Loại rau có mùi thơm “ma lực” và tác dụng kỳ diệu với sức khỏe
Là loại rau thơm có nguồn gốc lâu đời từ Trung Quốc và Ấn Độ, húng quế hay còn gọi là húng chó, hương thái, é tía.... với mùi thơm “ma lực” tổng hợp của 3 loại quế, chanh và sả nên được nhiều nơi trên thế giới ưa dùng.
Người Việt thường dùng húng quế làm rau ăn sống kèm các món: thịt vịt nướng, gỏi cuốn, bún chả, bún bò, phở, lòng lợn, tiết canh... Hạt của cây húng quế còn dùng trong món chè sương sáo hạt É.
Giàu thành phần sắt, canxi, kali, Vitamin C và K, chất xơ, tinh dầu, húng quế là nguồn dinh dưỡng rất có lợi cho hệ tiêu hóa. Tinh dầu húng quế kích thích tiêu hóa giúp ăn ngon miệng, điều trị hiệu quả các chứng đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy… Chất xơ trong húng quế giúp cho giảm cân và đại tiện dễ dàng. Ngoài ra, húng quế còn chứa một số chất bảo vệ gan giúp giảm cholesterol xấu trong máu.
Đặc biệt, Axit caffeic trong tinh dầu húng quế có tác dụng tăng cường miễn dịch ngăn ngừa ung thư, phòng một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư miệng… Tinh dầu húng quế chứa các chất chống oxy hóa mạnh không chỉ giúp làm chậm quá trình lão hóa, mà còn có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây hại, giảm căng thẳng cho người bị đau nửa đầu.
Húng quế còn có lợi cho hô hấp bởi khả năng chống lại sự phát triển của rất nhiều loại vi khuẩn và nấm, từ đó có thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, chữa cảm lạnh, cảm cúm, viêm phế quản, ho gà...
Ích cho bệnh nhân có đường huyết cao vì ăn húng quế lúc đói giúp giảm 17% lượng đường trong máu. Bên cạnh đó, Beta - caroten trong húng quế bảo vệ tế bào khỏi những gốc tự do và phòng tránh các bệnh viêm khớp. húng quế là loại thuốc lợi tiểu và khử độc rất tốt cho thận khi ăn vào làm giảm axit uric trong máu và là giúp làm sạch thận. Dùng một lượng húng quế nhỏ khi chế biến đồ ăn rất tốt cho những người bị bệnh động mạch vành và cao huyết áp. Với những bà mẹ ít sữa, cũng nên ăn húng quế để tăng tiết lượng sữa.
Ngoài các tác dụng trên, tinh dầu Húng quế còn được sử dụng để dưỡng da, dưỡng ẩm tóc, trị mụn trứng cá, dị ứng mẩn ngứa, ngừa sâu răng và hơi thở có mùi, thư giãn chống căng thẳng...
Húng quế với Y học cổ truyền
Lá húng quế có vị cay, mùi thơm dịu có tác dụng kích thích sự hấp thu, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, lương huyết giảm đau. Hoa có tác dụng lợi tiểu, bổ thần kinh. Quả có vị ngọt, cay, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, sáng mắt, trừ màng mộng. Toàn cây chữa cảm sốt nhức đầu, nghẹt mũi, ho, viêm họng, dị ứng, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, có tác dụng long đờm, lợi sữa…
Kinh nghiệm dân gian, dùng cành già, lá, hoa cây húng quế sắc uống chữa sốt, chữa đau dạ dày, ăn uống không tiêu, thông tiểu tiện. Xúc miệng và ngậm chữa đau, sâu răng. Kết hợp với các loại lá để đun nước tắm, nước xông làm cho ra mồ hôi mỗi khi bị cảm.
Các bài thuốc từ húng quế:
- Chữa đau đầu, ho, viêm họng, bồn chồn, đau đầu chóng mặt: lá và hoa khô hãm như chè, ngày uống 2 – 3 chén.
- Chữa dị ứng, mẩn ngứa: 3 – 6g hạt ngâm nước cho hạt nổi nhầy, giã với 20 – 30g lá, lọc lấy nước, thêm đường uống, bã xoa chỗ ngứa. Hoặc lá húng quế khô sắc nước uống (nếu kết hợp tắm nước lá khế đun sôi để nguội càng tốt).
- Tăng tiết sữa ở các bà mẹ mới đẻ thiếu sữa: 10g lá sắc với 1.000ml nước, làm nước uống hằng ngày. Hoặc sắc đặc lá húng quế súc miệng chữa đau răng.
- Rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, tiêu chảy: 15g cành lá tươi húng quế sắc uống. Phòng cảm cúm, đau nhức chân tay: hằng ngày ăn rau húng quế.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai, bệnh nhân hạ đường huyết, và người bị bệnh máu khó đông cần lưu ý khi sử dụng húng quế vì tinh dầu của nó dễ kích hoạt các phản ứng gây co thắt tử cung ở phụ nữ mang thai, làm hạ đường huyết và gây loãng máu.
Bs. Thanh Xuân (Nhà thuốc Thọ Xuân Đường)