ĐỐI TƯỢNG NÀO HAY BỊ TĂNG HUYẾT ÁP?
Tăng huyết áp là một căn bệnh mạn tính khá thường gặp ở cộng đồng Việt Nam, nó được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng với nhiều biến chứng khôn lường. Vậy có phải cứ người già là bị tăng huyết áp hay không? Đối tượng nào hay bị tăng huyết áp?
1. Tìm hiểu bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp là tình trạng được xác định bằng chỉ số huyết áp một cách khá dễ dàng. Theo Hướng dẫn điều trị tăng huyết áp của Bộ y tế năm 2010 thì tăng huyết áp được định nghĩa khi Huyết áp tâm thu >140mmHg và hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg
Khi bị bệnh tăng huyết áp có thể bệnh nhân không thấy xuất hiện triệu chứng gì đặc biệt, nhất là khi mới tăng huyết áp giai đoạn đầu. Giai đoạn sau khi huyết áp tăng cao có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
- Đau nhức đầu: Đây là triệu chứng khá thường gặp, thường đau cả đầu, cảm giác váng vất khó chịu
- Chóng mặt: thường kèm với hoa mắt, nhức đầu
- Buồn nôn và nôn
- Chảy máu mũi: Khi huyết áp tăng quá cao, 1 số bệnh nhân có thể xuất hiện vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc.
2. Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp có thể gặp ở bất cứ ai, kể cả những người trẻ tuổi. Tuy nhiên nó thường gặp ở các đối tượng sau nhiều hơn:
- Tuổi trung niên: Thường từ 45-50 tuổi trở lên, vì vậy khi đến tuổi này cần được đo huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm bệnh
- Người béo phì thừa cân: Khi thừa cân béo phì thường đi kèm với tình trạng mỡ máu cao gây xơ vữa động mạch ảnh hưởng tới huyết áp. Ngoài ra khi trọng lượng cơ thể lớn khiến bạn cần nhiều oxy và dưỡng chất hơn cho các mô, cơ quan khiến thể tích máu lưu thông phải tăng lên, từ đó làm tăng áp lực động mạch khiến huyết áp tăng.
- Người có lối sống tĩnh tại, ít vận động
Những người lười vận động, không chịu rèn luyện sức khỏe, tập thể dục thể thao thường có xu hướng nhịp tim cao hơn, làm tăng các tác động lên thành mạch và làm tăng huyết áp.
Hơn nữa người lười vận động thường dễ thừa cân, béo phì.
- Hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử
Trong khói thuốc chứa rất nhiều chất độc hại khiến phá hủy thành mạch, chúng có thể khiến thành mạch bị hẹp lại gây tăng áp lực khiến huyết áp tăng, đồng thời tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác.
Dù là hút thuốc lá, thuốc lào hay thuốc lá điện tử, thậm chí hút thuốc thụ động(hít phải khói thuốc từ người khác) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Ăn quá mặn
Thói quen ăn mặn hoặc suy nghĩ “ăn mặn để sinh con trai” không phải xa lạ ở nước ta. Cũng vì thói quen xấu này khiến cơ thể giữ nước gây tăng huyết áp.
- Mắc một số bệnh lý mạn tính
Tăng huyết áp có thể là triệu chứng của một số bệnh lý mạn tính khác như bệnh thận, đái tháo đường, chứng ngưng thở khi ngủ…
Chỉ khi kiểm soát được các bệnh trên thì tình trạng huyết áp mới ổn định
- Một số đối tượng khác
Những người uống nhiều rượu bia, người thiếu kali trong khảu phần ăn, ăn quá nhiều đồ chiên xào dầu mỡ cũng có thể bị mắc bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra căng thẳng, stress, mệt mỏi cũng có thể khiến huyết áp tăng cao.
Nói chung tăng huyết áp là một căn bệnh đang ngày càng gia tăng trong dân số, việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt góp phần ngăn ngừa và kiểm soát căn bệnh này hiệu quả.