ĐÔNG Y ĐIỀU TRỊ SUY NHƯỢC THẦN KINH
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số 09 (59) ngày 24/04/2019
Suy nhược thần kinh còn được gọi là bệnh tâm căn suy nhược, theo đông y được xếp vào phạm vi nhiều chứng bệnh như: kinh quý, chính xung, kiện vong, đầu thống, di tinh, thất miên…
Đây là căn bệnh có nguyên nhân từ những căng thẳng trong cuộc sống và do bản thân bệnh nhân không tự cân bằng được. Bệnh khiến nhiều người phải mệt mỏi, giảm khả năng lao động và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều khi khám Tây y thì… không ra bệnh. Cho đến hiện giờ, Tây y chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, còn đông y điều trị như thế nào?
Theo đông y suy nhược thần kinh do nhiều nguyên nhân gây ra như sang chấn tinh thần (lo nghĩ, hoạt động thần kinh khẩn trương quá độ…), tình trạng địa tạng thần kinh yếu (tiên thiên không đầy đủ) đưa đến sự rối loạn công năng (tinh, khí, thần) của các tạng phủ đặc biệt tâm, can, tỳ, thận.
Đông y chia tâm căn suy nhược ra nhiều thể khác nhau để điều trị, ngoài chế độ thuốc thang, châm cứu thì liệu pháp tâm lý cực kỳ quan trọng, giúp khôi phục lại quá trình ức chế vỏ não. Về căn bản có 4 thể như sau:
1. Can và tâm khí uất kết
Tương ứng giai đoạn hưng phấn tăng và do sang chấn tinh thần gây ra bệnh
- Pháp chữa: Tư âm giáng hỏa, bình can tiềm dương, an thần
- Phương thuốc: Kỷ cúc địa hoàng thang gia giảm: Kỷ tử 12g, Cúc hoa 8g, Thục địa 12g, Sơn thù 8g, Hoài sơn 12g, Trạch tả 8g, Đan bì 8g, Phục linh 8g, Câu đằng 12g, Sa sâm 12g, Mạch môn 12g, Táo nhân 8g, Bá tử nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần sáng tối.
- Nếu triệu chứng thiên về âm hư gây hội chứng tâm thận bất giao, có các triệu chứng mất ngủ, hồi hộp, nhức trong xương, đau lưng, di tinh, ù tai, hay quên… Dùng bài Lục vị hoàn gia giảm: Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 8g, Trạch tả 8g, Đan bì 8g, Phục linh 8g, Ngũ vị tử 8g, Thạch hộc 8g, Hoàng liên 4g, Táo nhân 8g.
- Phương châm: châm bổ các huyệt Thận du, Thái khê, Tam âm giao, Thái xung, Nội quan, Thần môn.
2. Tâm can thận âm hư
Nặng về ức chế, giảm ít triệu chứng về hưng phấn tăng, theo đông y nặng về triệu chứng của thận âm, can huyết, tâm âm hư, ít triệu chứng về dương xung.
- Chứng trạng: Người mệt mỏi, đau lưng, ù tai, di tinh, ngủ ít, hồi hộp, nhức đầu, tiểu tiện trong, đại tiện ít, táo, miệng ít khô, mạch tế.
- Pháp chữa: Bổ thận âm, bổ can huyết, an thần, cố tinh
- Phương chữa: Tả quy hoàn gia giảm: Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 8g, Kỷ tử 12g, Thỏ ty tử 12g, Lộc giác giao 12g, Ngưu tất 12g, Quy bản 8g, Táo nhân 8g, bá tử nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang
- Phương châm: Châm bổ Thận du, Thái khê, Tam âm giao, Thái xung, Nội quan, Thần môn.
3. Tâm tỳ hư
Ức chế thần kinh giảm kèm suy nhược nhiều, ăn kém.
- Chứng trạng: Ngủ ít, dễ hoảng sợ, ăn kém, sụt cân, người mỏi mệt, hai mắt thâm quầng, hồi hộp, ít nhức đầu, rêu lưỡi trắng, mạch nhu tế hoãn.
- Pháp chữa: Kiện tỳ an thần
- Phương chữa: Quy tỳ thang: Hoàng kỳ 12g, Bạch truật 12g, Đảng sâm 12g, Đương quy 8g, Viễn trí 6g, Long nhãn 8g, Phục thần 8g, Đại táo 12g, Mộc hương 6g, Táo nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng tối.
- Phương châm: châm bổ Tỳ du, Vị du, Túc tam lí, Nội quan, Tam âm giao, thần môn.
4. Thận âm thận dương hư
Tương ứng với thể ức chế và hưng phấn thần kinh đều giảm
- Chứng trạng: Sắc mặt trắng, tinh thần ủy mị, lưng gối mỏi yếu, di tinh, liệt dương, lưng và tay chân lạnh, sợ lạnh, ngủ ít, tiểu tiện trong, đái nhiều lần, lưỡi đạm nhạt, mạch tế vô lực.
- Pháp chữa: ôn thận dương, bổ thận âm, an thần, cố tinh
- Phương chữa: Thận khí hoàn gia giảm: Thục địa 12g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 8g, Trạch tả 8g, Phục linh 8g, Đan bì 4g, Nhục quế 4g, Phụ tử chế 8g, Táo nhân 8g, Viễn chí 6g, Kim anh 12g, Khiếm thực 12g, Ba kích 12g, Thỏ ty tử 8g, Đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Phương châm: Cứu các huyệt Quan nguyên, Khí hải, Thận du, Mệnh môn, Tam âm giao
- Châm bổ: Nội quan, Thần môn.
Tóm lại, tùy theo triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh mà đông y điều trị theo pháp phương phù hợp. Ngoài ra cần động viên tích cực ý chí chủ quan của người bệnh, dùng liệu pháp tâm lý và giải thích để bệnh nhân hưởng ứng các phương pháp chữa bệnh của thầy thuốc, phối hợp tốt với thuốc hoặc phương pháp điều trị.
Đông y chia tâm căn suy nhược ra nhiều thể khác nhau để điều trị, ngoài chế độ thuốc thang, châm cứu thì liệu pháp tâm lý cực kỳ quan trọng
BS. Thúy Hường