CÁC VỊ THUỐC GIÚP ĐIỀU HÒA KINH NGUYỆT
Kinh nguyệt rối loạn khiến không ít chị em cảm thấy mệt mỏi, phiền toái. Nó còn là nguyên nhân khiến chậm có con. Chính vì vậy các chị em thường hay sử dụng cao ích mẫu để điều kinh. Vậy dùng ích mẫu có giúp điều hòa kinh nguyệt hay không? Những vị thuốc nào giúp điều hòa kinh nguyệt? Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm câu trả lời nhé!
1. Vị thuốc Ích mẫu
Ích mẫu có tên khoa học là Leonurus heterophyllus SW., thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Cây thường mọc hoang ở những nơi ẩm gần bờ sông, bờ suối và được trồng nhiều ở các vườn thuốc nam.
Từ lâu người dân đã biết cách sử dụng ích mẫu bằng cách lấy toàn thân trên mặt đất của cây ích mẫu, đem về thái khúc và sắc uống. Thường hay thu hoạch vào tháng 7-8 lúc cây có hoa và hoạt chất cao nhất.
Theo đông y ích mẫu có vị cay, hơi đắng, tính hàn, quy kinh Can và Tâm bào. Công năng hoạt huyết, thông kinh, ích tinh sáng mắt, lợi tiểu tiêu thũng. Ích mẫu được sử dụng trong điều trị các bệnh kinh nguyệt không đều, bế kinh, trước khi có kinh đau bụng, rong kinh lượng nhiều kéo dài ngày, trị chứng phù thũng di viêm thận cấp tính, trị mụn nhọt do phong nhiệt gây ra.
Chính vì tác dụng hoạt huyết của ích mẫu mà không phải ai cũng có thể sử dụng được, nếu dùng sai cách có thể gây rong huyết, băng huyết.
2. Hương phụ
Người xưa có câu “nữ bất ly Hương phụ, Nam bất ly Trần bì” cho thấy Hương phụ là một vị thuốc quan trọng của phái nữ.
Cây hương phụ có tên khoa học là Cyperus rotundus L., thuộc họ Cói (Cyperaceae). Dân gian còn gọi là cỏ gấu, mọc hoang khắp nơi và nhân dân thường phải vất vả mới tiêu diệt được nếu nó xuất hiện trong vườn rau.
Để sử dụng hương phụ, người ta sẽ đào toàn cây, rồi phơi sấy khô sau đó đốt cháy, lúc đó thân và lá sẽ cháy hết chỉ còn lại củ. Đem rửa sạch củ phơi khô để được vị thuốc hương phụ.
Theo đông y hương phụ có vị cay, hơi đắng, quy kinh can và Tam Tiêu. Công năng lý khí giải uất, điều kinh chỉ thống, chữa khí uất, ngực bụng chướng đau. Hương phụ thường phối hợp với các vị thuốc khác để trị chứng nhiệt khí bốc lên đầu, đau đầu do khí uất, đau dạ dày do thần kinh, trị ngực sườn đau, đầy tức, tỳ vị hư nhược, rối loạn tiêu hóa, bụng đầy chướng, phụ nữ có thai, trị sa trực tràng…
3. Ngải cứu
Ngải cứu là một vị thuốc nam quen thuộc trong vườn nhà. Nó có tên khoa học là Artemisia vulgaris L., thuộc họ Cúc (Asteraceae). Ngải cứu thường được sử dụng trong chế biến nhiều món ăn như gà hầm ngải cứu, trứng vịt lộn hầm ngải cứu, trứng rán ngải cứu… rất ngon miệng và bổ dưỡng.
Đông y sử dụng lá ngải cứu để chữa bệnh. Nó có vị đắng, cay, tính ấm, quy kinh Tỳ, Can, Thận, tác dụng ôn bào cung, cầm máu, an thai, khứ hàn, giảm đau. Ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh như rối loạn kinh nguyêt, động thai, thống kinh, tử cung lạnh gây vô sinh, trị chứng khí hư…
Ngoài ra ngải cứu còn được sử dụng làm điếu ngải, ngải nhung để dùng trong châm cứu rất hiệu quả.
Ngoài ra còn nhiều vị thuốc khác giúp điều trị rối loạn kinh nguyệt khác rất tốt. Để có liệu trình điều trị phù hợp tốt nhất bạn nên tới các phòng khám đông y để được phối hợp thuốc sử dụng.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về sức khỏe và đặt lịch khám chữa bệnh, quý vị vui lòng liên hệ đông y gia truyền Thọ Xuân Đường.
Hotline: 0943986986 hoặc 0943406995