TÁC DỤNG TUYỆT VỜI CỦA CÂY MUỐNG BIỂN
Không chỉ ở núi rừng mà ở vùng biển cũng có rất nhiều thảo dược, thuốc quý có tác dụng tốt trong phòng ngừa và điều trị bệnh. Cây rau muống biển cũng là một loài thảo dược như vậy. Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu tác dụng tuyệt vời của cây muống biển nhé!
1. Mô tả dược liệu
- Danh pháp khoa học: Ipomoea pescarpae (L.) thuộc họ khoai lang – Convolvulaceae
- Tên gọi khác: rau muống biển, mã an đằng, nhị diệp hồng thư
- Đặc điểm thực vật
Cây rau muống biển có dạng thân thảo sống lâu năm. Thân cây khá mềm mọc bò lan trên mặt đất chia thành nhiều cành nhiều nhánh. Thân cây mọc bò tới đâu thì rễ cây liền cắm xuống mặt đất. Phần thân và cành giống rau muống nhưng đặc ruột, có màu tím. Lá cây mọc so le nhau, phía cuống lá có hình tim, phía đầu hơi tròn và xẻ thành 2 như móng chân con trâu.
Cuống lá dài có màu tím, 2 mặt lá đều nhẵn bóng, lá non có 2 mảnh cụp vào nhau. Khi bẻ lá có nhựa màu trắng chảy ra. Vào khoảng mùa hè cây bắt đầu ra hoa, những bông hoa màu tím nhìn giống hoa rau muống đỏ ở quê. Quả nang hình cầu thường có vào mùa thu
- Phân bố: Mọc hoang khắp các bãi biển trên toàn quốc. Nhờ có rau muống biển giúp cho cát ở vùng đó không bị trôi đi và tránh bị sạt lở bờ biển
Người dân dùng muống biển để làm thuốc, làm thức ăn cho trâu bò dê ngựa
2. Vị thuốc từ cây muống biển
- Bộ phận dùng: Toàn thân trên mặt đất, bỏ rễ
- Thu hái: Khi cây chưa ra hoa cắt cả cây đem về rửa sạch, loại bỏ rễ. Có thể dùng tươi hoặc sấy khô dùng dần
- Tính vị: Vị cay, đắng, tính hàn, quy kinh Can, Tỳ
- Tác dụng: trừ phong thấp, tiêu ung, tán kết
- Ứng dụng lâm sàng dùng chữa các chứng phong thấp đau nhức, mụn nhọt sưng đau
- Liều dùng: Với rau muống biển tươi dùng liều 30-60g/ ngày
Rau muống biển khô dùng liều 10-20g/ngày
- Cách dùng:
Sắc uống: thường phối hợp với các vị thuốc khác chữa các chứng cảm mạo, phong thấp gây sưng đau, nhức mỏi, chữa thủy thũng, thông tiểu tiện
Đắp ngoài: Giã nát rau muống biển tươi đắp lên các vết mụn nhọt mưng mủ, vết rắn cắn để tiêu viêm, giải độc
Dân vùng biển còn dùng rau muống biển tươi để trị sứa cắn. Khi chẳng may bị sứa cắn có thể hái ngay một nắm rau muống biển giã nhuyễn, vắt nước nước cốt rồi bôi lên vùng da bị tổn thương do sứa, giúp hết ngứa, hết bỏng rát.
Chế biến món ăn
Rau muống biển chọn phần cành và ngọn non đem về rửa sạch, có thể nấu canh ăn khá ngon và tốt cho hệ tiêu hóa
Nói chung rau muống biển tuy là loài rau dại, mọc hoang ngoài bãi biển nhưng nếu biết cách sử dụng sẽ mang lại nhiều hiệu quả.