TRUYỀN THUYẾT HÀ THỦ Ô GIÚP ĐEN RÂU TÓC
Từ xưa có câu ca “Muốn cho xanh tóc đỏ da – Rủ nhau lên núi đáo hà thủ ô” vẫn lưu truyền tới tận ngày nay. Cho thấy tác dụng của hà thủ ô giúp cải lão hoàn đồng, cho râu tóc đen nhuận, da sáng hồng hào. Vậy truyền thuyết về hà thủ ô bắt nguồn từ đâu? Và tác dụng của hà thủ ô là gì? Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu về vị thuốc này!
1. Truyền thuyết hà thủ ô
Ngày xửa ngày xưa có một người đàn ông tên Hà sống ở một vùng nọ rất muốn có con. Ông làm thử nhiều cách, cố gắng để có con những không được. Các thầy lang tới khám đều bảo ông không thể có con được. Cũng chính vì vậy ông đâm ra chán nản, cảm thấy cuộc đời vô nghĩa. Ông uống rượu để quên sầu, ngày ngày ngập trong men say.
Vì rượu chè và tâm trạng chán chường khiến ông ngày càng trở nên già hơn, mới trạc tứ tuần mà mái tóc ông đã sớm bạc. Một ngày nọ, khi ông đã trạc tuổi ngũ tuần, sau một đêm say rượu ông tỉnh dậy và phát hiện có 2 dây leo quấn trên đầu. Ông thấy 2 dây leo quấn quýt nhau như dấu hiệu của cặp đôi yêu thương, nên cảm thấy bị hấp dẫn, cảm giác như trời Phật ban cho món quà quý giá. Ông liền đào cả rễ mang về hỏi người trong làng, nhưng không ai biết đó là cây gì.
Có một số người trêu đùa ông, bảo ông cứ ăn củ rễ cây này đi sẽ khỏe hơn. Ông đâu biết mọi người chỉ nói bông đùa cho vui, để trêu ông mà thôi. Ông tin theo và mỗi ngày ăn một ít rễ củ cây lạ. Cứ như vậy ngày qua ngày, sau vài tuần ông thấy cơ thể khỏe khoắn, da hồng hào hơn, cảm thấy khí huyết tràn đầy cơ thể. Ông cứ tiếp tục ăn và thấy tuổi xuân phơi phới, thấy như trở lại thời trai trẻ tráng kiện.
Sau đó ông Hà làm đám cưới với một người phụ nữ góa trong làng, họ chung sống hạnh phúc và có nhiều con cái. Tóc ông Hà mỗi ngày một đen trở lại và ông thọ đến hơn 100 tuổi. Từ đó mọi người đặt tên cho loài cây dây leo kia là Hà thủ ô có nghĩa là mái tóc đen của ông Hà như để cảm ơn người đã tìm ra vị thuốc quý cho đời sau.
2. Cây thuốc Hà thủ ô
- Danh pháp khoa học: Fallopia multiflora (Thunb.) Họ Rau Răm Polygonaceae
- Tên thường gọi: Thủ ô, dạ hợp, giao đằng
- Mô tả cây thuốc:
Thân leo, sống nhiều năm. Thân rễ phồng thành củ. Thân quấn, mọc xoắn vào nhau, mặt ngoài thân có màu xanh tía, nhẵn, có vân. Lá mọc so le, có cuống dài. Phiến lá hình tim, dài 4 - 8cm, rộng 2,5 - 5cm, đầu nhọn, mép nguyên hoặc hơi lượn sóng, cả hạị mặt đều nhẵn. Bẹ chìa mỏng, màu nâu nhạt, ôm lấy thân. Hoa tự chùm nhiều nhánh. Hoa nhỏ, đường kính 2mm, mọc cách xa nhau ở kẽ những lá bắc ngắn, mỏng. Bao hoa màu trắng, 8 nhụy (trong số đó có 3 nhụy hơi dài hơn). Bầu hoa có 3 cạnh, 3 vòi ngắn rời nhau. Đầu nhụy hình mào gà rủ xuống. Quả 3 góc, nhẵn bóng, đựng trong bao hoa còn lại, 3 bộ phận ngoài của bao hoa phát triển thành cánh rộng, mỏng, nguyên.
- Phân bố: mọc hoang ở khắp mọi nơi nhất là vùng đồi núi
- Bộ phần dùng: Rễ củ
- Chế biến: Củ rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo 2 ngày. Sau đó đem thái lát cho vào nồi cùng đỗ đen để đồ chín, rồi đổ ra phơi, phơi xong lại đem vào đồ như vậy cho đủ 9 lần (cửu chưng cửu sái). Cuối cùng đem hà thủ ô ra phơi thật khô là được.
- Tính vị: vị đắng, ngọt, hơi chát, tinh ấm. Quy kinh Can Thận
- Tác dụng: Bổ máu dưỡng huyết, nhuận tràng giải độc
- Ứng dụng lâm sàng: Điều trị các chứng thiếu máu, chữa tóc bạc sớm