GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG “BÌNH THƯỜNG MỚI”
Bài đăng Tạp chí Sức khoẻ Cộng đồng số 06 ngày 26/03/200
Như chúng ta biết Tây y có lịch sử hơn 100 năm, trong khi y học cổ truyền đã có từ hơn 4000 năm. Dịch covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu lui, cùng với y học hiện đại, y học cổ truyền vừa giúp phòng bệnh vừa giúp điều trị bệnh, bồi bổ cơ thể sau khi khỏi bệnh.
Y đức đặt lên hàng đầu
Thuốc Nam từ cỏ cây hoa lá, hấp thụ linh khí của trời Việt nên dễ phù hợp với cơ thể người Việt. Con người khi sinh ra lớn lên trên mảnh đất này đã được nuôi dưỡng và chăm sóc bằng các loại cây cỏ, hoa lá…thuần Việt. Bởi vậy không ngẫu nhiên mà cách đây gần 7 thế kỷ, Sư tổ Tuệ Tĩnh – “Vị thánh thuốc Nam” đã khẳng định: “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”.
Cùng với Tuệ Tĩnh, Lãn Ông là một trong hai khuôn mặt sáng giá nhất của nền y học cổ truyền dân tộc, hai vị tổ sư đặt nền móng vững chắc cho y học và nền y đức Việt Nam. Hải Thượng Lãn Ông đã nói: "Tôi đã hứa với mình sống chết với nghề y thì lúc nào cũng muốn làm hết mọi việc tốt trong nghề, trần thuật thật sâu rộng để cắm ngọn cờ đỏ giữa trường y".
Sau đó, trong thư Bác Hồ gửi cán bộ ngành Y tế nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02 có đoạn viết: “Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”. Mong các cô các chú cố gắng thi đua, làm tròn nhiệm vụ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp truyền thống đạo đức dân tộc với đạo đức cách mạng, gắn y đức của người thầy thuốc với bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội nên đã nâng y đức Việt Nam lên một tầm cao mới. Theo Người, "chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ǎn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán, không tốt dần dần được xoá bỏ". Như vậy, bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội được thể hiện trên tất cả các tiêu chí về kinh tế, vǎn hoá, giáo dục, y tế, xã hội, phong tục tập quán, nghĩa là cả ở mức sống và lối sống...
Trong lĩnh vực y tế, khẩu hiệu "lương y kiêm từ mẫu" mà Bác Hồ nhắc nhở, được tất cả cán bộ ngành y tâm niệm, tu dưỡng, kiểm điểm hằng ngày.
65 năm trôi qua, lời dạy của Bác vẫn vẹn nguyên trong lòng bao thế hệ người thầy y đức Việt. Chúng ta đã biết từ thời chiến tranh kinh nghiệm sử dụng cỏ cây trong quân y đã giúp cho quân đội ta tránh được nhiều ôn, dịch bệnh, tăng sức đề kháng rất cao, góp phần cùng y học hiện đại làm nên chiến thắng lịch sử. Như vậy có thể nói, mỗi ngành nghề đông hay tây y đều có những đóng góp nhất định.
Giữ gìn và phát huy y học cổ truyền trong xã hội hiện nay
54 dân tộc Việt Nam là 54 nền văn hóa chữa bệnh mang đậm giá trị bản sắc. Mỗi dân tộc lại có cách chữa bệnh riêng, như người Dao trên Hòa Bình, cả làng cả xã biết chữa bệnh, biết trồng vườn thuốc. Giữ gìn và tôn vinh giá trị Nam y Việt cũng chính là tôn vinh nền tri thức chữa bệnh ngàn đời – một trong những niềm tự hào dân tộc Việt. Nếu không biết gìn giữ, việc chữa bệnh theo y học cổ truyền của mỗi dân tộc có thể biến mất hoàn toàn – tri thức, chất xám của dân tộc Việt.
Xưa ông cha ta vẫn có câu “Nam đánh giặc, Bắc tính công” (nghĩa là thuốc Nam có tác dụng chữa bệnh hiệu quả nhưng dùng chung với thuốc Bắc nên lâu nay người dân chỉ hiểu là thuốc Bắc mà không biết tác dụng là do tác dụng của những cây thuốc Nam của đất Việt.
Việt Nam có hơn 12.000 loại cây thuốc nam nên việc đầu tiên trong hành trình giữ gìn Nam y Việt chúng ta cần phát triển cây thuốc để khai thác hiệu quả, chủ động được nguồn nguyên liệu, không lệ thuộc vào thuốc bắc. Ta cần phát triển cây thuốc nam theo hướng đồng bộ và chiến lược để có được sản phẩm cuối cùng, từng vùng nên quy hoạch phát triển, nhân giống loại gì, bán cho ai, cần kênh bảo hiểm trong nước cũng cần làm sao đưa được cây thuốc nam vào nhiều hơn nữa để làm sao phát triển được các cây thuốc của dân tộc tốt nhất.
Bên cạnh đó chúng ta cần đưa các nhà khoa học vào cuộc để tiếp tục nghiên cứu, chiết xuất, tăng sinh khả dụng cho các vị thuốc để mỗi vị thuốc đều phát huy tác dụng tốt nhất.
An ninh dược liệu là vấn đề quan trọng bởi trên thị trường y dược hiện nay việc cạnh tranh dược liệu giữa các nền y học khác nhau của các nước rất khốc liệt. Các thế lực thù địch chỉ cần thả một loại virus bất kì nào đó vào cũng có thể phá hủy mấy nghìn hecta rừng dược liệu. Thậm chí trong thời gian qua dân ta đã bán rễ quế, rễ hồi thực chất phải chặt cả cay vô cùng đau đớn, phải chăng do không hiểu biết mà chúng ta đã tự chặt đi nguồn dược liệu quý của mình. Bởi vậy, vấn đề an ninh dược liệu của chúng ta cần phải đảm bảo, đề cao, sát sao hơn nữa.
Hiện nay, nền y học cổ truyền của chúng ta mới khai thác và sử dụng nguồn dược liệu rừng và dược liệu đồng bằng mà lại quên mất hai dược liêu có giá trị to lớn không kém, đó là dược liệu biển và côn trùng. Đầu tiên là dược liệu biển, trên mấy trăm loại rong rêu, sinh vật biển đều có giá trị làm thuốc. Nhật Bản mới có Fucoidan chiết xuất từ rong nâu mà đã bán được toàn thế giới, phải chăng dược liệu biển của nước ta đang bị bỏ quên. Thứ hai là các loại côn trùng, ta có thể thấy tại y dược cổ truyền Trung Quốc và một số nước khác, chữa bệnh bằng côn trùng trở thành một môn chuyên biệt. Nguồn dược liệu côn trùng cũng là một nguồn dược liệu không được chú trọng trong điều trị.
Điều tôi đang tâm huyết theo đuổi đó là làm sao để cho ra các sản phẩm quốc gia. Đây là một vấn đề quan trọng bởi ở đó có sự tự tôn của dân tộc, tự tôn của nam dược. Nước ta có 21 loại sâm quý trong đó có sâm ngọc linh, nhưng chưa hề được phát triển thành sản phẩm mang tính quốc gia. Đó là những định hướng và ý kiến tôi đưa ra với mong muốn mang y học cổ truyền phát triển lên tầm cao mới.
Hiện nay những bệnh bị lây nhiễm từ các loại virus kháng vacxin, vi khuẩn kháng kháng sinh, tế bào ung thư kháng hóa chất, phương pháp Tây y chưa có thuốc điều trị. Đến với y học tự nhiên, có thể dùng những thuốc cây thuốc rất đơn giản, bằng phương pháp không tiêu diệt, không đối đầu, chỉ có hóa giải và cân bằng mang lại những thành công nhất định trong việc điều trị. Như vậy những bệnh lí mang tính cấp tính có thể áp dụng y học hiện đại sẽ đạt hiệu quả cao còn những bệnh mãn tính nên theo y học cổ truyền. Y học cổ truyền đi vào bản chất của bệnh, trị tiêu (ngọn), trị bản (bản chất căn bệnh) và coi trọng phòng bệnh hơn chữa bệnh (trị vị bệnh), chữa bệnh lúc bệnh chưa phát.
Nói tóm lại, mỗi nền y học đều có khả năng đóng góp vào công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân theo một cách khác nhau. Các thuốc y học cổ truyền hiện nay nếu biết vận dụng, được khoa học hiện đại soi sáng, được áp dụng công nghệ, tăng tác dụng, tăng sinh khả dụng của mỗi vị thuốc sẽ tốt hơn rất nhiều, hiệu quả điều trị không thua kém thuốc tây. Nếu ta đặt sự quan tâm hơn nữa vào phát triển y học cổ truyền, hỗ trợ y học cổ truyền phát triển dược liệu, chắc chắn mọi bài thuốc hay, cây thuốc quý, tri thức bản địa và các gia đình truyền thống nghề y sẽ được tôn vinh, ta sẽ có những sản phẩm quốc gia là các loại thuốc nam riêng biệt. Gìn giữ nền y học cổ truyền cũng chính là gìn giữ chất xám của dân tộc, chúng ta cần phải công nhận các bài thuốc dân gian, bài thuốc truyền thống thành di sản văn hoá phi vật thể, giúp góp phần nâng tầm bản sắc dân tộc trên trường thế giới.
Sức mạnh của Y học cổ truyền trong đại dịch COVID-19
Vào mùa xuân, khi vạn vật sinh sôi nảy nở, khí tiết ấm áp hơn nhưng ẩm thấp và nhiều gió. Mùa xuân thuận lợi cho sự phát triển và phát tán các loại vi khuẩn, virus gây bệnh... phát sinh dịch bệnh. Xét về mặt thời tiết, khí hậu thì từ thời điểm này trở đi ở miền bắc nước ta, do ảnh hưởng của hai luồng gió giao mùa là gió mùa đông - bắc và gió mùa đông - nam, có mưa nhỏ kéo dài làm độ ẩm của không khí và trong đất lên cao gây ra hiện tượng nồm. Vào lúc này là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.
Từ tiết Thanh minh trở đi, gió mùa đông - bắc đã suy yếu, gió mùa đông - nam đã mạnh dần lên và không còn hiện tượng mưa phùn nên không còn nồm, tiết trời trở nên trong sáng, dễ chịu hơn so với đầu mùa xuân do nhiệt độ cao hơn và độ ẩm giảm xuống. Gần tiết Cốc vũ thì thường xảy ra mưa rào. Thời tiết chuyển biến nên nếu cơ thể không đủ sức đề kháng thì rất dễ mắc bệnh.
Phế là tạng dễ bị tổn thương vào mùa xuân (phế vi kiều tạng, mộc khí phản vũ phế kim), mùa xuân phong khí thịnh, các lỗ chân lông, huyệt đạo mở tà khí dễ dàng thừa cơ thâm nhập.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 là một dạng ôn dịch, virus phát tán mạnh với quy mô đa quốc gia. Về nhận định theo y học cổ truyền, bệnh liên quan đến các yếu tố hàn thấp, nhiệt độc và qua các giai đoạn như các bệnh truyền nhiễm khác (ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh).
Y học cổ truyền Việt Nam là nền y học dân tộc đầy bản sắc, cùng với những lý luận y triết học phương Đông, kinh nghiệm chữa bệnh ngàn năm và sự phong phú của dược liệu trời Nam đã và đang tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh. Ngày 17/3/2020, Bộ Y Tế đã ban hành công văn số 1306/BYT - YDCT về việc tăng cường phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng các phương pháp y học cổ truyền.
Hơn 2 năm qua, nhiều thầy thuốc, nhiều bệnh viện và cơ sở chẩn trị y học cổ truyền đã ứng dụng và đưa ra các phác đồ phòng và điều trị SARS-CoV-2. Trong đó, Nhà thuốc Thọ Xuân Đường – Kỷ lục Guinness nhà thuốc gia truyền nhiều đời nhất Việt Nam đã có những bài thuốc uống, xịt mũi họng, xoongmuix họng, xông tắm toàn thân, tháp thảo dược xông nhà, món ăn bài thuốc … dùng để phòng và điều trị SARS-CoV-2 đưa đến cộng đồng. Nhà thuốc Thọ Xuân Đường đã có những chương trình từ thiện như tặng hàng nghìn thang thuốc “Thanh phế bài độc phù chính thang” giúp người dân phòng ngừa dịch bệnh, test nhanh miễn phí cho bệnh nhân và người nhà tới thăm khám, chia sẻ nhiều thông tin phòng ngừa bệnh trên truyền thông đại chúng, nhất là các thông tin liên quan đến chăm sóc sức khoẻ phòng biến chứng hậu COVID-19…
Cùng với việc dùng thuốc, y học cổ truyền còn khuyến khích thực hiện những phương pháp sau để nâng cao sức khỏe:
- Giữ ấm cơ thể để tránh phong, hàn, thấp tà từ bên ngoài.
- Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ: Không khí ẩm ướt dễ phát sinh phát tán mầm bệnh, vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sẽ giúp hạn chế mắc phải các bệnh truyền nhiễm.
- Tập thể dục nâng cao sức khỏe: Tập thở, tập dưỡng sinh vào buổi sáng sớm sẽ giúp nâng cao sức khỏe, làm tinh thần sảng khoái.
- Ăn uống tăng cường miễn dịch: Nên ăn đa dạng các loại các loại rau xanh, quả tươi để bổ sung đủ lượng nước, vitamin và khoáng chất tự nhiên giúp cơ thể tăng sức đề kháng; nên ăn các loại rau thơm (tía tô, húng quế, bạc hà, kinh giới, tỏi, gừng tươi… ) để làm ấm cơ thể, trừ phong hàn thấp tà.
Y học cổ truyền luôn đề cao tinh thần “trị vị bệnh” tức là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Không chỉ đối với bệnh do virus mà bệnh nào cũng vậy. Cũng là tinh thần ấy, không những là phòng bệnh mà còn phòng biến chứng khi đã bị bệnh. Việc phòng ngừa được bệnh dịch tốt hơn rất nhiều so với việc để bệnh bùng phát và lan rộng mới lo đi chạy chữa.
Tiến sĩ - Lương y Phùng Tuấn Giang
Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường