NGUYÊN NHÂN KHIẾN TỶ LỆ MẮC THOÁI HÓA KHỚP GỐI NGÀY CÀNG TĂNG
Các bệnh cơ xương khớp luôn là nhóm bệnh phổ biến và thường gặp trong cộng đồng. Trong đó thoái hóa khớp gối là một bệnh có tỉ lệ gia tăng ngày càng cao trong dân số. Căn bệnh tưởng chừng không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Cùng tìm hiểu nguyên nhân khiến thoái hóa khớp gối ngày càng nhiều người mắc bệnh nhé!
1. Thoải hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối là bệnh thường gặp ở người cao tuổi và có thể gây tàn phế nếu không điều trị kịp thời.
Căn bệnh này vốn là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn. Từ đó sinh ra các biểu hiện của thoái hóa khớp như thay đổi hình thái, sinh hóa, nứt loét, mất sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, tạo ra gai xương và hốc xương dưới sụn. Bệnh thoái hóa khớp gối thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
2. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối do khá nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, các chuyên gia thường chia làm 2 nhóm chính
• Thoái hóa khớp gối nguyên phát
Đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng thoái hóa khớp gối
- Do tuổi cao
Theo quy luật tự nhiên sinh lão bệnh tử, đến 1 giai đoạn nhất định tình trạng thoái hóa khớp sẽ diễn ra. Tùy theo từng người mà tình trạng này nặng hay nhẹ và xuất hiện sớm hay muộn.
Hầu hết sau 60 tuổi, nhất là nữ giới thường bị bệnh thoái hóa khớp gối. Bệnh này có thể tiến triển chậm ở 1 hoặc nhiều khớp xương. Tuổi càng cao các sụn khớp càng bị bào mòn làm giảm khả năng chịu lực và khả năng đàn hồi.
- Do nội tiết và sự chuyển hóa trong cơ thể
Nữ giới ở tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh có sự thay đổi lớn về các hoocmon nội tiết và có thể gây ra tình trạng bệnh thoái hóa khớp gối
Một số bệnh nhân đái tháo đường gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể cũng có thể trở thành nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối.
- Do di truyền
Nguyên nhân này vẫn đang được nghiên cứu và gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên những người mà trong gia đình quan hệ cận huyết thống như bố mẹ, anh chị em ruột bị thoái hóa khớp gối thì họ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
• Thoái hóa khớp gối thứ phát
Tình trạng này có thể gặp ở cả những người trẻ, thường không liên quan tuổi tác
- Người có tiền sử chấn thương khớp gối
Các chấn thương ở khớp gối dù nhẹ hay nặng ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến dây chằng, gân, túi hoạt dịch quanh khớp gối khiến trục khớp thay đổi. Dần dần những tổn thương này có thể gây ra tình trạng thoái hóa khớp gối.
Một số chấn thương phổ biến như: rách dây chằng trước, tổn thương sụn, viêm bao hoạt dịch, viêm gân bánh chè, gãy xương khớp, can lệch…
- Béo phì thừa cân
Việc thừa cân khiến khớp gối phải chịu trọng lực quá lớn khiến chúng bị quá tải, việc tăng áp lực lên xương khớp sẽ khiến chúng bị đè nén, biến dạng và thoái hóa lúc nào không hay.
Đặc biệt những người tăng cân nhanh, tăng cân đột ngột khiến khớp gối không thể thích nghi kịp có thể gây ra tình trạng nặng nề hơn.
- Do bẩm sinh
Một số ít trường hợp bẩm sinh đã bị thoái hóa khớp gối như khớp gối quay ra ngoài, khớp gối quay vào trong, khớp gối quá duỗi…
- Do các nguyên nhân khác
Việc thiếu canxi và vitamin D cũng có tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối. Ngoài ra các tổn thương khác tại khớp gối như viêm khớp, thấp khớp, tổn thương khớp do các bệnh tự miễn, bệnh gout… cũng có thể khiến thoái hóa khớp phát triển nặng nề.
Nói chung thoái hóa khớp là một căn bệnh ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, chính vì vậy cần có các biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời để nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân.