Hải Thượng Lãn Ông có viết:
“Đau chóng đỡ chày
Là vì không biết chữa ngay kịp thời
Thuốc thang có sẵn khắp nơi
Trong vườn, ngoài ruộng, trên đồi, dưới sông
Hàng ngàn thảo mộc, thú rừng
Thiếu gì thuốc bổ, thuốc công quanh mình.”
( Trích” Vệ sinh quyết diễn ca”)
Thật đúng như vậy, không cần tìm đâu xa mà những vị thuốc rất đơn giản và gần gũi quanh ta mà tác dụng trị bệnh rất hiệu nghiệm như gừng, tía tô, kinh giới và cát căn có tác dụng trị cảm cúm, cảm mạo là một ví dụ.
1. Gừng - chữa ho, giải độc
- Gừng sống là rễ tươi của cây gừng, theo đông y có tên Sinh khương vị cay, tinh ấm, quy kinh Phế, Vị, Tỳ. Công dụng giải biểu phát hãn, chữa nôn do lạnh, chữa ho, giải độc và hạn chế độc tính của các vị Bán hạ, Nam tinh, Phụ tử.
- Cách dùng rất đơn giản: Khi bị cảm cúm với các triệu chứng đau đầu, sổ mũi, cảm thấy ớn lạnh, sốt, nhức mỏi…kết hợp Sinh khương với các vị Quế chi, Ma hoàng, Hạnh nhân sắc uống khi ấm. Chữa nôn mửa do lạnh phối hợp sinh khương với bán hạ. Chữa ho chỉ cần lấy nước cốt gừng hòa với rượu để ngâm chân, đồng thời pha nước cốt gừng với mật ong và nước ấm để uống. …
Gừng
2. Tía tô – giải cảm, lợi khí
- Cây tía tô cho nhiều vị thuốc như Tô ngạnh ( cành tía tô), Tô diệp ( lá tía tô), Tô tử ( quả chín phơi khô cây tía tô) và dùng điều trị các bệnh khác nhau. Theo đông y, Tô diệp có vị cay, ấm quy kinh Phế, Tỳ có tác dụng phát tán phong hàn, lý khí.
- Dân gian thường dùng lá tía tô để cho vào nấu cháo giải cảm, hoặc dùng tía tô và các loại lá có tinh dầu khác như sả, hương nhu, tre, duối, bạc hà…để nấu nồi nước xông hơi giải cảm. Ngoài ra khi phối hợp Tía tô với Hương phụ, Trần bì, Cam thảo ( bài Hương tô tán) có tác dụng chữa ngoại cảm phong hàn kiêm khí trệ, có triệu chứng người nóng, sợ lạnh, đau đầu nhức mỏi, ngực bụng đầy tức, chán ăn, không ra mồi hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.
- Còn tô tử có tác dụng chữa ho, long đờm. Tô ngạnh có tác dụng kích thích tiêu hóa, đau bụng, lợi khí.
Tía tô
3. Kinh giới – cầm máu, chữa ngứa giải dị ứng
- Cây Kinh giới người ta thường dùng thân và lá làm rau sống ăn kèm rất nhiều món ăn. Theo đông y, kinh giới có vị cay, tinh ấm quy kinh Phế, Can tác dụng phát tán phong hàn, tán ứ chỉ huyết, chuyên dùng chữa cảm mạo, các chứng đau thần kinh do lạnh, làm mọc các nốt ban chẩn, chữa ngứa giải dị ứng, cầm máu.
- Dân gian thường dùng lá kinh giới bôi vào mụn cơm, mụn cóc, u sừng để làm tiêu tán chúng. Ngoài ra khi sao đen có tác dụng cầm máu rất tốt.
Kinh giới
4. Cát căn
- Rễ cây sắn dây được gọi là vị thuốc cát căn trong đông y, sau khi được chế biến có vị ngọt, cay, tinh binh quy kinh tỳ, vị. Cát căn có tác dụng chữa cảm mạo có sốt, không có mồ hôi, người mệt mỏi, miệng khát họng khô do cát căn có tác dụng thăng dương khí, tán nhiệt, sinh tân chỉ khát.
- Được dùng nhiều trong các bài thuốc cổ phương và cho tác dụng tốt như Cát căn thang, Cát căn cầm liên thang, Thăng ma cát căn thang…
- Trong dân gian thì dùng cát căn pha nước uống hoặc nấu thành cháo, tác dụng giải nhiệt rất tốt.
Cát căn ( sắn dây )
BS. Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)