CỎ NẾN
CÂY THUỐC QUÝ MỌC TRONG ĐẦM LẦY
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số Đặc biệt ngày 25/12/2018
Cỏ nến là loại cây mọc hoang khắp các đồng lầy, từ Bắc chí Nam, nhiều nhất ở miền Tây Nam bộ. "Cỏ nến" là tên thường gọi ở miền Bắc, còn ở miền Nam thì thường gọi là cây “bồn bồn”.
Trong các quán ăn tại các tỉnh phía Nam, thường có món đặc sản, rất bình dân, chế từ ngó của cây bồn bồn, rẻ tiền mà rất ngon, nhiều người ưa chuộng.
Cỏ nến - Bồn bồn còn có các tên khác như "hương bồ thảo", "thủy hương",… tên khoa học Typha orientalis G.A. Stuart., thuộc họ Hương bồ Typhaceae.
Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”: Ngoài cây Typha orientalis nói trên, trong Đông y người ta còn dùng nhiều loài khác như Typha angustata Bory et Chaub, Typha angustifolia L., Typha latifolia L., Typha davidiana Hand-Mazz., Typha minima Funk v.v... đều cùng họ Typhaceae.
Cũng theo sách trên, ở nước ta tuy có cây cỏ nến, nhưng thường chưa được khai thác để dùng làm thuốc. Vị thuốc Bồ hoàng (phấn hoa cỏ nến) hiện tại ta vẫn phải nhập của Trung Quốc. Một số nơi ở nước ta, người ta mới dùng lông của hoa cái để nhồi gối đệm.
Cây cỏ nến - bồn bồn hơi giống cây cói (cây lác), lá dài và hẹp, hoa đơn tính cùng gốc (bông đực ở trên, bông cái ở dưới), cụm hoa nhìn giống như cây nến, quả hình thoi. Đông y thường dùng phấn hoa, ngoài ra còn dùng lá, hoa và mầm rễ để làm thuốc.
"Bồ hoàng" - vị thuốc thông dụng nhất được khai thác từ cây cỏ nến. Bồ hoàng là phấn hoa lấy từ hoa đực. Vào tháng 4-6, cắt lấy phần trên của bông hoa (phần hoa đực), giã hay rũ lấy phấn hoa, rây loại bỏ tạp chất, phơi hoặc sấy khô, cất trong lọ kín dùng dần. Bồ hoàng không mùi vị, rất nhẹ, thả vào nước thì nổi lên trên, gặp gió dễ bay. Dùng tay nắm Bồ hoàng có cảm giác ẩm, trơn, dễ dính vào ngón tay. Thứ phấn hoa hạt nhỏ, màu vàng óng, tốt hơn thứ màu nâu. Bồ hoàng có thể dùng sống, sao vàng hoặc sao đen - tùy thuộc vào mục đích sử dụng.
Còn vị thuốc "Bồ nhược", tên khác là "Bồ hoàng căn", "bồ duẩn", "bồ nhi căn", "bồ bao thảo căn", "bồ truỳ"; đó là mầm rễ non của cây cỏ nến.
TÁC DỤNG CỦA BỒ HOÀNG, BỒ NHƯỢC
§ Bồ hoàng:
Trong các sách thuốc của Đông y, Bồ hoàng được xếp vào nhóm các vị thuốc "hóa ứ chỉ huyết" (chữa xuất huyết do ứ trệ). Theo Đông y, Bồ hoàng có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh can, tỳ và tâm bào. Dùng sống có tác dụng hoạt huyết, hành ứ, lợi tiểu. Sao đen có tác dụng thu sáp cầm máu. Dùng sống chữa hành kinh đau bụng, đau ngực, đau bụng, tiểu tiện khó khăn; sao đen có tác dụng cầm máu mạnh hơn, dùng chữa xuất huyết, thổ huyết, khạc huyết, nục huyết (đổ máu cam) ...
Kết qủa nghiên cứu dược lý và lâm sàng hiện đại cho thấy, Bồ hoàng có một số tác dụng chủ yếu như sau:
- Tác dụng cầm máu: Nước sắc, nước ngâm Bồ hoàng đều có tác dụng rút ngắn thời gian đông máu. Trên lâm sàng, thử nghiệm dùng nước sắc Bồ hoàng chữa các chứng xuất huyết như ho ra máu, tiểu tiện ra máu, đại tiện ra máu, đổ máu cam, tử cung xuất huyết, đều thấy có tác dụng cầm máu hoặc làm giảm lượng huyết xuất ra.
- Tác dụng đối với tim mạch: Bồ hoàng có tác dụng làm tăng lưu lượng máu trong động mạch vành tim, giãn mạch, giảm nhịp tim, cải thiện chuyển hóa và tăng lực co bóp của cơ tim; cải thiện điện tâm đồ, làm giảm lực cản ngoại vi; bảo vệ cơ tim, hạn chế phạm vi nhồi máu cơ tim và chống sự ngưng tập của tiểu cầu.
- Hạ huyết áp, phòng xơ vữa động mạch: Chế phẩm từ Bồ hoàng có tác dụng hạ huyết áp, giảm hàm lượng cholesterol trong huyết thanh rõ rệt, ức chế sự hấp thu cholesterol qua niêm mạc ruột, tăng tỷ lệ lipoprotein mật độ cao, phòng trị xơ mỡ động mạch.
- Một số tác dụng khác: Bồ hoàng có tác dụng gây co thắt tử cung, đối với tử cung chưa mang thai mạnh hơn so với tử cung mang thai. Đối với tử cung sau khi sinh, có tác dụng tăng trương lực và sức co bóp. Ngoài ra còn có tác dụng kháng viêm, tiêu phù, cải thiện vi tuần hoàn cục bộ và giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch.
• Cách dùng, liều dùng: Sắc uống, từ 3-10g; Dùng ngoài tùy lượng, đắp hay bôi. Bồ hoàng sao thường dùng để cầm máu; Bồ hoàng sống thường dùng để hóa ứ, lợi thủy.
• Chú ý, kiêng kỵ: Bồ hoàng sống có tác dụng làm co tử cung, phụ nữ có thai kiêng sử dụng, nhưng có thể sử dụng để chữa chứng xuất huyết do tử cung co không tốt sau khi sinh đẻ.
§ Bồ nhược:
Theo dong y, Bồ nhược có vị ngọt tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, lợi thủy tiêu thũng; dùng chữa phụ nữ mang thai lao nhiệt (sốt nóng do cơ thể suy yếu), thai động hạ huyết, tiêu khát (đái tháo đường), khẩu sang (miệng lở loét), nhiệt lỵ (lỵ do nhiệt tà), lâm bệnh (tiểu tiện nhỏ giọt), bạch đới (phụ nữ nhiều khí hư), thủy thũng, loa lịch (kết hạch ở cổ). Ngoài ra, theo sách "Thần Nông bản thảo kinh", Bồ nhược có tác dụng trị khẩu trung lạn xú (trong miệng lở loét hôi thối), kiên xỉ (chắc răng), minh mục, thông nhĩ (sáng mắt, thính tai).
• Cách dùng, liều dùng
- Sắc uống, từ 3-10g; hoặc giã vắt lấy nước cốt uống.
MỘT SỐ ĐƠN THUỐC CÓ SỬ DỤNG CỎ NẾN
- Chữa các chứng xuất huyết bên trong và bên ngoài: Bồ hoàng 5g, Cao ban long 4g, Cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 2 hay 3 lần uống trong ngày, dùng làm thuốc cầm máu (Những cây thuốc và vị thuốc VN).
- Chữa tai chảy mủ: Bồ hoàng tán thành bột mịn, rắc vào lỗ tai (Những cây thuốc và vị thuốc VN).
- Chữa tai chảy máu: Dùng Bồ hoàng sao đen, tán thành bột mịn, rắc vào lỗ tai (Thánh huệ phương).
- Chữa mũi chảy máu lâu ngày không khỏi: Dùng Bồ hoàng 3 phần, hoa Thạch lựu 1 phần, hai thứ trộn đều, tán thành bột mịn, ngày uống 2 lần vào sáng sớm và buổi tối, mỗi lần 4g bột thuốc, chiêu thuốc bằng nước sôi để nguội (Thánh huệ phương).
- Chữa lưỡi sưng thũng đầy cả miệng, không nói được: Dùng Bồ hoàng bôi vào lưỡi nhiều lần trong ngày (Bản sự phương).
- Bị ngã hoặc bị đánh chấn thương, huyết ứ ở bên trong, người khó chịu, phiền muộn: Dùng Bồ hoàng 9g, uống với rượu vào lúc đói bụng (Tái thượng phương).
- Chữa nóng phổi (phế nhiệt), ho khạc ra máu: Dùng Bồ hoàng 4g, Huyết dư thán (than tóc rối - cho vào dầu lạc hoặc dầu vừng rán cho đến khi cháy đen thành than) 4g, dùng nước ép củ Sinh địa hoặc củ Mạch môn chiêu thuốc (Giản tiện đơn phương).
- Chữa tiểu tiện ra máu: Dùng Bồ hoàng 2 phần, Nghệ đen 3 phần, tán thành bột mịn, trộn đều, trước bữa cơm tối uống 6g bột thuốc, chiêu thuốc bằng nước cơm hoặc cháo loãng (Thánh tế tổng lục).
- Chữa thoát giang (sa trực tràng): Dùng Bồ hoàng trộn với mỡ lợn, bôi vào quanh hậu môn và phần trực tràng lòi ra ngoài, tiếp đó lấy tay ấn nhè nhẹ phần trực tràng lòi ra ngoài vào trong, làm như vậy vài ngày sẽ kiến hiệu (Thiên kim phương).
- Chữa nam giới ngứa hạ bộ: Dùng Bồ hoàng tán mịn, bôi vào những chỗ da bị ngứa (Thiên kim phương).
- Chữa phụ nữ hành kinh đau bụng, kinh nguyệt không đều: Dùng Bồ hoàng và Lá lốt liều lượng bằng nhau. Bồ hoàng sao vàng, tán mịn; Lá lốt tẩm muối sao, tán mịn; trộn đều 2 thứ, luyện với mật thành viên cỡ đốt ngón tay (khoảng 9g). Trước mỗi kỳ kinh khoảng một tuần, mỗi ngày uống 2 lần vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần uống 1 viên, chiêu thuốc bằng nước sôi còn ấm; uống liên tục trong 5 ngày. Thích hợp với chứng hành kinh đau bụng, rối loạn kinh nguyệt do hư hàn (Thực dụng Trung dược thủ sách).
- Chữa phụ nữ sau khi đẻ xuất huyết do tử cung co thắt dị thường: Dùng Bồ hoàng sống, tán thành bột mịn, uống ngày 3 lần, mỗi lần 3g, liên tục trong 3 ngày. Hoặc dùng một lượng thích hợp giấm đun sôi, cho bột Bồ hoàng vào trộn đều thành một thứ bột sền sệt, chờ nguội, nặn thành viên cỡ đốt ngón tay (khoảng 9g). Ngày uống 2 lần vàng sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần 1 viên, liên tục trong 3 ngày (Hiện đại thực dụng Trung dược học).
- Phụ nữ sau khi đẻ bị ung nhọt ở bộ phận sinh dục và ở vú: Lấy lá Bồn bồn tươi giã nát, đắp vào chỗ bị nhọt, băng cố định lại, ngày thay thuốc 3 lần. Đồng thời dùng một nắm lá Bồn bồn (khoảng 20g) sắc nước uống (Kinh hiệu sản bảo).
Lương y Huyên Thảo