MỘT SỐ BỆNH LÝ TAI MŨI HỌNG THƯỜNG GẶP
Thời tiết trở lạnh, những cơn gió bắt đầu len lỏi vào từng nhà khiến nhiều người bắt đầu run lên vì lạnh. Cùng với đó là nhiều người khốn khổ vì bệnh tái phát hoặc do nhiễm lạnh mà bị bệnh. Trong các bệnh đó hay gặp nhất là bệnh lý tai mũi họng, nhóm bệnh ít nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều khó chịu và phiền toái. Cùng tìm hiểu một số bệnh lý tai mũi họng thường gặp.
1. Viêm họng
Đây là bệnh phổ biến mà hầu hết ai cũng từng mắc ít nhất 1 lần trong đời. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn gây ra nhiều biểu hiện như đau họng, ngứa họng, cảm giác vướng mắc ở họng. Toàn thân có thể sốt, mệt mỏi, không muốn ăn uống, cảm giác khô họng khát nước. Khi khám họng, soi họng sẽ thấy niêm mạc họng sưng đỏ, có thể có giả mạc ở họng và amidan, có thể có hạch viêm vùng góc hàm…
Viêm họng cấp tính các triệu chứng thường khá điển hình, chỉ cần súc miệng nước muối thường xuyên và sử dụng thuốc hợp lý thì sau 5-10 ngày bệnh sẽ thuyên giảm và khỏi. Còn viêm họng mạn tính là tình trạng kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, và thường tái phát nhiều lần. Viêm họng mạn tính thường gây ra các triệu chứng dai dẳng, phối hợp với các bệnh tai mũi họng khác.
2. Viêm xoang
Đây là căn bệnh khiến không ít người khổ sở vì các triệu chứng của nó. Tùy theo từng bệnh nhân bị viêm xoang trán, xoang sàng, xoang bướm hay viêm đa xoang mà các triệu chứng sẽ khác nhau.
Bệnh xoang thường tái phát hoặc nặng lên khi trời trở lạnh, khi thay đổi thời tiết. Bệnh nhân sẽ thấy đau nhức ở vùng xoang, sốt, chảy dịch mũi nhiều vô cùng khó chịu, nghẹt mũi khó thở phải thở bằng miệng, mũi tịt ngửi mùi bị kém đi…
Viêm xoang cấp tính thường khỏi trong khoảng 4 tuần, các triệu chứng ban đầu khá nặng nhưng dùng thuốc hợp lý cải thiện nhanh chóng. Viêm xoang bán cấp kéo dài 4-8 tuần, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách rất dễ chuyển sang viêm xoang mạn tính.
Viêm xoang mạn tính kéo dài > 8 tuần và thường xuyên tái phát, điều trị khó khăn và lâu dài.
3. Viêm tai giữa
Căn bệnh này khá thường gặp ở trẻ nhỏ, chủ yếu do virus, vi khuẩn hoặc nấm gây ra. Lý do khiến bệnh hay gặp ở trẻ em, bởi ở trẻ cấu tạo vòi nhĩ ngắn, hẹp và hơi nằm ngang. Vòi nhĩ nối liền tai giữa với vòm họng giúp dẫn lưu dịch tiết trong hòm nhĩ về họng. Khi vòi nhĩ bị tắc sẽ khiến dịch nhày bị ứ đọng trong tai giữa gây nên viêm
Khi bị viêm tai giữa bệnh nhân sẽ thấy đau nhức trong tai, sau đó cỏ thể chảy nước, thậm chí chảy mủ từ trong tai ra. Một số triệu chứng khác có thể gặp như thính lực giảm, ù tai, mệt mỏi, chóng mặt, ăn không ngon, ngủ kém…
4. Viêm mũi dị ứng
Bệnh này thường khởi phát do 1 số tác nhân dị ứng như phấn hoa, bụi nhà, lông chó mèo, nấm mốc… Khi gặp phải các dị nguyên bệnh nhân sẽ xuất hiện hắt hơi liên tục, cảm giác cay mắt, chảy nước mắt. Ngoài ra sẽ thấy chảy nước mũi, nghẹt mũi khó chịu
Khi bị viêm mũi dị ứng cần xác định dị nguyên là gì và phòng tránh tiếp xúc với nó, để tránh bệnh tái phát.
Ngoài ra vùng tai mũi họng có rất nhiều bệnh khác như viêm amidan, viêm VA, viêm thanh quản… Để phòng tránh bệnh cần súc miệng nước muối thường xuyên, đeo khẩu trang và giữ vệ sinh môi trường. Ngoài ra cần thăm khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường.