậy bạn biết gì về hội chứng này? Cùng tìm hiểu hội chứng Sudeck nhé!
1. Nguyên nhân gây bệnh
Hội chứng Sudeck do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, thường là do xuất hiện các kích thích đau thường xuyên, mạn tính từ khu vực ngoại vi, phản xạ thần kinh giao cảm ở khu vực tủy sống bị rối loạn
- Do các chấn thương ở vùng vai, cùng cổ gáy, vùng cánh tay, tay hoặc các bệnh lý vùng khớp vai như viêm khớp vai, thoái hóa cột sống cổ
- Do các chấn thương khớp gối hoặc sau phẫu thuật nội soi khớp gối
- Do di chứng sau khi thực hiện các phẫu thuật
- Hội chứng ống cổ tay, bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, ung thư vú
- Do sử dụng các thuốc điều trị lao, các thuốc nhóm barbiturate
2. Triệu chứng và biểu hiện hội chứng Sudeck
Hội chứng này là bao gồm 1 nhóm các triệu chứng điển hình đau bỏng, sưng nề chi, những rối loạn dưỡng trên da như teo da, tăng tiết mồ hôi kèm theo những dấu hiệu rối loạn vận mạch. Nó thường trải qua từng giai đoạn:
- Kích hoạt triệu chứng đau
Sau khi có yếu tố kích hoạt sẽ xuất hiện tình trạng sưng tấy và đau ở chi trên hoặc chi dưới, mức độ đau nhiều, liên tục, tăng về đêm và khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Sau 1 thời gian ở chi xuất hiện sưng tấy, phù căng, đỏ và nóng, da bóng nhẵn, sờ có cảm giác mạch đập nhanh
- Giai đoạn teo hạn chế vận động
Sau 1-2 tuần từ khi xuất hiện đau và sưng tấy bệnh nhân sẽ thấy chi vẫn tiếp tục đau, phù giảm dần. Da ở phần chi tổn thương dày, tím, dính, phần gân, bao khớp co kéo lại làm chi hạn chế vận động. Dần dần, các cơ của chi bị teo, làm giảm vận động của chi bệnh so với chi lành.
- Dấu hiệu cận lâm sàng
Xquang thấy tình trạng mất canxi, bào mòn các đầu xương
Siêu âm Doppler có hiện tượng tăng tốc độ tuần hoàn tại chỗ
Chụp MRI giúp phát hiện các bất thường trong cơ thể, sự thay đổi của các mô
3. Biện pháp điều trị hội chứng Sudeck
Tùy từng bệnh nhân, từng giai đoạn mà lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau
- Điều trị bằng dược hiện đại
Chủ yếu là sử dụng các thuốc chống viêm giảm đau để giảm nhanh các triệu chứng của bệnh nhân. Đợt cấp có thể dùng đường tiêm, có thể phối hợp corticoid để tăng hiệu quả điều trị nhưng chỉ nên dùng trong thời gian ngắn.
Ngoài ra có thể dùng các thuốc phong bế gốc chi giúp giảm rối loạn vận mạch, giảm các triệu chứng của bệnh.
- Vật lý trị liệu
Ngâm bàn tay vào nước lạnh 1-2 phút/ lần, 1-2 lần/ ngày giúp giảm đau, phù nề, đỏ, loạn dưỡng bàn tay.
Lúc ngủ và nghỉ nên kê tay cao hơn tim để giảm phù nề. Dùng dây vòng qua cổ để treo tay để giảm đau nhức, phù tay.
Các phương pháp điều trị nhiệt nóng như sóng ngắn, sóng cực ngắn, vi sóng, paraffin, bức xạ hồng ngoại,… có thể áp dụng vào vùng vai và cột sống cổ.
Các biện pháp giảm đau bằng dòng điện như điện xung, điện xung dòng TENS, điện di Novocain 2%,…
- Điều trị theo đông y
Giai đoạn cấp có thể phối hợp đông tây y để tăng hiệu quả điều trị. Đông y có vai trò quan trọng trong giai đoạn bệnh ổn định, giúp phục hồi chức năng khớp và chi tổn thơng. Có thể sử dụng các bài tập phục hồi chức năng để gây giãn khớp, chống dính khớp.