TỔNG QUAN VỀ BỆNH ĐAU VAI GÁY
Bệnh cơ xương khớp là nhóm bệnh mà ít ai tránh được, bệnh này có thể xuất hiện ở cả trẻ con, người trưởng thành hay người cao tuổi. Trong đó bệnh đau vai gáy là bệnh khá thường gặp và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Cùng tìm hiểu về căn bệnh đau vai gáy.
1. Nguyên nhân gây đau vai gáy
Đau vai gáy có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau do bệnh tật hay tác nhân cơ học. Cụ thể các nguyên nhân gây đau vai gáy thường gặp có thể kể đến như:
- Do các bệnh lý vùng cổ vai gáy
Các bệnh lý như thoái hóa cột sống cổ, vôi hóa cột sống cổ, viêm quanh khớp vai, viêm bao khớp vai, rối loạn khớp bả vai lồng ngực là nguyên nhân khá thường gặp gây đau vai gáy.
Khi bị thoái hóa, vôi hóa sẽ khiến chèn ép thần kinh vùng vai gáy gây đau mỏi và thường kèm theo tê tay, cứng cổ khó vận động. Khi bị viêm nhiễm thì có thể xuất hiện kèm theo đau là tình trạng sưng nóng vùng vai gáy
- Do ngồi lâu, ngồi sai tư thế, ngủ sai tư thế
Có rất nhiều người làm việc cả ngày trong tư thế ngồi như công nhân, học sinh, nhân viên văn phòng, tài xế… Khi ngồi quá lâu ở 1 tư thế có thể khiến cơ bị mỏi và gây đau vai gáy, nhất là khi ngồi sai tư thế thì tình trạng đau vai gáy càng kéo dài hơn.
Thói quen ngủ ngồi, ngủ gục đầu trên mặt bàn hay ngủ nghiêng đè lên tay cũng là nguyên nhân gây đau vai gáy. Đây chính là thói quen dân văn phòng rất hay gặp.
- Do tập luyện quá sức, tập sai
Việc luyện tập thể dục thể thao giúp tăng cường sức mạnh cho hệ xương khớp, có rất nhiều bài tập và môn thể thao khác nhau giúp bổ trợ cho cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên nếu bạn không biết cách lựa chọn bài tập hay môn thể thao phù hợp, cũng như kĩ thuật tập, cách tập đúng thì có thể dẫn đến đau mỏi vai gáy. Nhất là khi tập các môn thể thao cần dùng lực của vai tay như tập tạ, bóng bàn, cầu lông, tenis, bóng chuyền…
Chính vì vậy nên có kế hoạch luyện tập phù hợp với thể lực của bản thân, tập với cường độ tăng dần không nên quá sức. Một điều nữa là cần khởi động trước khi tập luyện thể thao.
- Do chấn thương vùng vai gáy
Trong cuộc sống, sinh hoạt nếu gặp các tai nạn hay bị va chạm gây chấn thương vai gáy thì cũng gây đau vai gáy. Tùy theo tình trạng tổn thương dây chằng, cơ, xương, khớp vùng vai gáy mà mức độ cũng như tính chất đau sẽ khác nhau.
- Một số nguyên nhân khác
Đau vai gáy còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như bị co rút cơ khi trời lạnh, ngồi phòng điều hòa, tắm nước lạnh. Một số bệnh nhân còn bị đau vai gáy do thiếu hụt chất khoáng như canxi, magie, kali…
2. Triệu chứng đau vai gáy
Tùy theo từng nguyên nhân gây đau vai gáy mà triệu chứng của mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau:
- Đau vùng vai gáy
Đây là triệu chứng hầu hết bệnh nhân đều có, có thể đau âm ỉ cả ngày hoặc đau từng cơn, đau sau khi đứng, ngồi lâu hoặc đau sau khi chơi thể thao, vận động vùng cổ vai gáy. Đau thường tăng khi trời lạnh, khi thay đổi thời tiết, đau về đêm và gần sáng
Đau có thể giảm khi nghỉ ngơi nếu do thoái hóa cột sống cổ hay vôi hóa cột sống cổ. Đau có thể lan lên đầu, lan xuống cánh tay, cẳng tay.
- Hạn chế vận động
Đau vai gáy sẽ khiến hạn chế vận động, thực hiện các động tác trở nên khó khăn và vụng về hơn. Nhiều người đau vai gáy khiến không quay đầu sang trái, sang phải được, khó cúi hay ngửa.
Đau có thể khiến bệnh nhân không giơ được cánh tay lên, khó đưa tay ra sau, khó thực hiện các động tác thường ngày.
3. Phương pháp điều trị đau vai gáy
Tùy theo đông y hay tây y mà có thể sử dụng các phương pháp điều trị khác nhau
- Điều trị đau vai gáy theo y học hiện đại
Sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm Nonsteroid như paracetamol, aspirin, diclofenac, piroxicam, meloxicam, celecoxib…
Sử dụng thuốc giãn cơ như Mydocalm, Myonal
Sử dụng vitamin 3B, thuốc giảm đau thần kinh Gabapentin
- Điều trị đau vai gáy theo y học cổ truyền
Sử dụng thuốc: tùy theo từng thể bệnh mà đông y đưa ra pháp phương điều trị cụ thể cho từng trường hợp. Thường sử dụng các loại thảo dược giúp phát tán phong thấp chỉ thông thư cân giải cơ như quế chi, phòng phong, đỗ trọng, ngũ gia bì, dây đau xương, cốt toái…
Châm cứu và cấy chỉ: Phương pháp không dùng thuốc này có hiệu quả cao đối với bệnh nhân, tùy từng bệnh nhân mà có phác đồ huyệt khác nhau. Một số huyệt thường dùng như Giáp tích cột sống cổ, Kiên tỉnh, Kiên ngung, Thiên Tông, Khúc Trì, Thủ tam lý, Hợp cốc
Xoa bóp bấm huyệt: thực hiện các thủ pháp miết, phân, ấn, day… để giúp giãn cơ, giảm đau và giúp khí huyết lưu thông
Các phương pháp khác: Dùng đèn hồng ngoại, cứu ngải để điều trị
Nói chung đau vai gáy là một bệnh khá thường gặp và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Khi có các triệu chứng đau vai gáy cần đi khám và điều trị sớm tránh trở thành mạn tính sẽ khó khăn trong điều trị.