MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP BÀO CHẾ BẠCH TRUẬT
Bạch truật là vị thuốc kiện tỳ táo thấp, được dùng nhiều trong dong y. Vị thuốc này thường được phối ngũ với các vị thuốc khác để trị các chứng bệnh về tiêu hóa, suy nhược cơ thể… Có nhiều phương pháp bào chế Bạch truật với những mục đích sử dụng khác nhau.
1. Vị thuốc Bạch truật
Vị thuốc Bạch truật (Rhizoma atrclylodis macrocephalae) là thân rễ của cây Bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.), thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Cây Bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.)
Thành phần hóa học chủ yếu của Bạch truật là tinh dầu 1,4% (atractylon, acetoxy stractylon, hydroxyatractylon, actractylat kali), các sesquiterpen (α-eudesmol, β-eudesmol), các dẫn xuất lacton (atractynoid I, II, III).
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các tác dụng dược lý của Bạch truật như: Tác dụng chống loét dạ dày, chống viêm, chống nhiễm vi sinh, điều tiết nhu động ruột, chống đông, giãn mạch, lợi niệu, bổ ích cường tráng, tăng miễn dịch, hạ đường huyết… Trong các thí nghiệm về tính an toàn, cho thấy Bạch truật không gây ra độc tính trên thực nghiệm, không làm ảnh hưởng xấu đến chức năng gan, thận.
Theo y học cổ truyền, Bạch truật có vị đắng (khổ táo thấp), ngọt (cam kiện tỳ), tính ấm (ôn hòa trung).
Công năng: dùng cùng huyết dược thì bổ huyết, dùng cùng khí dược thì bổ khí, vô hãn năng phát, hữu hãn năng chỉ (thấp tà theo mồ hôi phát ra, thấp khứ hãn chỉ); táo thấp nên lợi tiểu tiện, sinh tân dịch; chỉ tiết tả; tiêu đàm thủy thũng mãn, hoàng đản thấp tý, chỉ cơ nhiệt, hóa trưng tích; hòa trung tiêu, chỉ ẩu thổ, định thống an thai.
Người huyết táo vô thấp cấm dùng.
2. Bào chế vị thuốc Bạch truật
Củ Bạch truật thu hoạch khi lá ở gốc cây úa vàng, thân tàn lụi. Lúc thu hoạch, nên chọn ngày nắng ráo, đất khô.
Củ cứng chắc, có mùi thơm nhẹ, ruột màu trắng ngà là loại tốt.
Sau khi đào củ về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi (sấy) khô để lưu trữ, cần bào chế sẽ ủ kín 12 – 24 giờ (hoặc đồ khoảng 4 giờ) cho mềm.
• Sấy khô
Bạch truật thái thành lát mỏng khoảng 2-3mm, phơi hoặc sấy khô. Bạch truật dạng này thường được dùng trong các phương thuốc có tác dụng táo thấp.
• Sao vàng
Bạch truật thái thành lát mỏng khoảng 2-3mm, phơi hoặc sấy khô, sau đó sao vàng. Sao cho đến khi dược liệu có màu vàng bên ngoài nhưng bên trong vẫn giữ màu như cũ. Sao để Bạch truật có mùi thơm, dễ đi vào Tỳ vị (theo Đông y, màu vàng dễ đi vào Tỳ vị).
• Sao cháy
Bạch truật thái bằng lát mỏng 1-2 mm, sao cháy.
Để lửa lớn sao cho gần cháy hết dược liệu nhưng chưa thành than, bên trong dược liệu vẫn còn giữ được màu ban đầu. Sao đến khi thấy khói bốc lên, nhắc xuống, đập nắp kín để hơi nóng nung nấu dược liệu rồi để nguội dần. Loại này có tác dụng ôn trung tiêu, chỉ huyết.
• Tẩm mật sao vàng
Sau khi bào, thái, phơi (sấy) sơ qua, tẩm mật, sao vàng.
Mật có vị ngọt để dẫn thuốc vào kinh Tỳ và làm giảm bớt vị đắng chát của thuốc. Hiện nay đa số dùng mật mía.
Loại này có tác dụng kiện tỳ, nhuận phế.
• Sao cám
Bạch truật thái lát 2-3mm, sấy khô. Bỏ cám lúa gạo vào chảo lớn sao cho khói lên, cho bạch truật vào sao cho đến khi vàng nhạt, lấy ra sàng hoặc rây bỏ cám. Mỗi kg bạch truật dùng 100g cám gạo.
Sử dụng cám gạo (nếp hoặc tẻ) mới xay xát trong vòng 24 giờ, màu hơi vàng nhạt, mịn, thơm..
Loại này có tác dụng kiện tỳ, chỉ nôn, an thai. Sao với cám gạo để làm tăng tác dụng kiện tỳ và làm giảm tính táo của bạch truật.
• Sao hoàng thổ
Hoàng thổ là đất sét vàng ở tầng sâu. Được dùng trong bào chế đông dược, sao tẩm với các vị thuốc để làm tăng tác dụng kiện tỳ thổ (thổ khí trợ tỳ), quy trung tiêu, giảm tính táo.
Sau khi bào, thái, phơi (sấy) sơ qua, sao hoàng thổ. Có 2 cách, tẩm nước hoàng thổ sao hoặc sao với bột hoàng thổ.
Cứ 100g đất Hoàng thổ cho vào 1 lít nước, đun sôi, khuấy đều. Gạn bỏ nước phía trên, chỉ lấy nước ở giữa, bỏ cặn, tẩm với dược theo tỉ lệ 40 – 50%, để 2 –3 giờ rồi đem sao vàng.
Hoặc lấy hoàng thổ tán bột sao cho nóng rồi cho bạch truật vào, đảo đều cho đất dính vào miếng bạch truật, lấy ra sàng bỏ đất thừa. Cứ mỗi kg bạch truật dùng 200g hoàng thổ.
Ngoài những phương pháp bào chế trên, y học cổ truyền còn bào chế Bạch truật với sữa, với nước vo gạo… Có thể tham khảo thêm các loại phụ liệu dùng trong chế biến các vị thuốc đông y được quy định tại Điều 1 Phụ lục I về Phương pháp chung chế biến các vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT ngày 28/08/2017, để ứng dụng bào chế thuốc cho đúng, đạt được hiệu quả điều trị mong muốn.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về sức khỏe hãy liên hệ ngay với
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
số 5-7 Khu tập thể Thủy sản, ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0943986986 - 0937638282