Gần như toàn bộ thời gian Lương y Phùng Tuấn Giang dành cho công việc. Niềm đam mê lớn nhất của anh là được tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và ứng dụng thêm nhiều phương pháp và phương thuốc chữa bệnh cứu người. Với tình yêu nghề, coi người bệnh như người thân, anh luôn trăn trở tìm ra những phương pháp mới để có thể cứu chữa được những bệnh nhân mắc bệnh nan y. Chính nhờ sự nỗ lực của anh mà Nhà thuốc Thọ Xuân Đường thời gian qua đã lập được nhiều “kỳ tích”: Chữa trị hiệu quả cho nhiều bệnh nhân đến từ trong và ngoài nước mắc các căn bệnh nan y mà hiện tại y học trên thế giới cũng như trong nước chưa có phương pháp đặc trị hữu hiệu như các bệnh ung thư, chuyển hóa miễn dịch, loãng dưỡng cơ duchen, xơ cứng bì, động kinh…
Lương y Phùng Tuấn Giang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân U tuyến giáp
Là Chủ nhiệm Nhà thuốc gia truyền Thọ Xuân Đường, tuy nhiên anh đảm đương rất nhiều công việc: từ trực tiếp khám chữa bệnh tại phòng khám, đến việc chỉ đạo công tác nghiên cứu, đào tạo tại Viện Nghiên cứu phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam với vai trò là Chủ tịch Viện; Ngoài ra, anh còn nhận được sự tín nhiệm của bạn bè đồng nghiệp trên thế giới bầu làm Chủ tịch tổ chức Quốc tế Chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam. Anh quan tâm đến các hoạt động của y học cổ truyền nước nhà và là một trong những người tích cực vận động thành lập nên Hội Nam y Việt Nam.
Nhiệt tình tận tâm với nghề, bao năm qua, lương y Phùng Tuấn Giang đã lặn lội đến nhiều vùng núi, vùng dược liệu xa xôi như Lạng Sơn, Sơn La, Sa Pa, Đà Lạt, Lai Châu…và cả Tây Tạng, Campuchia để tìm cây thuốc chữa bệnh... Vất vả và bị động, nên anh đã quyết định phải quy hoạch các vùng trồng nguyên liệu. Hiện nay, Thọ Xuân Đường đã có 4 vùng trồng cây thuốc ở Thường Tín, Sơn Tây (Hà Nội), Lào Cai và Tây Nguyên với diện tích hàng vài chục ha. Tất cả các khâu từ tổ chức trồng cây đến chế biến, pha chế thuốc đều được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, đúng quy định, được đăng ký thương hiệu Việt Nam và Bộ Y tế.
Tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ bàn về phát triển dược liệu Việt Nam tại Lào Cai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “ Kho tàng dược liệu Việt Nam là vô giá và tất cả 63 tỉnh, thành đều có thể phát triển được dược liệu. Dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp nhân dân làm giàu”. Theo tổ chức WHO: Hơn 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền, đặc biệt là sử dụng các sản phẩm từ dược liệu, kể cả các nước phát triển. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định: “Thuốc từ cây dược liệu trong nước chiếm ít nhất 30%, tuy nhiên, ngành dược liệu Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh”. Do đó, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Cần tập trung một số sản phẩm từ dược liệu quý, hiếm (bao gồm cả thuốc cổ truyền) có giá trị để đầu tư phát triển, coi là sản phẩm quốc gia và được áp dụng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi như đối với sản phẩm quốc gia”. Đúng là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”! Chiến lược quốc gia đã khích lệ tinh thần cho người lương y trẻ họ Phùng. Bởi bao lâu nay anh vẫn canh cánh về việc phát triển nguồn dược liệu, phục vụ cho nhu cầu chữa bệnh của nhân dân. Với ước nguyện giữ gìn tinh hoa của Nam y Việt, anh luôn ý thức giữ gìn và bảo tồn các cây thuốc quý của Việt Nam trước nguy cơ tuyệt chủng. Bản thân nhiều năm lặn lội đi khắp nơi tìm kiếm, sưu tầm và lưu giữ các cây thuốc quý, anh đã vinh dự sở hữu 2 củ sâm Ngọc Linh lớn nhất và giá trị nhất Việt Nam. Gần đây, anh cũng đã và đang thực hiện các đề tài liên quan đến phát triển nguồn dược liệu, có kế hoạch xây dựng và phát triển nhiều vùng nữa ở Sóc Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang,… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng thuốc Nam phục vụ cộng đồng trong và ngoài nước.
Mặc dù phải lo rất nhiều công việc, nhưng anh vẫn đau đáu niềm mong muốn tập hợp đội ngũ Lương y chữa bệnh bằng thuốc Nam để tạo nên sức mạnh của Nam y Việt. Sau 3 năm tích cực vận động, anh cùng các Lương y chân chính, nhiệt thành đất Bắc đã biến mong muốn ấy trở thành hiện thực: Ngày 17/3 vừa qua, Hội Nam Y Việt Nam đã ra đời – Đánh dấu vị thế nền Nam y Việt trong giai đoạn mới.
Song song đó, anh còn chuẩn bị cho việc kế tục sự nghiệp y học cổ truyền của gia tộc từ bây giờ. Anh đã định hướng, dạy dỗ và hun đúc cho truyền nhân đời thứ 17 là người con trai thứ, năm nay 16 tuổi đang học chuyên sinh tại trường Amsterdam, để cháu có một niềm tự hào, trân trọng và yêu quý nghề truyền thống của ông cha, thiết tha theo đuổi sự nghiệp của dòng họ. Với khuôn mặt hiền lương và nụ cười trong sáng, vị “truyền nhân tương lai” này đã chia sẻ với tôi: “Cháu rất yêu nghề truyền thống của gia đình, cháu mong muốn được ra nước ngoài học hỏi thêm nhiều kiến thức y học để sau này trở về cống hiến cho đất nước và nối nghiệp dòng họ”. Sự phát triển bền vững thông qua tầm nhìn sâu rộng của người lương y này thật đáng trân trọng.
Khó có thể nói ra hết những gì anh đã làm trong hơn 5 năm qua, mà chỉ có thể nói rằng những gì anh đã, đang và sẽ làm đó chính là niềm đam mê của một thầy thuốc chân chính, là trách nhiệm và lòng nhiệt huyết của người con đất Việt đối với những giá trị của gia tộc và của dân tộc.
Nam Anh (GN).