Cơ chế phát sinh bệnh hô hấp theo đông y

Các bệnh thuộc hệ hô hấp khá thường gặp và khó tránh, dễ lây lan. Theo đông y các bệnh thuộc hệ hô hấp ít nhiều đều liên quan đến tạng phế, do phế chủ về hô hấp, phế chủ khí có tác dụng tuyên phát và túc giáng. Phế khai khiếu ra mũi, chủ về tiếng nói và bên ngoài hợp với bì mao. Bệnh ở phế thường chia làm 2 nhóm thực chứng và hư chứng. Cùng tìm hiểu cụ thể cơ chế phát sinh bệnh hô hấp theo đông y

CƠ CHẾ PHÁT SINH BỆNH HÔ HẤP THEO ĐÔNG Y

Các bệnh thuộc hệ hô hấp khá thường gặp và khó tránh, dễ lây lan. Theo đông y các bệnh thuộc hệ hô hấp ít nhiều đều liên quan đến tạng phế, do phế chủ về hô hấp, phế chủ khí có tác dụng tuyên phát và túc giáng. Phế khai khiếu ra mũi, chủ về tiếng nói và bên ngoài hợp với bì mao. Bệnh ở phế thường chia làm 2 nhóm thực chứng và hư chứng. Cùng tìm hiểu cụ thể cơ chế phát sinh bệnh hô hấp theo đông y.

I.    Thực chứng

1.    Phong hàn

Phong hàn là ngoại tà thường xuyên xâm phạm vào cơ thể và gây bệnh. Phong hàn phạm phế làm phế khí mất tuyên giáng sinh ra ho, khò khè, đờm trắng, miệng không khát. Mũi là khiếu của phế, gây ra chảy nước mũi, ngạt mũi. 
Phong hàn làm tổn hại đến bì mao, nên phát sinh chứng sợ lạnh, phát sốt, rêu lưỡi mỏng, mạch phù, do phong hàn thúc vào phần biểu. Phong hàn thường gặp trong các bệnh viêm phế quản, hen phế quản, viêm thanh quản.

Pháp chữa: Phát tán phong hàn

Sử dụng các vị thuốc như Ma hoàng, Tía tô, Cát cánh, Sinh khương, Bạch chỉ…

2.    Phong nhiệt

Phong nhiệt thường sinh ra mất tân dịch, tuyên giáng gây ho, miệng khát, họng đau. Do tân dịch bị nhiệt thiêu đốt nên ho có đờm vàng, miệng họng khô, phong nhiệt phạm vào phế vệ nên thấy sốt ra mồ hôi, nước mũi đặc, chất lưỡi đỏ, mạch phù sác.

Phong nhiệt thường gây ra các chứng bệnh viêm phế quản cấp, hen phế quản, viêm phổi, áp xe phổi giai đoạn đầu.

Pháp chữa: phát tán phong nhiệt

Sử dụng các loại thuốc như Cúc hoa, Kim ngân hoa, Tang diệp, Kinh giới, Bạc hà

3.    Khí táo

Khí táo làm tổn thương phế, làm tổn thương tân dịch gây ho khan, ho ít đờm mà dính, mũi họng khô. Táo uất phần phế vệ làm sốt, nhức đầu, người đau mỏi. Vì tân dịch giảm sút nên đầu lưỡi đỏ khô, mạch phù sác.

Khí táo hay gây một số bệnh như viêm phế quản, viêm họng, các bệnh truyền nhiễm.

Sử dụng một số vị thuốc như tô tử, Lá hẹ, Thiên môn, Sa sâm, Mạch môn.

4.    Đàm nhiệt

Đàm nhiệt làm phế bị trở trệ mất khả năng tuyên giáng, gây các chứng ho đờm vàng đặc dính, khó thở, đau ngực. Nhiệt làm mất tân dịch nên họng khô, rêu lưỡi vàng. Đàm nhiệt gây miệng đắng, mạch hoạt sác.

Pháp chữa: thanh hóa nhiệt đàm, nhuận táo hóa đàm

Sử dụng các vị thuốc như Qua lâu nhân, rễ dâu tằm, Đình lịch, Hạnh nhân, Bối mẫu.

5.    Đàm thấp

Đàm thấp làm phế khí không tuyên giáng, gây tức ngực, ho, hen suyễn, đờm dễ khạc. Đàm làm vệ khí nghịch gây nôn, lợm giọng. Rêu lưỡi dính, mạch hoạt do đàm thấp bên trong

Pháp chữa: táo thấp hóa đàm, ôn hóa thấp đàm

Sử dụng một số thuốc như Trần bì, Bán hạ, Cát cánh…

II.    Hư chứng

1.    Phế khí hư

Vì phế chủ hô hấp nên phế khí hư gây ho suyễn, thở gấp, tiếng nói nhỏ, khi làm việc vận động càng tăng thêm. Phế hợp với da lông, phế hư nên vệ khí không chặt chẽ hay tự ra mồ hôi. Khí hư thì huyết hư, da mặt không vinh nhuận làm sắc mặt trắng bệch. Khí thang gây chứng mệt mỏi vô lực, lưỡi đạm, mạch hư nhược.

Pháp chữa bổ ích phế khí.

2.    Phế âm hư

Phế âm hư tân dịch bị giảm, ho thường ít đờm hoặc không có đờm, đờm ít dính, ngứa họng, tiếng nói khàn, mạch nhỏ, chất lưỡi đỏ, ít rêu. Nếu âm hư nhiều khí hư hỏa bốc lên, vì tân dịch kém gây chứng sốt về chiều, hai gò má đỏ, khát nước, trong đờm có máu, chất lưỡi đỏ, rêu ít, mạch tế sác.
Pháp chữa: tư dưỡng phế âm, tư âm giáng hỏa.

3.    Phế tỳ đều hư

Do phế hư mất chức năng tuyên giáng, tỳ hư vận hóa thủy cốc dở dang sinh ra đàm xuất hiện chứng ho lâu ngày gây đờm dễ khạc. Tỳ khí hư, vận hóa thất thường gây kém ăn, bụng đầy chướng, ỉa lỏng. Khí hư gây mệt mỏi, vô lực, thủy thấp đình trệ gây phù, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi đạm, mạch tế nhược.

Pháp chữa: kiện tỳ ích phế.

4.    Phế thận hư

Có thể gặp phế thận âm hư hoặc phế thận dương hư. Thường xuất hiện thêm các triệu chứng đau lưng, di tinh, nhức mỏi đầu gối…

Với phế thận âm hư thì bổ phế ích thận

Với phế thận dương hư thì ôn thận nạp khí, bổ phế khí.

Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)

Để được tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ Nhà thuốc dong y gia truyền Thọ Xuân Đường.

Địa chỉ: ngõ 1 phố Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. 

Thời gian làm việc: 8h - 17h30 từ thứ Ba đến Chủ Nhật hàng tuần, nghỉ thứ Hai.

Hotline: 0943.986.986 hoặc 0943.406.995


Tác giả: Bác sĩ: Thúy Hường

Điện thoại liên hệ:0943.986.986

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...