CÂY CỦ GẤU VÀ VỊ THUỐC HƯƠNG PHỤ CHO PHÁI NỮ
Cây củ gấu hay còn gọi là cỏ cú là loại cây cỏ dại mọc ở khắp cả nước từ đồng bằng cho đến ven biển. Từ xưa, loài cây này đã được sử dụng để làm thuốc giải uất, điều kinh cho phụ nữ. Khi dùng làm thuốc nó có tên gọi là Hương phụ. Dân gian vẫn có câu: Nam bất thiểu trần bì, nữ bất ly hương phụ. Vì vậy cho nên, hầu như trong đơn thuốc cho phụ nữ vị thuốc hương phụ là vị thuốc bất di bất dịch.
1. Mô tả
- Tên gọi: Củ gấu, cỏ cú, hương phụ
- Tên khoa học: Cyperus rotundus L. thuộc họ Cói (Cyperaceae)
- Mô tả: Là cây thân thảo sống lâu năm, thân củ chia làm nhiều nhánh. Hương phụ mọc ở gần biển củ sẽ có ruột màu hồng, hương phụ mọc ở đồng bằng củ ruột màu trăng. Lá nhỏ hẹp, ở giữa lưng có gân nổi lên, cứng và bóng, phần dưới lá ôm lây thân cây. Vào tháng 6, trên ngọn cây có 3 đến 8 cụm hoa hình tán màu xám nâu, hoa lưỡng tính, 3 nhị dài chừng 2mm, nhụy có đầu núm chia thành 2 nhánh như lông tơ. Quả 3 cạnh màu xám.
2. Thu hoạch, bào chế
- Nguồn dược liệu là nguồn mọc hoang tự nhiên, sau khi đào toàn cây, người ta phơi cho khô, vun thành đống để đốt, lá và rễ con cháy hết, còn lại củ lấy riêng rửa sạch, phơi hay sấy khô.
- Hương phụ có thể dùng sống, hoặc dùng chế, các cụ y gia ngày xưa thường chế rất cẩn thận, điển hình là hương phụ tứ chế, thất chế.
Vị thuốc Hương Phụ
- Với hương phụ tứ chế, người ta chia làm 4 phần, một phần ngâm dấm 0.5%, một phần ngâm rượu 400C, một phần ngâm nước đái trẻ em, lấy phần giữa, một phần ngâm nước muối 15%. Nếu mùa hè ngân 1 ngày 1 đêm, nếu mùa thu ngâm 3 ngày 3 đêm, nếu mùa đông ngâm 7 ngày 7 đêm, sau đó đem phơi khô rồi trộn lại 4 phần với nhau. Hương phụ chế với dấm là để tăng tác dụng vào can, chế với rượu để thăng lên trên, chế đồng tiện để bổ, nước muối là để vào thận.
- Với hương phụ thất chế, ngoài chế với 4 loại trên còn có thêm cam thảo, gừng, nước vo gạo.
3. Tính vị, quy kinh
- Vị cay, hơi đắng, hơi ngọt. Tính hơi ấm.
- Quy kinh Can, Tam tiêu. Hương phụ chế quy kinh Phế, Tỳ, Thận, Can (Lôi công bào chế).
4. Liều dùng, công dụng
- Liều dùng: 6-12g đường uống. Hoàn tán hay dùng ngoài chỉnh thuốc phù hợp.
- Công dụng: Sơ can lý khí, giải uất điều kinh, chỉ thống.
5. Chủ trị
- Chữa kinh nguyệt không đều đau bụng kinh, trước hành kinh ngực sườn đầy tức.
- Trị rối loạn tiêu hóa, bụng đầy trướng,đau dạ dày, ợ hơi, ợ chua,…
6. Bài thuốc có hương phụ
- Trị kinh nguyệt không đều: Hương phụ sao 9g, hồng đường 20g, ích mẫu thảo 20g. Hương phụ và ích mẫu nấu trước, khi sôi đều, lọc bỏ bã, thêm đường vào uống. Liên tục 3 - 5 ngày.
- Trị sa trực tràng: Hương phụ, kinh giới tuệ, hai vị bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 8g, bên ngoài nấu hương phụ và kinh giới để ngâm rửa.
- Trị rối loạn tiêu hóa, ăn không ngon: Hương sa dưỡng vị hoàn, thang: Hương phụ 6g, Sa nhân 3g, Mộc hương 5g, Chỉ thực 6g, Đậu khấu nhân 5g, Hậu phác 10g, Hoắc hương 5g, Bạch truật 10g, Trần bì 10g, Phục linh 10g, Bán hạ 10g, Cam thảo 3g, Sinh khương 10g, Đại Táo 3 quả sắc uống trị tỳ vị hư nhược, ăn kém ngon, nôn, tiêu chảy, bụng đầy.
- Đau tức ngực sườn: Hương phụ 10g, Huyền hồ 8g. Sắc uống.