BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH COPD LÀ GÌ?
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một bệnh lý hô hấp hay gặp vào những thời điểm giao mùa. Vậy bệnh lý này là gì? Điều trị như thế nào? Theo dõi bài viết để có thêm thông tin hữu ích về căn bệnh này nhé!
1. Định nghĩa
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD là bệnh lý mạn tính của đường hô hấp đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở gây ra tình trạng khó thở. Bệnh tiến triển lâu ngày gây suy hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống.
2. Triệu chứng bệnh
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây bệnh ban đầu ở hệ thống hô hấp, lâu dần sẽ biểu hiện các triệu chứng toàn thân. Các triệu chứng của bệnh như sau:
- Ho kéo dài, trở nên mạn tính
- Ho có đờm, đờm có màu trắng, màu vàng xám, màu xanh lá cây thậm chí đôi khi có thể thấy đờm kèm máu.
- Thường xuyên xuất hiện các dấu hiệu của cảm lạnh, cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp.
- Bệnh nặng lên khi xuất hiện các cơn khó thở, thở gấp, ngực cảm giác bị bó chặt, thở khò khè.
- Toàn thân xuất hiện gầy sút cân nhanh, cơ thể gầy gò, sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi kéo dài.
Trường hợp cần cấp cứu ngay khi xảy ra các hiện tượng sau:
- Khó thở nặng, tím tái, nhịp tim nhanh do hiện tượng thiếu oxy cùng với móng tay, chân hoặc môi người bệnh chuyển màu xanh, màu xám.
- Bệnh nhân rơi vào tình trạng lơ mơ, tinh thần không tỉnh táo.
3. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh
- Nghiên cứu xác định gần 80-90% nguyên nhân COPD là do thuốc lá.
- Ô nhiễm môi trường
- Khói hóa chất, khí đốt
- Bụi nghề nghiệp
- Tuổi cao (Có liên quan đến tình trạng hút thuốc lá kéo dài).
- Nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên, đặc biệt trẻ nhỏ.
- Yếu tố di truyền như thiếu hụt alpha-1 antitrypsin.
4. Điều trị
• Hướng điều trị:
- Nâng cao chất lượng cuộc sống (giảm triệu chứng, cải thiện chức năng phổi).
- Giảm tần suất và độ nặng đợt cấp.
- Làm chậm tiến triển của bệnh, kéo dài sự sống.
• Phác đồ điều trị:
- Ngừng thuốc lá.
- Tiêm phòng cảm cúm…
- Dùng thuốc: Các thuốc được đùng cho bệnh nhân bao gồm các thuốc dùng đường uống và thuốc dùng hít trực tiếp. Thuốc dùng đường uống gồm có kháng sinh để điều trị triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp; thuốc giãn phế quản giúp giảm ho và khó thở và làm cho thở dễ dàng hơn. Thuốc hít thường sử dụng corticoid đẻ làm giảm viêm đường thông khí và giúp thở tốt hơn. Tuy nhiên sử dụng corticoid kéo dài sẽ gây tác dụng phụ lớn.
- Phẫu thuật nếu không đáp ứng thuốc.
• Điều trị không dùng thuốc:
- Tăng cường vận động, tập phục hồi chức năng
- Dinh dưỡng bổ sung
- Thông khí hỗ trợ: oxy tại nhà.
5. Tiêu chuẩn xuất viện
- Nhu cầu dùng dãn phế quản tác dụng ngắn đường hít không quá 6 lần / ngày.
- Bệnh nhân có thể đi lại trong phòng.
- Không bị thức giấc vì khó thở.
- Lâm sàng ổn định trong 24 giờ.
- Khí máu động mạch ổn định trong vòng 24 giờ.
- Bệnh nhân và người nhà hiểu biết cách dùng thuốc đúng.
- Kế hoạch chăm sóc và theo dõi tại nhà đã hoàn tất (điều dưỡng, máy tạo oxy, chuyên gia dinh dưỡng).