CÁC LOÀI HOA ĐẸP TRỊ CAO HUYẾT ÁP
Tăng huyết áp là một bệnh thường gặp ở những người trung niên, lớn tuổi. Nếu không được kiểm soát huyết áp có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, nhiều tại biến nguy hiểm. Chính vì vậy ngoài việc sử dụng thuốc hạ huyết áp hàng ngày thì bệnh nhân nên phối kết hợp nhiều phương pháp khác, trong đó uống trà hoa là một cách kiểm soát huyết áp hiệu quả. Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu một số loài hoa đẹp có tác dụng hạ áp hiệu quả.
1. Hoa hòe
Hoa hòe là một cây to hay được trồng làm bóng mát và thu hoạch nụ hoa hòe vào khoảng tháng 7-9 hàng năm. Thường người dân sẽ chọn những ngày nắng ráo để thu hoạch và phơi hòe hoa. Tốt nhất là thu hoạch lúc hoa sắp nở mới có nhiều hoạt chất nhất. Sau khi đã phơi khô thì đem sao vàng và để trong lọ thủy tinh để dùng dần.
Hòe hoa cũng là một vị thuốc đông y, có vị đắng, tính bình, quy kinh Can, Thận. Tác dụng lương huyết, thanh can nhiệt tả hỏa. Hòe hoa thường phối hợp Thạch quyết minh để điều trị chứng tăng huyết áp gây đau nhức đầu, giúp đề phòng tai biến mạch máu não. Nguyên nhân là trong hòe hoa có hoạt chất rutin C giúp làm vững bền thành mạch, rất tốt trong việc ngăn ngừa biến chứng.
Cách sử dụng hòe hoa khá đơn giản, chỉ cần cho vào ấm trà hãm nước sôi 5-10 phút là có thể sử dụng. Việc phối hợp hòe hoa cùng quyết minh tử, cúc hoa sẽ tăng tác dụng hạ áp.
2. Hoa cúc
Hoa cúc có cả trăm loại khác nhau, nhưng loại dùng làm thuốc đông y chữa bệnh tăng huyết áp thường dùng nhất là hoa cúc trắng (Bạch cúc) và hoa cúc vàng. Thông thường sẽ thu hái hoa cúc vào khoảng tháng 9-11 hàng năm, sau đó đem phơi khô trong râm rồi cất lọ thủy tinh dùng dần.
Theo đông y hoa cúc có vị ngọt đắng, tính hơi hàn, quy kinh Phế, Can, Thận có tác dụng dưỡng can minh mục, thanh nhiệt tiêu viêm. Chính vì vậy hoa cúc được dùng trong điều trị các trường hợp tăng huyết áp kèm hoa mắt, nhìn mờ, mắt kém.
Cách dùng hoa cúc là pha trà uống, có thể kết hợp Kỷ tử, táo đỏ tạo thành món trà rất ngon lại bổ dưỡng, hạ áp hiệu quả. Ngoài ra có thể sử dụng cúc bách nhật cũng cho tác dụng tương tự.
3. Nụ hoa tam thất
Nụ hoa tam thất có khá nhiều tác dụng khác nhau và được người dân sử dụng từ lâu đời. Theo đông y nụ hoa tam thất có vị ngọt tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giáng áp an thần nên được sử dụng để làm mát, giải nhiệt của can, hạ huyết áp và chữa trị mất ngủ.
Cây tam thất là cây lâu năm, vì vậy phải mất khoảng 3 năm sau khi trồng mới thu hái được nụ hoa tam thất. Thường hái lúc hoa còn chưa nở để lượng hoạt chất cao. Sau đó đem về phơi sấy khô và cất kĩ dùng dần.
Cách sử dụng nụ hoa tam thất đơn giản, chỉ cần hãm trà uống thay nước hàng ngày, không chỉ hạ áp mà còn giúp ngủ ngon.
4. Hoa đại
Cây hoa đại thường được trồng làm cảnh trong các sân chùa, sân đình để làm cảnh. Khi đến mùa hoa đại đua nhau khoe nở hương thơm tràn ngập cả một khoảng trời. Người ta thường hái hoa đại khi còn trên cây chứ không đợi rụng, rồi đem về phơi sấy khô.
Theo kinh nghiệm dân gian cho biết hoa đại có tác dụng tiêu đờm, hạ áp và còn chữa kiết lỵ hiệu quả. Cách dùng hoa đại là đem sắc nước uống mỗi ngày.
5. Tân di hoa
Loài hoa này không phải ai cũng biết, nó dùng búp hoa chưa nở của cây tân di. Theo đông y tân di hoa có vị cay tính âm, quy kinh Phế Vị có tác dụng phát tán phong hàn, thông khiếu và hạ áp hiệu quả.
Các sử dụng tân di hoa là phơi sấy khô rồi đem sắc nước uống. Thường kết hợp các vị thuốc khác để tăng tác dụng.
Như vậy để kiểm soát bệnh tăng huyết áp, ngăn ngừa các biến chứng thì việc sử dụng các loại trà hoa từ thiên nhiên cũng mang lại không ít hiệu quả, lại an toàn cho sức khỏe.