PHÂN LOẠI SUY TIM NHƯ THẾ NÀO MỚI ĐÚNG?
Suy tim là hậu quả cuối cùng của các bệnh tim mạch và 1 số bệnh khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hiện nay tỉ lệ người mắc suy tim ngày càng tăng trong dân số khiến không ít người lo lắng. Cùng tìm hiểu các cách phân loại suy tim để hiểu thêm về căn bệnh này nhé!
1. Phân loại suy tim theo diễn biến lâm sàng
Tùy theo diễn biến của bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như thế nào, vào thời gian nào mà phân suy tim thành 2 loại
- Suy tim cấp tính
Bệnh này thường xảy ra say các bệnh cấp tính như nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim cấp, tràn dịch màng ngoài tim cấp, vết thương ở tim, mất máu do xuất huyết cấp, sốc…
- Suy tim mạn tính
Bệnh này còn gọi là suy tim ứ trệ thường xảy ra sau các bệnh mạn tính như bệnh van 2 lá, bệnh van động mạch chủ, bệnh tim phổi mạn tính, các bệnh tim bẩm sinh như thông liên nhĩ, thông liên thất, tồn tại ống thông động mạch, bệnh cơ tim tiên phát
2. Phân loại suy tim dựa theo cung lượng tim
Cung lượng tim là thể tích máu được tim bơm vào động mạch chủ mỗi phút, đó cũng đồng thời là thể tích máu lưu thông trong vòng tuần hoàn chung của cơ thể.
Cung lượng tim giúp đánh giá tổng lượng máu cung cấp cho tất cả các mô trong cơ thể. Dựa theo cung lượng tim thì suy tim được phân loại thành:
- Suy tim tăng cung lượng:
Tình trạng bệnh suy tim có cung lượng tim cao hơn so với cung lượng tim bình thường. Hay gặp trong các bệnh như thiếu máu, thông động tĩnh mạch, cường chức năng tuyến giáp, thiếu vitamin B1 đa u tủy dương
- Suy tim giảm cung lượng
Là tình trạng suy tim nhưng có cung lượng tim giảm thấp hơn so với bình thường. Có thể gặp trong các bệnh như hẹp khít lỗ van 2 lá, hẹp khít lỗ van động mạch chủ, bệnh cơ tim phì đại, bệnh các khối u của tim
3. Phân loại suy tim dựa theo giải phẫu
Theo giải phẫu tim là một khối cơ rỗng có 4 buồng chia làm 2 nửa tim phải và tim trái. Mỗi nửa tim gồm 2 phần tâm nhĩ và tâm thất.ư
Dựa theo giải phẫu tim thì suy tim được phân loại như sau:
- Suy tim phải
Là tình trạng suy chức năng nhĩ phải và thất phải, nhưng chủ yếu là suy chức năng thất phải. Thường gặp trong các bệnh tim phổi mạn tính, tim bẩm sinh có luồng máu qua lỗ thông từ trái sang phải, nhồi máu cơ tim thất phải, tăng áp động mạch phổi tiên phát, hẹp lỗ van ba lá
- Suy tim trái
Là tình trạng suy chức năng nhĩ trái và thất trái, nhưng chủ yếu là suy chức năng thất trái.
Thường gặp trong các bệnh như hở van 2 lá, hở hoặc hẹp van động mạch chủ, nhồi máu cơ tim thất trái, thiếu máu cơ tim cục bộ, tăng huyết áp động mạch, hẹp eo động mạch chủ bẩm sinh
- Suy tim toàn bộ
Tình trạng suy đồng thời cả chức năng thất phải và thất trái.
Gặp trong các bệnh viêm cơ tim, bệnh van tim kết hợp( vừa hẹp van 3 lá vừa hở van ĐMC, vừa hẹp van ĐMP vừa sa van 2 lá…). Hoặc các bệnh gây suy tim phải trước lâu dần gây suy tim trái và ngược lại
4. Phân loại dựa theo chức năng tim
- Suy chức năng tâm thu
Là tình trạng suy giảm khả năng tống máu từ tim ra động mạch chủ, động mạch phổi.
Theo WHO suy chức năng tâm thu thất trái khi phân số tống máu EF giảm ≤ 40%
Thường gặp trong các bệnh tăng huyết áo, bệnh cơ tim, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh màng ngoài tim. Cũng có thể do thuốc, nhiễm độc, rối loạn nội tiết…
- Suy chức năng tâm trương
Là tình trạng suy giảm khả năng giãn của tim để kéo máu từ tĩnh mạch về tim
Thường chẩn đoán bằng siêu âm Doppler đánh giá dòng chảy qua van 2 lá và tĩnh mạch phổi.
- Suy cả chức năng tâm thu và tâm trương:
Ngoài ra còn phân loại suy tim dựa vào tình trạng ứ trệ máu ở tĩnh mạch và giảm lượng máu ở hệ động mạch chia thành suy tim trước và suy tim sau, tuy nhiên cách này hiện nay ít dùng.