CAM THẢO ĐẤT – THẢO DƯỢC CHO BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG
Ở vườn quê Việt Nam, hầu như tất cả các loại cỏ dại đều có thể làm thuốc giúp hỗ trợ và điều trị nhiều bệnh lý thường gặp. Cam thảo đất cũng là một trong những loại thảo dược hoang dã như vậy. Nếu trước đấy, dân gian truyền miệng về việc sử dụng cam thảo đất để trị các chứng cảm cúm, sốt, viêm nhiễm, lỵ do nhiệt, thì dưới sự nghiên cứu của khoa học hiện đại, đã phát hiện, cam thảo đất còn có hoạt chất tốt cho phòng và điều trị tiểu đường cũng như biến chứng của nó.
1. Mô tả cây thuốc
- Tên gọi: Cam thảo đất hay còn gọi là Cam thảo nam, dã cam thảo.
- Tên khoa học: Scoparia dulcis L., họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
- Đặc điểm: Là loại cây mọc hoang dã ở vườn, bờ ruộng,… Cây cao từ 20-30 cm, thân nhỏ, đường kính trung bình 2-3 mm, hóa gỗ ở gốc, thân chia làm nhiều nhánh. Lá nhỏ, mọc đơn, đối xứng với nhau qua thân, cành cây, thỉnh thoảng lá mọc vòng ba quanh thân. Lá hình mác hoặc hình trứng, có ít rang cưa ở trên, không có long. Hoa nhỏ, có màu trắng, mọc ngay dưới gốc lá.
- Thu hái: Vào mùa xuân hè, thu hái toàn cây rửa sạch, thái nhỏ dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô để dùng dần.
- Thành phần hóa học: Cây chứa một alcaloid và một chất đắng; có nhiều acid silicic và Amelin. Phần cây phía trên mặt đất có hợp chất chứa dulciol, scopariol, (+) manitol, glucose. Rễ chứa (+) manitol, tanin, alcaloid, một hợp chất triterpen. Vỏ rễ chứa hexcoxinol, bsitosterol và (+) manitol.
2. Vì sao Cam thảo đất có tác dụng đối với bệnh đường huyết ?
- Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hoạt chất Amellin có ở trong cây là một chất có tác dụng với bệnh tiểu đường, làm giảm đường máu và các biến chứng của bệnh.
- Biến chứng của tiểu đường có thể nhắc tới đó là hoại tử các mô gây ra các vết loét khó chữa. Chất amelin có vai trò ngăn cản sự tiêu mô, tăng hấp thu protein, giảm mỡ và tăng số lượng hồng cầu từ đó thức đẩy quá trình lành của vết thương. Đây là một tác dụng quý. Ứng dụng này đã được dân gian sử dụng khi giã tươi cây cam thảo nam, đắp hoặc lấy nước bôi vào các vết lở loét, mụn nhọt thấy vết thương mau lành.
3. Công dụng chữa bệnh khác của cam thảo đất
- Với tác dụng thanh nhiệt, giải biểu, lợi tiểu, cam thảo đất được sử dụng để điều trị các chứng cảm cúm, sốt, ho , lỵ, tiểu tiện bí,… Để tươi thì chữa ho khan, sao thơm thì chữa ho đờm, sưng viêm. Ngoài ra còn dùng cam thảo đất để giải ngộ độc sắn, giải độc cơ thể.
- Liều dùng: Ngày dùng 8-12g khô hoặc 20-40 g tươi, kết hợp cùng các vị thuốc khác.
4. Bài thuốc kinh nghiệm có cam thảo đất
- Chữa bí tiểu: cam thảo đất 12, mã đề 12, rễ cỏ tranh 12, râu ngô 12. Sắc uống thay nước.
- Chữa mụn nhọt: Cam thảo đất 15, kim ngân 20, sài đất 20. Sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa ho: Cam thảo đất 15 g, lá bồng bồng 10 g, vỏ rễ cây dâu 15 g. Sắc uống ngày một thang.
- Lỵ: Cam thảo đất 15 g, lá mơ lông 15 g, cỏ seo gà 20 g. Sắc uống ngày một thang.
Mọi thông tin trên chỉ dành cho đồng nghiệp. Qúy vị độc giả vui long hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.