Hiện nay, trên thế giới những người trên 60 tuổi, tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ khoảng 20% và nam giới 10%. Hàng năm, ở Hoa Kỳ có 1,5 triệu trường hợp gãy xương do loãng xương. Dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng lên đến 6,3 triệu người vào năm 2050 so với 1,7 triệu năm 1990.
Theo GS. TS Trần Ngọc Ân, chủ tịch hội Thấp khớp học Việt Nam, cuối những năm 80 của thế kỉ XX, người VIệt Nam không biết nhiều về loãng xương. Nhưng giờ đây, loãng xương đang là một căn bệnh khá phổ biến ở nhiều độ tuổi khác nhau và có nguy cơ ngày càng trẻ hóa, cần phải được nhận thức ngay từ khi còn trẻ.
Định nghĩa
Theo WHO-2001, loãng xương được đặc trưng bởi sự thay đổi sức mạnh của xương. Sức mạnh này được đặc trưng bởi mật độ xương và chất lượng của xương. Chất lượng xương được đánh giá bởi các thông số: Cấu trúc của xương, chu chuyển xương, độ khoáng hóa, tổn thương tích luỹ, tính chất của các chất cơ bản của xương. Trong các thông số này, chu chuyển xương đóng một vai trò quan trọng. Nếu quá trình hủy xương lớn hơn tạo xương hoặc quá trình tạo xương thấp hơn huỷ xương sẽ dẫn đến sự loãng xương. Tuy nhiên, nếu quá trình huỷ và tạo xương cân bằng nhưng diễn ra quá nhanh (chu chuyển xương nhanh) thì gây ra giảm sức mạnh của xương. Điều này tương tự như con đường được lát bằng xi măng, lúc chưa khô thì sức chịu lực rất kém. Do vậy, sức mạnh của xương là một thông số rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả mật độ xương. Hiện nay, mật độ xương (được đo bằng phương pháp sử dụng tia X năng lượng kép, được gọi là DXA: Dual- Energy X-ray Absorptiometry) vẫn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương trên lâm sàng.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng mật độ xương bị suy giảm là do tuổi tác. Ngoài ra, một số yếu tố sau cũng có khả năng gây bệnh loãng xương như:
- Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh hoặc có chu kỳ kinh nguyệt không đều gây suy giảm nồng độ estrogen, thường có nguy cơ cao mắc bệnh. Ở nam giới, nồng độ testosterone thấp cũng gây nên bệnh loãng xương.
- Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu dưỡng chất, đặc biệt là những chất có lợi cho xương khớp như canxi, omega-3, vitamin D, …
- Tác dụng phụ do sử dụng thuốc: Corticosteroid, heparin trong thời gian dài, không tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Lối sống ít vận động, không luyện tập thể dục thể thao, mức độ hoạt động thấp, ngồi nhiều… đều là nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng xương khớp suy yếu.
- Các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,… là những tác nhân gây hại, làm suy yếu hệ thống xương khớp của cơ thể.
- Người thường xuyên lao động nặng sẽ có nguy cơ mắc những bệnh xương khớp cao hơn người bình thường.
- Không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết trong giai đoạn hình thành và phát triển hệ thống xương khớp cũng dẫn tới tình trạng suy yếu xương khớp sớm.
Phân loại loãng xương
Loãng xương người già (Loãng xương tiên phát)
Đặc điểm:
- Tăng quá trình huỷ xương.
- Giảm quá trình tạo xương.
Nguyên nhân:
- Tế bào tạo xương (Osteoblast) bị lão hoá.
- Ở ruột sự hấp thu calci bị hạn chế.
- Sự suy giảm của các hormon sinh dục (nam và nữ).
Loãng xương nguyên phát thường xuất hiện muộn, diễn biến chậm, tăng từ từ và ít xảy ra những biến chứng nặng nề như gãy xương hay lún xẹp các đốt sống.
Loãng xương sau mãn kinh
Loãng xương sau mãn kinh làm nặng hơn tình trạng loãng xương ở phụ nữ do giảm đột ngột nồng độ oestrogen khi mãn kinh.
Đặc điểm:
- Tăng quá trình huỷ xương.
- Quá trình tạo xương bình thường.
Loãng xương thứ phát
Bệnh loãng xương sẽ trở nên sớm hơn, nặng nề hơn và nhiều biến chứng hơn… nếu người bệnh có thêm một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây:
- Thể chất kém phát triển từ khi còn nhỏ, đặc biệt là còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protein, thiếu calci hoặc tỷ lệ calci/phospho trong chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D... Do đó khối lượng khoáng chất của xương ở tuổi trưởng thành thấp, đây cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh loãng xương.
- Tiền sử gia đình có người bị loãng xương.
- Ít hoạt động thể lực, bất động quá lâu ngày do bệnh tật hoặc do yếu tố nghề nghiệp.
- Có thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá… làm tăng thải calci qua đường thận và giảm hấp thu calci ở đường tiêu hóa.
- Bị mắc một số bệnh: Thiểu năng tuyến sinh dục nữ và nam (mãn kinh sớm, suy buồng trứng sớm, cắt buồng trứng, thiểu năng tinh hoàn…), bệnh nội tiết: Cường tuyến giáp, cường tuyến vỏ thượng thận, bệnh mạn tính đường tiêu hoá làm giảm sự hấp thu calci, vitamin D, protein… làm hạn chế chuyển hóa calci và sự tạo xương. Bệnh nhân suy thận mạn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây mất calci qua đường tiết niệu, một số bệnh xương khớp mạn tính đặc biệt là viêm khớp dạng thấp và thoái hoá khớp.
- Sử dụng dài hạn một số thuốc: Thuốc chống đông (Heparin), thuốc chữa tiểu đường (Insulin), và đặc biệt là nhóm thuốc kháng viêm Corticosteroid (Corticosteroid một mặt ức chế trực tiếp quá trình tạo xương, mặt khác làm giảm hấp thu calci ở ruột, tăng bài xuất calci ở thận và làm tăng quá trình hủy xương).
Chẩn đoán
Triệu chứng lâm sàng
Loãng xương là bệnh thường không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, diễn biến âm thầm, chỉ biểu hiện khi đã xuất hiện một số biến chứng như:
- Đau mỏi xương toàn thân, thường gặp nhất là đau lưng, đau có xu hướng lan ra xung quanh.
- Biến dạng cột sống: Lưng còng, sụp cột sống, vẹo cột sống, giảm chiều cao.
- Đau ngực, khó thở… do ảnh hưởng đến lồng ngực và thân các đốt sống.
- Gãy xương: Các vị trí thường gặp là đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương cẳng tay, gãy cổ xương đùi, gãy các đốt sống (lưng và thắt lưng); xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương.
Triệu chứng cận lâm sàng
- XQ quy ước: Giảm độ cản quang của thân đốt sống: cột sống sáng hoặc có các khía thẳng đứng, viền xung quanh bằng một bờ đặc.
- Phương pháp đo độ hấp phụ tia X năng lượng kép (Dual Energy Xray Absorptiometry – DXA): Là phương pháp sử dụng hai chùm tia X để ước tính mật độ xương ở xương chậu và các đốt sống. Lượng tia bị cản bởi xương và các mô mềm của mỗi chùm được so sánh với nhau. Đây là phương pháp chính xác nhất để đo mật độ xương và có thể phát hiện được mức độ xương 2%/năm, đồng thời thao tác nhanh và sử dụng liều xạ thấp.
- Siêu âm: Thường được sử dụng trong chẩn đoán ban đầu. Đây là phương pháp để xác định mật độ xương (thường là xương gót) bằng sóng âm. DXA được sử dụng để xác nhận lại kết quả nếu siêu âm cho thấy mật độ xương thấp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT- Scanner): So sánh hình ảnh chụp với một bộ gam mẫu làm sẵn, dựa vào độ đậm nhạt để đánh giá mức độ loãng xương.
Chẩn đoán xác định
Tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1994, đo mật độ xương tại cột sống thắt lưng và cổ xương đùi theo phương pháp DXA:
- Xương bình thường: T score từ – 1SD trở lên.
- Thiếu xương (Osteopenia): T score dưới – 1SD đến – 2,5SD.
- Loãng xương (Osteoporosis): T score dưới – 2,5SD.
- Loãng xương nặng: T score dưới – 2,5 SD kèm tiền sử hoặc hiện tại có gãy xương.
- Trong trường hợp không có điều kiện đo mật độ xương: Có thể chẩn đoán xác định loãng xương khi đã có biến chứng gãy xương dựa vào triệu chứng lâm sàng và Xquang: Đau xương, chủ yếu đau vùng lưng, gãy xương sau chấn thương nhẹ, tuổi cao…
Dự phòng bệnh loãng xương
Dự phòng loãng xương cần thực hiện tại cộng đồng bằng công tác tuyên truyền. Trong đó, thầy thuốc cần lưu ý khi dự phòng bệnh loãng xương:
- Không nên để tới khi phát hiện ra tình trạng loãng xương mới tiến hành điều trị.
- Nên phòng bệnh từ tuổi 30 hoặc trước đó để giảm thiểu những ảnh hưởng tới sức khoẻ do loãng xương gây ra.
Mặt khác, để giúp cho công tác dự phòng bệnh loãng xương đạt được hiệu quả, thầy thuốc cần nắm vững và thực hiện một số điểm cơ bản sau đây:
Dinh dưỡng
Thầy thuốc thực hiện hướng dẫn cộng đồng, đặc biệt là những người cao tuổi về chế độ dinh dưỡng có tác dụng dự phòng bệnh loãng xương, bao gồm:
- Cần chú ý bổ sung thức ăn giàu calci như: Sữa và các sản phẩm từ sữa, đậu, tôm, cua,...
- Bổ sung vitamin D cho cơ thể bằng cách tăng cường các thức ăn có nguồn gốc từ cá, gan, sữa, ngũ cốc, nước cam...
- Sử dụng vừa đủ lượng protein (đạm) trong khẩu phần ăn vì chế độ ăn nhiều protein làm tăng quá trình bài xuất calci theo nước tiểu.
- Tăng cường ăn các loại rau, quả, các thức ăn có nhiều hàm lượng estrogen thực vật như giá đỗ. Một số loại rau, củ như: Mùi tây, cà chua, dưa chuột, tỏi... cũng làm tăng chất khoáng trong xương, đồng thời giảm hiện tượng mất xương.
Chế độ sinh hoạt
Nên luyện tập thể thao từ sớm, tốt nhất khi chưa có các biểu hiện triệu chứng của loãng xương. Ban đầu nên tập những bài tập nhẹ nhàng, rồi bắt đầu tăng dần cường độ và thời gian luyện tập. Thời gian tập khoảng 20-30 phút/lần, vài lần/tuần. Nên vận động với cường độ vừa phải, phù hợp với khả năng của từng người, không nên hoạt động quá sức. Luyện tập thể dục thể thao có tác dụng:
- Tăng sức mạnh của xương, đồng thời gián tiếp duy trì mật độ trong xương.
- Tăng cường sức mạnh khối cơ cạnh sống, giúp cho cơ thể ở tư thế đứng thẳng, hạn chế tình trạng gù vẹo cột sống do loãng xương.
Không nên sử dụng rượu bia, thuốc lá và hạn chế dùng các chất kích thích.
Duy trì cân nặng "nên có" vì gầy là một yếu tố nguy cơ của loãng xương.
Dự phòng loãng xương
Dự phòng cấp I: Chú ý điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên tiến hành từ sớm cho trẻ nhỏ hoặc từ tuổi thiếu niên như:
- Cung cấp đủ calci, phospho cho sự phát triển của xương bằng cách sử dụng các thức ăn có nguồn gốc từ tôm, cá, sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng gà, các loại đậu, vừng, hạt dưa, rau cải...
- Hoạt động thể dục thể thao thường xuyên.
- Phơi nắng để tăng tổng hợp vitamin D cho cơ thể.
- Hạn chế sử dụng cà phê, các loại nước trà đặc, không uống rượu bia, hút thuốc lá.
Dự phòng cấp II: Áp dụng đối với những người ở lứa tuổi trung niên, đặc biệt là đối với những phụ nữ đã tắt kinh.
- Tiến hành các biện pháp kiểm tra định kì để xác định mật độ xương.
- Bắt đầu bổ sung nội tiết tố nữ đối với phụ nữ sau tắt kinh 3 năm.
- Bổ sung calci và vitamin D để đề phòng loãng xương.
- Điều trị các bệnh như: Đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, viêm thận mạn, cường cận giáp,... có liên quan đến loãng xương.
Dự phòng cấp III: Áp dụng đối với các trường hợp loãng xương tiến triển:
- Sử dụng các thuốc điều trị loãng xương bao gồm: Nội tiết tố nữ (estrogen), calci, vitamin D.
- Trong hoạt động hàng ngày: Đề phòng ngã, va đập để tránh gãy xương.
BS.Nguyễn Văn Biên (Thọ Xuân Đường)