Thoái hóa đốt sống lưng là bệnh như thế nào?
Thoái hóa đốt sống lưng hay còn gọi là thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh lý của xương khớp, bệnh phát triển chậm có cấp độ tăng dần. Tổn thương cơ bản thường là tình trạng thoái hóa của đĩa đệm và sụn khớp hay sự thay đổi ở màng hoạt dịch và phía dưới của sụn.
Nguyên nhân gây ra thoái hóa đốt sống lưng
Có nhiều nguyên nhân bệnh thoái hóa cột sống lưng trong đó bao gồm:
- Tuổi tác: Sự gia tăng tuổi tác có tác động tới hệ xương khớp, khiến sụn khớp hay đĩa đệm bị bào mòn và thoái hóa. Ở người cao tuổi quá trình trao đổi chất và sản sinh tế bào mới ngày càng kém đi, lâu dần gây thoái hóa đốt sốt lưng.
- Áp lực lớn lên đĩa đệm và sụn khớp thường xuyên trong thời gian dài: Lao động nặng, hay phải xoay hay cúi người trong thời gian dài, tập luyện nặng hoặc sai tư thế tạo áp lực lớn lên đĩa đệm và các khớp sụn dẫn đến cột sống bị thoái hóa nhanh chóng.
- Ít vận động: Việc ít vận động khiến quá trình trao đổi chất, tuần hoàn máu cũng như hệ xương khớp hoạt động kém đi, đẩy nhanh tốc độ lão hóa của xương và thoái hóa bị đẩy nhanh hơn.
Triệu chứng của thoái hóa đốt sống thắt lưng
Thoái hóa đốt sống lưng thường có các triệu chứng điển hình như:
- Đau liên tục, âm ỉ, kéo dài ở cột sống, thường là ở thắt lưng trong thời gian dài (thường kéo dài nhiều tuần).
- Khi mang vác hoặc nâng vật nặng, xoay người, cong người hoặc vận động mạnh làm tăng cảm giác đau hơn, không còn đau âm ỉ nữa.
- Ở bệnh nhân bệnh nặng, cơn đau sẽ lan xuống chân, gây cảm giác khó chịu và khó vận động hơn.
- Khó kiểm soát đường ruột và bàng quang, có trường hợp sẽ bị đau co thắt ở bắp chân hoặc chuột rút.
Các biến chứng của thoái hóa đốt sống lưng
Bệnh thoái hóa đốt sống lưng mặc dù không ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh, tuy nhiên nếu không được điều trị sớm có thể gây nhiều biến chứng đáng ngại như:
- Vận động bình thường bị hạn chế: Ở thời kỳ đầu của thoái hóa đốt sống lưng, cơ thể sẽ có cơ chế tự chữa lành, tự bù đắp nhưng lâu dần sẽ hình thành gai xương ở các đốt sống. Khi gai xương sống lớn dần sẽ đâm vào các mô xung quanh cột sống khiến bệnh nhân có cảm giác tê, buốt, đau nhức, vận động khó khăn.
- Đau dây thần kinh tọa: Thoái hóa đốt sống thắt lưng lâu ngày không được điều trị sẽ dễ bị chèn ép lên dây thần kinh tọa, bệnh nhân sẽ có cảm giác tê buốt kèm các cơn đau có điều kiện lan xuống mông, đùi, chân và tới các đầu ngón chân, nơi có các dây thần kinh đi qua.
- Thoát vị đĩa đệm: người bệnh bị thoái hóa đốt sống lưng dẫn đến đĩa đệm của người bệnh cũng sẽ thoái hóa dần theo thời gian, có nguy cơ bị thoát ra phía ngoài, chèn ép các dây thần kinh bên cạnh xương sống, gây đau, tê bì cục bộ hoặc một vùng lớn, gậy nhiều khó khăn trong quá trình sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.
Chẩn đoán bệnh lý của thoái hóa đốt sống thắt lưng
Triệu chứng của thoái hóa đốt sống lưng rất điển hình ở tình trạng đau nhưng, âm ỉ ở cột sống đặc biệt là ở vùng cổ và thắt lưng. Ngoài ra còn gây tê bì, tay chân yếu, bệnh nhân hay mệt mỏi, chóng mặt có thể lên cơn sốt…
Để chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ thoái hóa cột sống thắt lưng ngoài kết hợp với các triệu chứng như trên cần có một số các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh bao gồm:
- Chụp X- Quang.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI).
- Các xét nghiệm khác: Loại trừ các bệnh lý khác như lao cột sống, viêm cột sống dính khớp…
Các phương pháp điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng
Các loại thuốc tây y
Dùng thuốc tây y thường là lựa chọn của hầu hết bệnh nhân do đem lại tác dụng nhanh chóng, tiện lợi nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ do tác dụng phụ của thuốc. Các nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị như:
- Thuốc giảm đau: Để giảm mức độ đau nhức của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng các sản phẩm thuốc giảm đau. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng lạm dụng dẫn đến lệ thuộc hoặc nhờn thuốc, bác sĩ cần kê đơn theo thể trạng và tình trạng của bệnh nhân.
- Thuốc kháng viêm: Các thuốc kháng viêm thường nằm trong nhóm NSAID, sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không có phản ứng với thuốc giảm đau.
- Thuốc giãn cơ: Tác động vào vùng cơ đang bị co, hỗ trợ làm giảm lực cho cột sống và dây thần kinh đang bị chèn ép do thoái hóa đốt sống gây nên.
Phẫu thuật
Trong trường hợp bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, gây biến chứng nặng làm ảnh hưởng đến hoạt động, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện phương pháp can thiệp ngoại khoa. Bệnh nhân có thể tham khảo một số phẫu thuật phổ biến như cắt bỏ lá đốt sống, cố định đốt sống, cố định cột sống, cắt bỏ gai xương, cắt bỏ đĩa đệm, thay đốt sống nhân tạo…
Điều trị thoái hóa đốt sống lưng bằng đông y
Trong y học cổ truyền, thoái hóa cột sống là do hàn thấp bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, khí huyết bị tích tụ lại, gây bí tắc… bệnh nhân để lâu trong thời gian dài dẫn đến kinh lạc bị ứ trệ dẫn đến các cơn đau, ảnh hưởng đến vận động người bệnh. Để điều trị thoái hóa đông y có thể dùng thuốc hoặc châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tác động cột sống…
Các biện pháp phòng ngừa thoái hóa cột sống thắt lưng
Dựa trên những nguyên nhân dẫn tới thoái hóa sớm có thể thấy đây là bệnh khó tránh khỏi ở người cao tuổi. Tuy nhiên, có thể làm chậm quá trình thoái hóa, ngăn ngừa bệnh ở người trẻ tuổi và giảm triệu chứng ở người cao tuổi bằng một số biện pháp như sau:
- Xây dựng chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng và khoa học: Chế độ ăn uống nhiều omega-3, chondroitin, glucosamine có trong sụn động vật, cá biển, gân… Tăng cường các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nuôi xương khớp như vitamin D, Canxi có trong trứng, sữa có trong các loại hạt. Các loại rau củ chứa nhiều vitamin C để tăng cường sức đề kháng, cung cấp chất chống oxy hóa.
- Hạn chế ăn nhiều thực phẩm cay, nóng, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, các loại đồ uống có ga, có cồn…
- Hoạt động thế chất thường xuyên: Rèn luyện thể thao thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe, độ bền chắc cho hệ xương khớp cần duy trì. Tập luyện thường xuyên giúp săn chắc cơ, giảm bớt áp lực tác động lên xương khớp, hỗ trợ trao đổi chất tốt hơn. từ đó giúp xương khớp được nuôi dưỡng tốt, có sự dẻo dai và bền chắc, làm quá trình lão hóa chậm hơn.
- Nếu có dấu hiệu thoái hóa cột sống lưng cần đi thăm khám để xác định tình trạng bệnh và nguyên nhân, qua đó điều trị và kiểm soát bệnh tránh bệnh năng gây khó khăn trong quá trình sinh hoạt và các biến chứng nặng hơn.
Một số bài thuốc nam dùng để điều trị thoái hóa cột sống
Dùng ngải cứu
Ngải cứu là vị thuốc nam hữu ích trong việc điều trị các bệnh về cơ xương khớp, trong bệnh thoái hóa cột sống lưng có thể sử dụng 2 bài thuốc sau:
- Ngải cứu kết hợp với muối hạt: Dùng 300g ngải cứu tươi, ngâm trước với muối để loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn, sao cùng một thìa muối cho nóng. Cho hỗn hợp vào vải sạch, bọc lại và chườm trực tiếp lên vùng lưng bị thoái hóa. Thực hiện trước khi đi ngủ liên tục trong khoảng 2 tuần để giảm bớt các triệu chứng đau.
- Ngải cứu và mật ong: Dùng 300g ngải cứu tươi, rửa sạch, giã nhuyễn rồi lọc lấy nước cốt. Thêm 2 thìa mật ong, hòa đều với dung dịch nước ngải cứu, để vào lọ dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần sáng, tối trong 2 tuần liên tiếp sẽ thấy triệu chứng đau nhức do thoái hóa cột sống lưng được cải thiện.
Dùng lá lốt
Trong đông y, lá lốt có tính ấm, vi cay, có tác dụng giảm đau nhức, khó tiêu, đầy bụng, nôn mửa, đau đầu… Sử dụng lá lốt kết hợp với một số dược liệu khác có tác dụng giảm triệu chứng khó chịu của tình trạng thoái hóa cột sống lưng:
- Lá lốt, ngải cứu và lá chó đẻ: Chuẩn bị lá lốt, ngải cứu, lá chó đẻ hàm lượng ngang nhau, rửa sạch, để ráo nước. Sau đó xay nhuyễn hoặc giã nhỏ. Sao nhỏ trên lửa nhỏ đến khi nóng già, Bọc hỗn hợp trên chườm nhẹ lên vùng cột sống bị thoái hóa. Khi nguội tiếp tục sao lại cho nóng rồi chườm tiếp khoảng 3-4 lần. Thực hiện trước khi ngủ ngày 1 lần. Phương pháp chườm nóng giúp giảm đau, lưu thông máu ở vùng cột sống tổn thương, có hiệu quả rõ sau 2 tuần.
- Lá lốt, đinh lăng, trinh nữ: Sử dụng cả cây cho cả 3 loại dược liệu, rửa sạch, chặt thành khúc nhỏ, phơi khô. Sau khi dược liệu khô, sao vàng trên chảo nóng rồi bảo quản trong bình thủy tinh có nắp kín đậy dùng dần. Mỗi lần dùng khoảng 30g hỗn hợp pha cùng nước, uống thay nước lọc. Dùng trong 1 tuần liên tiếp, dừng 5 ngày rồi dùng tiếp nếu thấy bệnh thuyên giảm, không nên dùng lâu dài.
Phác đồ điều trị thoái hóa đốt sống thắt lưng bằng châm cứu
Châm tả:
- Các huyệt: A thị huyệt, Giáp tích, Đại trường du, Yêu du, Bát liêu, Thừa sơn.
- Tả thêm theo chứng: Hoàn khiêu, Ủy trung, Dương lăng tuyền, Côn lôn.
Châm bổ:
- Các huyệt: Thận du, Can du, Tuyệt cốt, Quan nguyên, Khí hải, Mệnh môn, Thái xung, Thái Khê.
Liệu trình: Lưu kim 15 - 20 phút/lần/ ngày liên tục trong 15 - 20 ngày. Số ngày điều trị có thể thay đổi tùy thể trạng và tình trạng bệnh nhân.
Bên cạnh châm cứu cũng có thể dùng nhiều phương pháp không sử dụng thuốc khác như thủy châm, cấy chỉ, điện châm theo chỉ định của bác sĩ để làm tăng tác dụng điều trị, giảm đau và tăng tuần hoàn tại chỗ.
Kết luận
Mặc dù Thoái hóa đốt sống lưng không gây nguy hiểm nhiều đến tính mạng nhưng người bệnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, bạn nên có chế độ ăn uống và tập luyện để hạn chế quá trình thoái hóa tới sớm. Nếu có các triệu chứng của bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám phát hiện sớm để điều trị
DS. Hoàng Long (Thọ Xuân Đường)