KIỂM SOÁT BỆNH ĐỘNG KINH HIỆU QUẢ NGAY TẠI NHÀ
Động kinh là một bệnh lý mạn tính của hệ thống thần kinh trung ương, biểu hiện lâm sàng với những cơn co giật, co cứng hoặc mất ý thức tạm thời lặp đi lặp lại, từ đó gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, khả năng lao động và chất lượng sống của người bệnh. Ngoài việc uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sỹ thì người bệnh động kinh cần phải có một lối sống lành mạnh, tránh xa các yếu tố có khả năng kích thích gây ra cơn động kinh, giúp kiểm soát bệnh hiệu quả và phòng tái phát.
Để kiểm soát bệnh động kinh, phòng ngừa và tránh tái phát cơn co giật, người bệnh động kinh nên:
Ghi lại “nhật ký” các cơn động kinh, co giật
Người bệnh nên ghi chú về thời gian thường xuất hiện các cơn động kinh, chẳng hạn như trong chu kỳ kinh nguyệt, khi vận động hay làm việc nặng, căng thẳng mệt mỏi, thay đổi thời tiết… và các thông tin khác liên quan đến việc sử dụng thuốc, tác dụng phụ hay gặp, tất cả những điều này có thể giúp ích rất nhiều trong việc xác định hướng điều trị phù hợp.
Hạn chế các yếu tố kích thích cơn động kinh tái phát
Bệnh động kinh có thể xuất hiện bất ngờ nhưng cũng có thể bị kích thích bởi các yếu tố như quên uống thuốc, thức quá khuya, sốt cao, tâm lý căng thẳng, sử dụng các chất kích thích như bia rượu, ma túy, cafe, ngồi nhiều trước màn hình máy tính, điện thoại di động, tivi… Do vậy người bệnh cần tránh những yếu tố này.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ và bệnh động kinh có mối liên quan mật thiết với nhau. Bệnh động kinh và các thuốc điều trị có thể khiến cho người bệnh mất ngủ, ngủ không ngon giấc… ngược lại, các vấn đề về rối loạn giấc ngủ có thể khiến các cơn động kinh xảy ra nhiều hơn. Vì vậy, người bệnh nên cố gắng ngủ đủ giấc để đảm bảo não bộ được nghỉ ngơi đầy đủ, nạp lại năng lượng cho ngày hoạt động tiếp theo.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Theo các chuyên gia khuyến cáo người bệnh động kinh nên tăng cường các thực phẩm chứa nhiều omega 3, protein, chất béo và vitamin, giảm bớt thực phẩm giàu tinh bột, tránh thực phẩm chế biến hay đóng gói sẵn vì chúng có nhiều chất phụ gia, chất bảo quản, tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kính thích khác.
Một số chế độ ăn kiêng đặc biệt được thực hiện nghiêm ngặt như chế độ ăn Ketogenic, Atkins cũng có thể giúp người bệnh có thể giảm đáng kể số cơn co giật, động kinh. Tuy nhiên, cũng như các phương pháp điều trị khác, các chế độ ăn kiêng này có thể gây ra một số tác dụng phụ như sỏi thận, nhiễm toan máu, tăng cholesterol máu... Do vậy, người bệnh chỉ nên áp dụng khi được các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn.
Kiên trì sử dụng thuốc chống động kinh
Việc sử dụng thuốc chống động kinh là chỉ định bắt buộc trong việc điều trị căn bệnh này, bởi vậy người bệnh cần uống thuốc đều đặn, tránh bỏ liều, không tự ý dừng thuốc hoặc giảm liều đột ngột. Khi cơn động kinh đã giảm, vậy người bệnh nên tái khám để được điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.
Giải tỏa căng thẳng, stress và tập thể dục hàng ngày
Sự căng thẳng là một trong những yếu tố làm khởi phát cơn động kinh, do đó người bệnh nên tham gia vào các bài tập thư giãn tinh thần, giải tỏa căng thẳng như thiền, yoga, hít sâu thở chậm,… và kết hợp với nghe nhạc khi tham gia các bài tập này. Khi tham gia tập thể dục hàng ngày không chỉ giúp tâm trạng tốt hơn, mà còn giúp người bệnh duy trì cân nặng khỏe mạnh tránh được tình trạng thừa cân béo phì do chế độ ăn cần nạp nhiều năng lượng và dầu mỡ gây ra.
Trên đây là những việc mà người bệnh động kinh nên áp dụng và thực hiện hàng ngày để giúp chính bản thân vượt qua bệnh tật, phòng ngừa tái phát và chủ động tiếp bước tái hòa nhập xã hội, hạn chế các biến chứng của bệnh có thể xảy ra mỗi khi lên cơn động kinh.
BS. Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282