SÂM NGỌC LINH VÀ NHỮNG CÁI NHẤT
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số 41 ngày 28/11/2018
Tại Hội nghị đầu tư và phát triển sâm Ngọc Linh (tổ chức ở tỉnh Kon Tum) ngày 6/9/2018 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam. Các địa phương, các đơn vị nghiên cứu, trồng, chế biến, kinh doanh Sâm Ngọc Linh cần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, tạo ra các giá trị chữa bệnh và các giá trị chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp … từ sâm Ngọc Linh, để làm sao hàng triệu người Việt Nam có thể sử dụng Sâm Ngọc Linh. Thủ tướng nhấn mạnh: "Nếu như sức khỏe quý như vàng, thì sâm Ngọc Linh còn quý hơn vàng. Vậy thì tại sao Việt Nam không mang sản phẩm này vươn tầm ra thế giới?"
1. Cây sâm quý của người Việt Nam
Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) được Dược sĩ Đào Kim Long phát hiện từ năm 1973 tại núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum.
Sâm Ngọc Linh thường mọc ở độ cao từ 1200-2000m so với mặt nước biển, trong những khu rừng nguyên sinh còn rộng, mọc dưới tán các cây khác, ven bờ suối nơi có đất mùn, ẩm. Ở nước ta, Sâm Ngọc Linh phân bố ở núi Ngọc Linh Đắk Tô, tỉnh Kon Tum và huyện NamTrà My, tỉnh Quảng Nam; núi Ngọc Lum Heo xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và đỉnh Ngọc Am của tỉnh Quảng Nam.
Sâm Ngọc Linh là loại cây thân thảo sống lâu năm, cao từ 40 - 100cm, nhìn qua rất giống các loại sâm, tam thất khác thuộc chi Panax, nhưng nhìn kỹ hơn sẽ thấy thân rễ có những vết sẹo và các đốt như đốt trúc, qua sẹo đó ta có thể tính được tuổi của sâm. Cây mọc thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, nhỏ, đường kính thân khoảng 0,4 - 0,8cm. Thân rễ có đường kính khoảng 1–2cm, mọc bò ngang trên hoặc dưới mặt đất khoảng 1–3 cm, mang nhiều rễ nhánh và củ. Lá của cây sâm là lá kép hình chân vịt mọc vòng với 3-5 nhánh. Lá chét phiến hình bầu dục, mép có răng cưa, có lông ở cả hai mặt. Hoa mọc thành tán đơn ở ngọn thân. Quả mọc tập trung ở trung tâm của tán lá, quả mọng, khi chín có màu đỏ.
Sâm Ngọc Linh là loài sống lâu, sinh trưởng chậm, có khi sống đến hơn 100 năm.
2. Sâm Ngọc Linh – thần dược cho sức khỏe
Trước khi có những nghiên cứu khoa học về thành phần hóa học và tác dụng dược lý, sâm Ngọc Linh đã được đồng bào dân tộc Xê-Đăng dùng từ rất lâu đời để cầm máu chữa vết thương, làm thuốc bổ, chữa sốt rét, đau bụng, phù thũng và được gọi tên là “ cây thuốc dấu ”.
Được sinh ra ở núi rừng Ngọc Linh ở độ cao nhất định, được hấp thu linh khí trời đất, còn giữ được nhiều sự hoang sơ, tự nhiên, vì vậy sâm Ngọc Linh mang những đặc điểm vượt trội hơn những loại sâm khác. Đây là loại thảo dược quý hiếm và có chất lượng cao, đã và đang được các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu, ứng dụng để phục vụ tốt nhất cho cuộc sống con người.
Về mặt thành phần hóa học, thân và cả rễ củ sâm Ngọc Linh đã phân lập được 52 loại saponin, trong đó có 26 loại saponin thường thấy ở nhân sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật đại diện chính là Gindenoside Rb1, Ginsenosid Rg1, Ginsenosid Rd và 26 saponin mới phát hiện trong sâm Ngọc Linh, đại diện chính là Majonosid R1, Majonosid R2. Đặc biệt Majonosid R2 chiếm 50% hàm lượng saponin toàn phần của sâm Ngọc Linh.
Trong lá và cọng lá Sâm Ngọc Linh cũng đã phân lập được 19 saponin damma – ran, trong đó có 8 saponin có cấu trúc mới. Ngoài thành phần chính saponin, trong sâm Ngọc Linh đã xác định 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu khoảng 0,1%.
Nghiên cứu so sánh hàm lượng thu suất saponin toàn phần của Sâm Ngọc Linh so với các loại sâm khác cho thấy sự vượt trội của loại sâm này. Saponin Sâm Ngọc Linh cao gấp 3 lần nhân sâm Triều Tiên, hơn 2 lần nhân sâm Trung Quốc và nhân sâm Mỹ.
Sâm Ngọc Linh đã được chứng minh có tác dụng chống stress, chống trầm cảm, giải lo âu, kích thích lên hệ miễn dịch, chống oxy hóa, ức chế ung thư, kháng khuẩn, hạ lipid máu, bảo vệ tế bào gan, tăng cường trao đổi chất, tăng cường sức khỏe, tăng cường khả năng tình dục…
Trên nghiên cứu lâm sàng cũng như thực tế người sử dụng Sâm Ngọc Linh cho thấy những hiệu quả như sau:
- Ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí lực và thể lực được cải thiện.
- Giảm mệt mỏi, chậm nhược sức khi lao lực liên tục và quá tải.
- Gia tăng sức đề kháng cơ thể trong các bệnh lý nhiễm trùng, hiệp lực tốt với một số kháng sinh thông dụng.
- Cải thiện các chỉ số sinh hóa cơ thể như tăng dung tích sống, giảm lipid máu, tăng số lượng và chất lượng hồng cầu.
- Cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy sinh dục.
- Điều hòa hoạt động tim mạch: Nâng cao huyết áp trong trường hợp huyết áp thấp do suy nhược, mất máu và không làm ảnh hưởng đến huyết áp bình thường.
- Có tác dụng làm dịu và chống đau trong viêm họng, giúp bệnh nhân dễ thở và long đờm trong các bệnh lý phế quản và phổi, ngăn chặn và làm thưa các cơn hen suyễn.
- Có tác dụng bảo vệ tế bào gan, hỗ trợ sự tái tạo tế bào gan, tăng cường chức năng gan.
- Có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giảm đau, giảm các tác dụng không mong muốn của liệu pháp xạ trị, hoá trị, nâng cao thể trạng, kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư.
3. Sâm Ngọc Linh và những cái nhất
• Nhiều saponin nhất
Sâm ngọc linh có hàm lượng saponin cao nhất (gấp 3 lần nhân sâm Triều Tiên, hơn 2 lần nhân sâm Trung Quốc và nhân sâm Mỹ) và thành phần saponin đa dạng nhất (52 saponin, trong đó có 26 saponin thường thấy ở nhân sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật và 26 saponin mới phát hiện trong sâm Ngọc Linh) trong các loại sâm.
• Củ sâm lớn nhất thế giới
Hiện nay, củ sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang (chủ nhiệm nhà thuốc Thọ Xuân Đường). Ông nổi tiếng với bộ sưu tập sâm Ngọc Linh lên tới hàng trăm bình lớn nhỏ, thuộc vào hàng quý hiếm bậc nhất hiện nay.
Đặc biệt, củ sâm có tuổi đời 156 năm tuổi do ông Phùng Tuấn Giang sở hữu đã được Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới xác lập kỷ lục "Củ sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới".
Ông Phùng Tuấn Giang – Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Thọ Xuân Đường nhận bằng xác nhận kỷ lục châu Á cho sâm Ngọc Linh Việt Nam- Đặc sản quà tặng châu Á (22/3/2014)
Củ sâm này có chiều dài 80cm, to ngang 35cm và nặng 2,25kg. Biết tin ông tìm được sâm quý nhiều thương lái trong nước và nước ngoài tìm đến để thương lượng mua bán, họ trả giá lên đến hàng tỉ đồng nhưng ông không bán. Theo ông Phùng Tuấn Giang, có được những củ sâm quý là một cái duyên mà duyên đôi khi chỉ đến một lần, bán đi sẽ không bao giờ có lại. Hơn nữa, đây lại là báu vật thuốc của nước ta nên ông muốn giữ lại để làm thuốc, cứu người khi cần đến. Lương Y Phùng Tuấn Giang cũng đã và đang hợp tác cùng nhiều nhà khoa học, nhiều Trung tâm nghiên cứu về Sâm Ngọc Linh để tiếp tục nghiên cứu, khai thác tính năng, bào chế, tăng sinh khả dụng cho sản phẩm Sâm Ngọc Linh, phục vụ công tác chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
BS. Nguyễn Thùy Ngân