CÁC BÀI THUỐC CHỮA BỆNH TỪ CÂY MUỒNG TRÂU
Cây muồng trâu là một loại cây quên thuộc thường được trồng ở miền trung với tác dụng làm hàng rào, hàng chắn. Tuy nhiên, ít ai biết đây là một cây thuốc điều trị bệnh lý về gan, táo bón hiệu quả. Cùng tìm hiểu cây thuốc này nhé!
1. Mô tả đặc điểm
- Tên khác: Cây lác.
- Tên Khoa học: Cassia alata L., Đậu (Fabaceae). Cây mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi, có nhiều ở các vùng miền Nam và miền Trung nước ta.
- Mô tả: Cây nhỏ, cao đến 1,5m, ít phân cành. Lá kép lông chim chẵn mọc so le gồm 8-12 đôi lá chét, cành và cuống lá thường có màu nâu đỏ, Hoa màu vàng mọc thành bông ở ngọn cành và kẽ lá. Quả dài, nhiều hạt đen.
- Bộ phận dùng: Lá (Folium Cassiae alatae), rễ (Radix Casiae alatae), thân và quả.
- Thành phần hóa học chính: Anthranoid.
- Tác dụng hóa học: Nghiên cứu gần đây ở nước ngoài cho thấy lá muồng trâu có tác dụng kháng nấm và kháng khuẩn, vì vậy cho rằng có triển vọng làm thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân AIDS. Cao lá muồng trâu có tác dụng bảo vệ gan tốt, thể hiện trên tác dụng làm giảm có ý nghĩa thống kê 73,58 % hoạt độ ALT và 31,32 % hàm lượng bilirubin ở chuột nhắt trắng bị gây viêm cấp bằng CCl4vì vậy mà có triển vọng trong nghiên cứu làm thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan cấp và mãn tính.
2. Vị thuốc muồng trâu theo đông y
- Tính vị: Cành, thân vị hơi đắng, mùi hăng hắc, tính mát. Lá vị cay, tính ấm.
- Công dụng: Cành, lá, hạt, rễ có tác dụng nhuận tràng, giải nhiệt, sát trùng, lợi tiểu. Nếu sao vàng thì nhuận gan, tiêu thực, tiêu độc, tiêu viêm. Lá có tác dụng sát trùng, chống ngứa, chữa hắc lào.
3. Cách dùng, liều lượng:
Cành, lá, rễ phơi khô, sắc uống làm thuốc uống một mình hoặc kết hợp cùng vị thuốc khác. Ngày dùng 6-12g dược liệu khô
4. Các bài thuốc chữa bệnh từ muồng trâu
- Chữa hắc lào (lác) ở 2 bên bẹn, lưng quần, ngứa ngáy khó chịu, nhiều lúc chảy nước vàng lở loét: Lá muồng trâu 20g, Rễ muồng trâu 20g giã nhuyễn với 1 ít muối hạt rồi vắt lấy nước bôi lên chỗ hắc lào đã cạo tróc vẩy, ngày 3-4 lần.
- Chữa táo bón: Lá Muồng trâu non 100g, ngọn Cam thảo dây non 40g dùng tươi rửa sạch đâm nhuyễn thêm nước sôi để nguội cho uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 bát. (Nếu táo bọn nặng thay 100g lá Muồng trâu bằng 20g rẽ muồng trâu).
- Chữa táo bón do thời gian ngồi lâu không thay đổi tư thế hoặc do viêm đại tràng mạn tính: Lá Muồng trâu 20g, Chút chút 20g, Đại hoàng 4-6g. Sắc uống trong ngày.
- Chữa trị nấm ngoài da, dị ứng da: Lá muồng trâu sắc đậm đặc dùng để tắm, hoặc đắp thẳng lên da hay biến chế thuốc dán từ lá đắp trực tiếp lên da.
- Dung dịch nước ép lá nghiền nát, lọc và pha loãng, là một chất nước dùng để súc miệng trị đau cổ viêm họng rất hiệu quả.
Chú ý: Kiêng kị dùng Muồng trâu cho phụ nữ có thai. Những người tỳ vị hư hàn có các triệu chứng hay lạnh bụng, đau bụng đi ngoài không dùng vì thuốc nhuận tràng sẽ gây tiêu chảy. Không dùng thuốc thời gian dài.