CÁC VỊ THUỐC HAY TỪ CÂY BỒ KẾT
Bồ kết là loại quả quen thuộc được sử dụng từ xưa để gội đầu giúp mái tóc bóng đẹp, thực tế bồ kết còn có nhiều tác dụng hơn thế, cùng tìm hiểu về các vị thuốc từ cây bồ kết.
1. Giới thiệu cây bồ kết
Bồ kết có tên khoa học là Fructus Gleditschiae, thuộc họ Vang Caesalpiniaceae, nhiều nơi gọi tên là cây chùm kết, cây tạo giác…
Cây sống nhiều năm, thuộc dạng thân gỗ cao 10-15m, có nhiều nhánh, nhiều cành, trên thân và cành có nhiều gai nhọn mọc thành từng chùm, gai bồ kết cũng được thu hái để làm thuốc. Lá bồ kết là lá kép lông chim, có nhiều đôi lá phụ dạng bầu dục thuôn đều, lá có màu xanh nhạt cả 2 mặt.
Cụm hoa hình đầu ở nách lá, trên 1 cuống ngắn. Quả dẹt màu vàng rơm bóng, nổi rõ các hạt bên trong, khi già phơi khô có màu đen bóng.
Cây bồ kết phân bố ở nhiều nơi, ở cả châu Mỹ, châu Á, ở Việt Nam cây phân bố chủ yếu ở vùng miền núi, mọc hoang trong các khu rừng. Ngoài ra có thể trồng cây khá đơn giản vì cây mọc khỏe, dùng hạt già trồng dễ.
2. Các vị thuốc dong y từ cây bồ kết
Cây cho nhiều vị thuốc khác nhau, mỗi vị có một tác dụng riêng:
• Quả bồ kết (tạo giác - Fructus Gleditschiae)
Vị thuốc là quả bồ kết chín khô. Khi dùng phải bỏ hạt, dùng sống hoặc tẩm nước cho mềm, sấy khô. Có khi đốt thành than, cháy sém màu đen, tán bột. Thành phần chứa 10% saponin, các choạt chất flavonoid khác.
Tính vị, tác dụng: Theo đông y quả bồ kết có vị cay mặn, tính ấm, quy kinh Phế, Đại tràng. Tác dụng thông khiếu tiêu đờm thông khiếu, trừ mủ tán kết, sáng mắt… được dùng nhiều trong lâm sàng với các tác dụng khác nhau.
- Khai khiếu: đuối nước cho bột bồ kết vào hậu môn cho nước ra, thông khiếu cho các trường hợp liệt dây thần kinh VII, hôn mê, đau họng: đốt quả tán bột thổi vào mũi
- Làm tiêu mủ ở vết thương, chữa mụn nhọt, giúp nhọt mau chín và vỡ
- Sát trùng chữa lở, ghẻ, chữa viêm hạch do lao
- Trị gàu, mượt tóc: dùng quả bồ kết nướng cho thơm, sau đó đem đun nước cùng với vỏ bưởi, hương nhu, cỏ mần trầu và các thảo dược khác, khi sôi kỹ thì bỏ ra vò nát, chắt lấy nước dùng gội đầu. Bồ kết khi vò tạo rất nhiều bọt nên dùng khá thích.
- Trị táo bón, đại tiện khó: Lấy bồ kết bỏ hạt, nướng cho thơm lừng rồi tán thành bột, sau đó hòa cùng 1 lượng nước vừa đủ thụt vào hậu môn của bệnh nhân, chỉ sau vài phút bệnh nhân có thể đi ngoài được. Những trường hợp bí tiện cũng có thể áp dụng.
- Trị nghẹt mũi, khó thở, viêm mũi: Lấy bồ kết nướng vàng, xông khói vào mũi cho thông mũi, chú ý không được dùng than tổ ong, củi mà nên dùng than hoa để đốt bồ kết.
- Trị trĩ: Dùng bồ kết nướng cho thơm rồi cho vào nồi nước đun sôi kỹ, đổ ra đợi nguội bớt khoảng 40 độ thì cho bệnh nhân ngồi vào chậu ngâm, búi trĩ sẽ co lại.
- Ngoài ra còn dùng quả bồ kết trong nhiều trường hợp khác, theo dân gian còn dùng bồ kết để đốt vía khi trẻ em sơ sinh khóc quá nhiều.
• Hạt bồ kết (tạo giác tử - Semen Gleditschiae)
Vị thuốc là hạt lấy ở quả bồ kết chín đã phơi hay sấy khô.
Tính vị: vị cay tính ôn quy kinh Đại trường. Tác dụng thông đại tiện, chữa bí kết, mụn nhọt. Dùng trong các trường hợp sau:
- Trị lỵ: Hạt bồ kết sao vàng, tán bột luyện viên thành hạt ngô, ngày uống 10-12 viên vào sáng sớm
- Trị lỵ mạn tính: dùng hạt bồ kết khô nghiền nhỏ giã nhuyễn với nước cơm, viên to bằng hạt ngô, mỗi lần uống 40 viên với nước ấm.
- Trị mụn nhọt: dùng hạt bồ kết và hạnh nhân lượng bằng nhau, nghiền cho mịn, trộn với nước ấm thoa lên mụn 30 phút rồi rửa mặt sạch, tuần làm 3 lần.
• Gai bồ kết (tạo thích, tạo giác thích - Spina Gleditschiae)
Vị thuốc là gai hái ở thân cây bồ kết, đem về phơi hay sấy khô hoặc thái mỏng rồi phơi hay sấy khô. Chứa các hoạt chất kháng khuẩn và nấm. Nước sắc gai bồ kết có tác dụng ức chế tụ cầu vàng.
Tính vị và tác dụng: vị cay tính ôn chữa mụn nhọt, thông sữa, làm rau thai xuống
- Trị sưng đau vú do tắc tia sữa: dùng gai bồ kết đốt tồn tính uống ngày 4 g. có thể kết hợp cùng các vị thuốc khác.
- Trị mụn nhọt: dùng gai bồ kết sắc nước uống, có thể kết hợp với kim ngân hoa, cam thảo để tăng tác dụng.
Ngoài ra trong dân gian còn sử dụng các vị thuốc từ cây bồ kết với nhiều tác dụng khác nhau, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của các lương y, bác sĩ trước khi tự ý sử dụng.
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, quý vị vui lòng liên hệ số điện thoại 0943 986 986 hoặc 0937 63 8282.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)