Nguyên nhân, cơ chế gây đau cổ vai gáy
Nguyên nhân dẫn đến đau mỏi vai gáy được chia làm 3 nhóm là nguyên nhân; nguyên nhân cơ học, bệnh lý, và các nguyên nhân khác.
Nguyên nhân cơ học
- Sinh hoạt không đúng tư thế. Điển hình là việc ngồi làm việc quá lâu, tư thế cúi gập cổ trong thời gian dài, co quắp hoặc dựa đầu vào ghế,… Các tư thế này có thể ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy và máu cho các vùng cổ vai gáy. Chính vì vậy dẫn đến các cơn đau nhức và cứng vai gáy.
- Thói quen sinh hoạt xấu. Các thói quen này có thể là ngồi lâu trước quạt, tắm đêm, dầm mưa dãi nắng liên tục… Việc rối loạn hệ thần kinh điều khiển cảm giác và các hoạt động của bó cơ ở vùng vai gáy.
- Tập luyện quá sức. Bạn thường xuyên tập luyện với cường độ cao, tư thế tập không đúng hoặc không khởi động trước mỗi khi tập. Điều này sẽ làm mỏi phần vai gáy, thời gian lâu sẽ tạo nên các cơn đau.
- Đặc thù của công việc. Những công việc phải ngồi hoặc đứng lâu khiến máu không được lưu thông ở vùng cổ, vùng bả vai dẫn đến đau nhức.
- Chấn thương mô mềm. Đau vai gáy có thể xuất phát từ tình trạng bị tổn thương mô mềm. Mô mềm gồm gân, dây chằng và cơ. Khi bị chấn thương mô mềm, người bệnh có thể dẫn đến nhiều cơn đau nhức như cứng cổ, đau đầu và co thắt cơ bắp.
Chấn thương cổ đột ngột. Đây là hiện tượng bị rách cơ, gân và dây chằng ở cổ do việc cử động đột ngột. Các triệu chứng bao gồm cả triệu chứng đau cứng cổ, đau đầu và chóng mặt hoặc mờ mắt.
Nguyên nhân bệnh lý
Đau vai gáy có các triệu chứng liên quan đến cột sống cổ có dấu hiệu phổ biến như:
- Thoái hóa cột sống cổ. tình trạng tổn thương ở đốt sống, đầu sụn, đĩa đệm, tổ chức bao hoạt dịch cùng hệ thống dây chằng vùng cổ, gây ra các cơn đau
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Các bao xơ đĩa đệm ở vùng cột sống bị yếu đi khiến cho nhân nhầy thoát ra ngoài. Phần đĩa đệm cũng bị lệch vị trí trên đốt sống, chèn lên rễ thần kinh xung quanh gây đau mỏi vai gáy.
- Gai đốt sống cổ. Khi các đốt sống cổ bị thoái hóa rất dễ hình các mỏm gai xương, mọc quanh đĩa đệm cổ bị thoát vị hoặc thoái hóa do phản ứng của cơ thể tăng tiết canxi tăng diện tích tiếp xúc giữa thân đốt sống.
Những nguyên nhân từ bệnh lý khác
- Viêm bao khớp vai. Do chấn thương hoặc bị tai nạn mà khớp vai có thể bị viêm gây đau, hạn chế vận động vùng cổ, vai.
- Đau vai gáy kèm theo đau đầu. Đây là loại đau đầu do các cơ siết chặt ở vùng sau cổ, đồng thời cổ bị sai, trật tạo cảm giác tương tự giống đau nửa đầu. Các triệu chứng thường gặp như. đau ở một bên đầu hoặc một bên khuôn mặt, nhức quanh mắt, cứng cổ vai gáy và đau đầu khi cử động cổ.
- Rối loạn khớp bả vai lồng ngực. Nếu ngồi lâu một chỗ với tư thế khiến căng cơ bả vai và rút cơ lồng ngực quá mức khiến đau vai vùng cổ gáy.
- Đau thắt ngực ổn định. Đau cổ, vai gáy, lưng hoặc hàm một trong số các triệu chứng của đau thắt ngực ổn định, việc này xảy ra do động mạch vành bị thu hẹp, không thể đáp ứng được lượng oxy trong máu, thường đau cổ, vai, tay bên trái
- Rối loạn chức năng thần kinh. Các dây thần kinh ở vùng vai gáy bị kéo giãn hoặc khi kéo căng quá mức có thể gây ra những rối loạn chức năng dây thần kinh. Đây là nguyên nhân thường gặp gây ra các cơn đau nhức ở vùng vai gáy.
- Ung thư. Một số trường hợp đau cổ vai gáy dai dẳng là triệu chứng của ung thư cổ hoặc đầu. Có khoảng 75% ung thư đầu và cổ xảy ra, do sử dụng nhiều rượu bia và thuốc lá. Đau vai gáy còn là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi.
Nguyên nhân khác
- Do tuổi tác. Càng lớn tuổi, cơ thể con người càng bị lão hóa nhanh. Khi đó các cơ quan và hệ xương khớp cũng bị thoái hóa dần và bị suy giảm các chức năng. Vì vậy, tỉ lệ người cao tuổi mắc bệnh về vai gáy cao hơn so với những người trẻ.
- Thời tiết. Mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc chuyển mùa, đặc biệt khi trời lạnh thì vai gáy sẽ trở nên đau. Bởi do áp suất không khí giảm khiến cho các mạch máu bị co lại, khả năng vận chuyển oxy vào máu bị giảm.
- Nhiễm lạnh. Cơ thể bị nhiễm lạnh làm tổn thương đến dây thần kinh và làm đau mỏi vai gáy.
- Ăn uống thiếu chất. Do thiếu vitamin, khoáng chất làm cho dây thần kinh ngoại vi yếu đi và gây ra hiện tượng đau cổ vai gáy.
Triệu chứng đau mỏi cổ vai gáy thường gặp
Để nhận biết được các đơn đau mỏi vai gáy, bạn có thể dựa trên những triệu chứng sau:
- Các cơn đau thường xuất hiện sau khi ngủ dậy, khi làm việc nặng, ngồi quá lâu trên bàn làm việc chỉ với 1 tư thế, thay đổi thời tiết, …
- Đau từ cổ lan xuống vai và cánh tay, tăng lên khi vận động, ho, hắt hơi, đặc biệt là khi quay cổ. Nhưng khi nghỉ ngơi thì cơn đau sẽ được giảm xuống.
- Đau ở khu vực liên quan đến toàn bộ hoặc một phần của khu vực được chi phối bởi một rễ thần kinh.
- Mức độ đau khác nhau tùy từng bệnh nhân, có thể liên tục hoặc cách hồi, có thể kèm tính chất kịch phát hoặc không. Phần lớn các trường hợp đau dai dẳng, cố định ở một khu vực.
- Kèm theo đau có thể gặp các triệu chứng tê bì, kim châm, tê buốt ở một khu vực chính xác của một rễ.
- Tùy vào từng trường hợp, người bệnh gặp còn phải nhiều triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, ù tai.
Thăm khám
Khám thực thể:
- Có điểm đau cột sống cổ: Ấn vào các gai sau và cạnh cột sống cổ tương ứng các rễ thần kinh có thể tìm thấy điểm đau.
- Co cứng cơ cạnh cột sống cổ: Thường sờ nắn thấy cơ thang trên tăng trương lực hoặc co cứng.
- Hạn chế vận động cột sống cổ: Đau làm đầu vẹo sang một bên không quay về bên kia được do cơ bên đau bị co cứng phản xạ.
- Dấu hiệu chuông bấm: ấn vào lỗ chẩm thấy đau lan lên gáy, ấn điểm cạnh sống tương ứng với lỗ ghép thấy đau xuất hiện từ cổ lan xuống vai và cánh tay.
- Nghiệm pháp Spurling (ép rễ thần kinh cổ): bệnh nhân ngồi hoặc nằm nghiêng đầu về bên đau, thầy thuốc dùng tay ép lên đỉnh đầu bệnh nhân, đau xuất hiện ở rễ bị tổn thương do làm hẹp lỗ ghép.
- Nghiệm pháp căng rễ thần kinh cổ: Bệnh nhân ngồi đầu nghiêng xoay về bên lành. Thầy thuốc cố định vai và từ từ đẩy đầu bệnh nhân về bên kia, đau xuất hiện dọc theo rễ thần kinh bị tổn thương. Hoặc bệnh nhân ngồi, thầy thuốc đặt tay lên vùng chẩm ấn từ từ cho cằm chạm xương ức, đau cũng xuất hiện dọc theo rễ thần kinh bị tổn thương.
Vị trí đau tùy thuộc vùng phân bố của rễ thần kinh cổ: Rễ C1 đến C3 tạo ra dây thần kinh chẩm lớn, khi bị tổn thương các rễ này gây ra hội chứng cổ gáy. Các rễ C4 đến C8 tạo thành đám rối thần kinh cánh tay, khi bị tổn thương các rễ này gây ra hội chứng cổ vai cánh tay.
- Rễ C1, C2 và C3 khi tổn thương gây đau đầu vùng chẩm, gáy.
- Rễ C3: Đau vùng chẩm gáy có thể kèm theo nói khó và tức ngực.
- Rễ C4: Đau bả vai và thành ngực trước có thể kèm ho, nấc, khó thở.
- Rễ C5: Đau mặt ngoài cánh tay đến cẳng tay, yếu cơ delta.
- Rễ C6: Đau mặt trước cánh tay đến ngón cái và ngón trỏ, yếu cơ nhị đầu.
- Rễ C7: Đau mặt sau cánh tay đến ngón giữa, yếu cơ tam đầu.
- Rễ C8: Đau mặt trong cánh tay đến ngón nhẫn và ngón út, yếu cơ bàn tay.
Điều trị bằng xoa bóp bấm huyệt
Mục đích:
- Hỗ trợ thư giãn cơ, làm mềm cơ, giải phóng các dây thần kinh, gân bị chèn ép. Điều này giúp giảm nhanh cơn đau, cứng ở khu vực vai gáy.
- Tăng tính linh hoạt ở cổ, vai, gáy và cải thiện vận động ở cánh tay.
- Cải thiện tuần hoàn máu.
- Tăng cường hấp thụ dưỡng chất.
- Kích thích cơ thể tái tạo nội sinh, hỗ trợ điều trị bệnh từ bên trong và phục hồi khả năng vận động của vai gáy.
Chỉ định của bấm huyệt chữa đau cổ vai gáy:
- Đau cổ vai gáy do căng cơ hoặc do thoái hóa cột sống cổ.
Chống chỉ định:
Đau cổ vai gáy trong bệnh cảnh có chèn ép tủy cổ như:
- Viêm tủy.
- Thoát vị đĩa đệm thể trung tâm.
- U tủy.
- Rỗng tủy sống.
Quy trình thực hiện:
Bệnh nhân ngồi trên ghế hoặc nằm, bộc lộ vùng bị bệnh, bác sĩ đứng và lần lượt làm các động tác, thủ thuật sau:
- Xoa, xát nóng vùng vai, gáy,
- Day từ mỏm cùng vai qua huyệt Kiên tỉnh, huyệt Phong môn đến Phòng trì.
- Lăn vùng như trên 3 lần.
- Bóp vùng như trên 3 lần.
- Bấm các huyệt: Phong trì, Phong phủ, Thiên trụ, Phong môn, Giáp tích C4-C7, Kiên tỉnh, Kiên ngung, Thiên tông, Đại trữ, Đại chuỳ, A thị huyệt.
- Bật và day huyệt Đốc du.
- Vận động cổ.
- Bóp vai gáy lại một lần nữa.
Ngày xoa bóp 1 lần, mỗi lần 20-30 phút.
Khi xoa bóp có thể kết hợp thêm đắp túi chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại, đèn đa nguồn.
Các phương pháp Đông y khác có thể phối hợp như:
- Châm cứu.
- Cấy chỉ.
- Luyện tập dưỡng sinh
Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khi điều trị bệnh
Để quá trình điều trị đau vai gáy đạt hiệu quả cao, người bệnh cần kết hợp thay đổi thói quen sinh hoạt cũng như chế độ dinh dưỡng hằng ngày:
- Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh việc tự ý ngừng điều trị khi thấy cơn đau đã thuyên giảm.
- Hạn chế các hoạt động xoay vặn mạnh cột sống cổ vì có thể gây thêm các tổn thương cho dây thần kinh.
- Tránh nằm hoặc ngồi 1 chỗ quá lâu có thể khiến các cơ vùng cổ bị co cứng, kém linh hoạt.
- Thực hiện các động tác thể dục nhẹ nhàng để giúp cơ cổ được thư giãn như xoay cổ, ngửa đầu trước sau, xoay đầu qua 2 bên,…
- Bổ sung các khoáng chất cần thiết cho xương khớp như Canxi, Omega -3, Vitamin C-D-E, Vitamin nhóm B, Glucosamine & Chondroitin,…
- Hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ, các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Xoa bóp bấm huyệt không có khả năng chữa lành tình trạng đau vai gáy, bạn nên thực hiện chế độ ăn hợp lý và kết hợp sử dụng các loại thuốc được chỉ định của bác sĩ để có được hiệu quả rõ rệt.
BS. Đỗ Nguyệt Thanh (Thọ Xuân Đường)