CHỮA BỆNH TỪ CÂY THUỐC NAM BỒNG BỒNG
Bồng bồng là cây thuốc nam hay mọc ở các vùng hải đảo. Cây thuốc này còn có tên là cây lá hen. Ngoài chữa bệnh hen, viêm phế quản, cây thuốc này còn chữa được nhiều bệnh khác. Cùng Thọ Xuân Đường tìm hiểu cây thuốc này nhé!
1. Đặc điểm thực vật
- Tên khoa học: Calotropis gigantea R. Br. Thuộc họ: Thiên lý Asclepiadaceae.
- Mô tả: Cây bồng bồng là loại cây nhỏ sống nhiều năm. Lá có cuống ngắn khoảng 0,5 cm, lá to hình thuôn dài, dài từ 12 – 20 cm, rộng 5 – 10 cm, hai mặt đều có lông trắng, mặt dưới nhiều hơn. Mặt dưới lá có gân nổi rõ, gân giữa rộng và có một tuyến lớn ở phía gần cuống lá. Phần gân lá phí trên phẳng, phí dưới lồi.
Hoa của cây bồng bồng hình ống dài, hoa lớn, đều nhau, hoa có màu hơi tím, mọc thành chùm. Quả dạng quả mọng có hình cầu, có từ 1-2 hạt.
2. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
- Trong lá có calotropin, thuỷ phân cho calotropagenin.
Năm 1974 (Thông báo dược liệu 21, .1974), Lê Hà Lệ Xuân nghiên cứu tác dụng của cao rượu bồng bồng trên 300 súc vật thí nghiệm đã đi tới những kết luận sau đây:
- Chế phẩm của bồng bồng có những tác dụng điển hình của một glucozit chữa tim: Hoạt tính sinh vật trên mèo (theo Dược điển Liên Xô IX 1961 và Dược điển Việt Nam 1971) là 0,113; hoạt tính sinh vật so sánh với bột lá Digitalis chuẩn Trung Quốc là 73,44%; với liều tiêm trước bằng 50% đơn vị mèo, lượng thuốc tích luỹ sau 24 giờ là 7,88% dơn vị mèo (bằng 16% của liều tiêm trước); với liều tiêm trước bằng 75% đơn vị mèo, lượng thuốc tích luỹ sau 24 giờ là 20% đơn vị mèo (bằng 27% của liều tiêm trước). Như vậy, bồng bồng thuộc nhóm glucozit chữa tim sau 24 giờ tích luỹ ít, ít hơn strophantin G 2 lần, ít hơn Strophantin K và D 3 lần, ít hơn digitoxin 5,3 lần.
- Chế phẩm bồng bồng ít độc: Liều chết LD~50 đối với chuột nhắt trắng tính theo Perchin là 3,95g. So với những glucozit chữa tim đã biết, khoảng cách an toàn tương đối rộng.
- Trên tim ếch cô lập, với nồng độ 1:1 triệu, 1:10 triệu và 1:100 triệu đều có tác dụng tăng trương lực tâm thu và làm giảm nhịp tim rõ rệt. Với liều độc: 1:100.000 tim chết ở thì tâm thu.
- Trên tim thỏ cô lập, với liều 0,008g và0,004g liều điều trị chế phẩm bồng bồng có tác dụng tăng sức co bóp tim, làm giảm nhịp tim và tăng cường trương lực cơ tim, thời gian tâm trương kéo dài, với liều độc gây ngừng tim ở tâm thu.
- Trên điện tâm đồ thỏ với liều 0,3g/kg tiêm tĩnh mạch và 1g/kg uống đã thể hiện khoảng RR dài ra, phúc hệ QRS ngắn lại, biên độ sóng R tăng cao và khoảng T-P kéo dài ra rõ rệt. Với liều độc, xuất hiện nhịp tim chậm lại quá mức dẫn đến hiện tượng bloc nhĩ thất.
- Trên hệ mạch tai thỏ với nồng độ 1:100, 1:150 có tác dụng dẫn mạch. Trên hệ mạch ếch, với nồng độ 1:100, 1:150 và 1:500 đều có tác đụng dãn mạch. Ở nồng độ thấp hơn 1:1000 có tác dụng gây co mạch.
- Trên huyết áp mèo và thỏ, với liều điều trị chế phẩm bồng bồng có tác dụng làm tăng lực tâm thu, nhịp tim chậm và thời gian tâm trương kéo dài. Với liều độc, xuất hiện dấu hiệu ngộ độc, như huyết áp hạ dần, súc vật nôn, do hệ thần kinh phó giao cảm bị kích thích.
3. Vị thuốc Bồng Bồng
- Bộ phận dùng: Lá, có thể dùng rễ.
- Cách bào chế: Lá sau khi thu hái thì làm sạch lớp lông, thái nhỏ để sắc thuốc. Còn rể có thể rửa sạch dùng sắc uống.
- Tính vị quy kinh: Vị chua, tính mát. Quy kinh Phế.
- Công dụng: Giải độc, Chữa cảm sốt, hen suyễn, hen phế quản, chữa các bệnh ngoài da như ngứa lở, mụn nhọt, đau răng,…
4. Các bài thuốc chữa bệnh từ bồng bồng
- Trị ho, viêm phế quản, hen phế quản: Mỗi lần dùng khoảng 7- 10 lá bồng bồng, sắc lấy còn nửa lít nước. Chia uống trong ngày. Nước hơi đắng và tanh, uống nhiều một lúc có thể gây nôn. Nên uống xa bữa cơm hoặc sau bữa cơm. Có tác dụng tiêu đờm, giảm ho. Dùng liên tục đến khi hết bệnh.
- Trị hen suyễn: Lá bồng bồng 20g, cam thảo đất 16g, rau khúc 30g, sắc lấy nước sau đó chia làm hai phần uống trong ngày, mỗi ngày uống một thang. Dùng đến khi khỏi bệnh.
- Dùng nhựa của cây bồng bồng cho vào chỗ bị đau nhức răng có tác dụng giảm đau nhức, giảm viêm lợi.
Phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 1 tuổi kiêng kị không được dùng các chế phẩm thuốc từ loại cây này.