TỔNG QUAN VIÊM PHỔI TRẺ EM
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có hệ hộ hấp yếu dễ bị tác động của thời tiết gây các bệnh lý về đường thở đặc biệt là viêm phế quản, viêm phổi. Bệnh lý này rất dễ tái phát và có tỷ lệ tử vong cao vì vậy cần điều trị triệt để và vệ sinh mũi họng sạch sẽ.
1. Dịch tễ về bệnh viêm phổi trẻ em
- Viêm phổi trẻ em là bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp, bao gồm viêm phế quản phổi, viêm phổi thùy, viêm phổi kẽ. Trong đó, viêm phế quản phổi chiếm đến 4/5 tổng số ca viêm phổi.
- Bệnh viêm phổi là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập viện và tử vong cao nhất đối với bệnh lý viêm đường hô hấp cấp tính ở trẻ nhi dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi tỷ lệ này càng cao.
- Theo tổ chức y tế thế giới, mỗi năm có đến 150 triệu lượt mắc viêm phổi,và đã cướp mất hơn 3 triệu sinh mạng trẻ nhi mỗi năm, chiếm tỷ lệ 1/3 số bệnh nhi tử vong mỗi năm trên toàn cầu.
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh
- Ở các nước phát triển như Mỹ, virus là nguyên nhân được nhắc đến đầu tiên (virus hô hấp hợp bào (RSV), á cúm, cúm), tiếp theo đó là vi khuẩn M. pneumonia và các nhóm vi khuẩn khác như: Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureus. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam thì nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do vi khuẩn. Ngoài ra, còn nhóm nguyên nhân không nhiễm khuẩn đó là hít, sặc thức ăn, dịch vị, dị vật.
- Các yếu tố nguy cơ: Trẻ sinh non thiếu tháng, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, dị tật bẩm sinh; cha mẹ sử dụng thuốc lá, môi trường sống ô nhiễm, kém vệ sinh, thời tiết thay đổi, chuyển mùa là các yếu tố nguy cơ tăng khả năng gây bệnh và tái phát bệnh cho trẻ.
3. Biểu hiện lâm sàng của bệnh
Bệnh tiến triển qua 2 giai đoạn bao gồm: giai đoạn khởi phát là các triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên và giai đoan toàn phát xuất hiện đầy đủ các triệu chứng rầm rộ của viêm phổi.
- Giai đoạn viêm long đường hô hấp trên: Trẻ xuất hiện ban đầu với các triệu chứng ho, sốt nhẹ, hoặc có triệu chứng của nhiễm trùng: sốt, rét run, sổ mũi, nghẹt mũi, quấy khóc, giảm hoạt động.
- Giai đoạn toàn phát: Trẻ diễn biến nhanh, xuất hiện các triệu chứng có giá trị chẩn đoán tại phổi, bao gồm: Ho khan, ho có đờm, thở nhanh liên tục. Bệnh nặng lên khi có những dấu hiệu tím tái da và niêm mạc, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, co rút cơ liên sườn.
4. Phân loại viêm phổi cho trẻ dưới 5 tuổi
Bệnh được chia làm 4 mức độ như sau:
• Viêm phổi nặng: Ho hoặc khó thở kèm theo ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau:
- Tím tái trung ương
- Bỏ bú đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, trẻ lớn hơn: không uống được
- Co giật, li bì khó đánh thức.
- Suy hô hấp nặng.
Đối với trường hợp này, trẻ phải được nhập viện, hỗ trợ hô hấp ( thở máy, thở oxy), điều trị kháng sinh, hạ sốt, chống viêm, bù nước điện giải,…Trẻ cần được theo dõi 3 tiếng 1 lần, trong vòng 48 giờ.
• Viêm phổi nặng: Ho hoặc khó thở kèm theo ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau:
- Rút lõm lồng ngực.
- Phập phồng cánh mũi
- Khò khè
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi.
Trường hợp này, trẻ cũng phải được nhập viện, theo dõi hỗ trợ hô hấp và điều trị theo phác đồ.
• Viêm phổi: Có sốt hoặc khó thở, thở nhanh nhưng không kèm các triệu chứng của viêm phổi nặng và rất nặng như trên. Trường hợp này, được chỉ định điều trị tại nhà, theo phác đồ: kháng sinh, chống viêm, bù nước điện giải, hạ sốt. Tái khám 2 ngày/ lần.
Đối với mọi trường hợp trẻ dưới 2 tháng tuổi, khi có xuất hiện viêm phổi đều xếp và viêm phổi nặng và cần điều trị tích cực. Chính vì vậy, cha mẹ nên theo dõi con cái cũng như đảm bảo nhiệt độ, vệ sinh mũi họng cho con thường xuyên để phòng tránh bệnh. Khi có bệnh phải kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị tránh biến chứng.