CÁC VỊ THUỐC CHỮA BỆNH TỪ CÂY CAU QUEN THUỘC
Cây cau là loại cây quá đỗi quen thuộc, gần gũi với nông thôn Việt Nam. Cây cau gắn liền với văn hóa ăn trầu của người Việt. Không chỉ vậy, cây cau còn mang đến cho chúng ta các vị thuốc chữa bệnh hữu dụng. Cùng tìm hiểu những công dụng mà cây cau mang lại nhé.
1. Giới thiệu chung về cây cau
- Tên khoa học: Areca catechu L. Thuộc họ: Cau dừa (Arecaceae).
- Đặc điểm: Cau là cây dạng thân cột thẳng đứng, cao từ 10 – 12m có thể cao hơn 20m, đường kính trung bình từ 10 - 15cm, có nhiều đốt do sẹo của bẹ lá tạo thành. Hoa đực thì ở trên, nhỏ, màu trắng và thơm; hoa cái to hơn mọc ở dưới. Quả dạng hạch hình trứng hơi thuôn đầu, vỏ của quả nhẵn bóng, còn non có màu lục chín quả màu vàng, vỏ của quả giữa nhiều xơ.
- Các bộ phận dùng làm thuốc: Hạt cau (Binh lang), Vỏ quả cau (Đại phúc bì), Rễ cau, Hoa cau.
- Thành phần hóa học: Trong hạt cây cau có tanin. Tỷ lệ chất tanin trong hạt non chừng khoảng 70% nhưng khi chín thì chỉ còn 15 -20%. Ngoài ra còn có chất mỡ (14%) với các thành phần chủ yếu bao gồm: myristin 1/5, laurin ½, olein ¼, các chất đường gồm có: sacaroza, galactan 2%, manan và muối vô cơ. Hoạt chất chính của cau gồm 4 ancaloit: arecaidin C7H11NO2, guvaxin C6H9NO2 arecolin và guvacolin C7H11NO2, Arecolin (hay là CH, arecaidin) C8H13NO2 chiếm chừng từ 0,1-5%.
- Tác dụng dược lý: Dung dịch trong hạt cau có tác dụng độc đối với hệ thần kinh của giun sán, làm tê bại các cơ trơn của sán, tác dụng sau 20 phút khi thuốc vào tới ruột, con sán sẽ bị tê liệt thần kinh và không thể bám vào thành ruột của người được nữa. Arecolin gây ra chảy nước bọt rất nhiều. Nó còn làm cơ thể tăng bài tiết dịch vị, dịch tràng và có thể làm co nhỏ đồng tử. Chất Arecolin đồng thời còn có tác dụng làm tim đập chậm trừ khi là có mặt của thêm canxi, tăng nhu của động ruột, liều nhỏ có thể kích thích thần kinh, liều lớn sẽ gây liệt thần kinh.
2. Các bài thuốc từ hạt cau
- Tên vị thuốc: Binh lang.
- Bào chế: Tách vỏ hạt cau. Ngâm nước ủ mềm, cạo bỏ dưới đáy, thái nhỏ
- Tính vị: Vị đắng, cay, chát, tính ôn. Quy kinh Vị và Đại trường.
- Công dụng: Hạ khí, hành thuỷ, tiêu hoá, sát trùng (phá tích).
- Chủ trị: Chủ trị các chứng sán lãi, nhiều loại ký sinh trùng đường ruột, thực tích khí trệ, bụng đầy tiện bón, chứng tả lî mót rặn, phù (thủy thũng), cước khí sưng đau.
- Bài thuốc chữa giun sán: Hạt cau 30g, hạt bí ngô 30g. Sắc uống.
- Chữa trẻ chốc đầu: cau lượng vừa đủ, đem xay nhỏ phơi trong bóng râm cho khô, trộn dầu vừng để bôi.
- Kiện tỳ, khai vị. Chữa ăn không tiêu, đầy trướng, ợ chua: hạt cau 200g, đinh hương 10g, đậu khấu 10g, trần bì 20g, sa nhân 10g, muối 10g. Các vị thuốc trừ hạt cau nấu thành cao lỏng. Lấy hạt cau ra thái lát nhỏ uống 5-10g sau bữa cơm chiều bằng nước đã sắc.
3. Vị thuốc từ vỏ quả cau
- Tên vị thuốc: Đại phúc bì, là vỏ ngoài và vỏ giữa phơi khô của trái cau.
- Tính vị: vị cay tính ấm. Quy kinh: Tỳ, vị.
- Công dụng: Hành khí, lợi thủy, tiêu tích, đạo trệ.
- Chủ trị: Trị bụng trướng đầy, tiêu chảy, chân sưng phù, tiểu khó.
- Bài thuốc Trị phù thủng: Đại phúc bì, Bạch truật, Phục linh, Xa tiền tử, Mộc qua, Tang bạch bì, Ngũ gia bì, Trư linh, Trạch tả, Ý dĩ nhân, Lễ ngư, các vị bằng nhau, nếu suy nhược quá thêm Nhân sâm (Kinh Nghiệm Dân Gian).
- Chữa trướng bụng, đại tiểu tiện khó: 30g đại phúc bì, 30g hạt cau, 15g mộc hương, 60g mộc thông, 30g hạt mận, 60g vỏ cây dâu tằm, 60g hạt bìm bìm. Tán tất cả thành bột mịn. Mỗi lần dùng lấy 12g bột cùng 3 lát gừng tươi, 2 củ hành tươi, sắc kỹ với nước, lọc bỏ bã, uống khi còn ấm. Uống liên tục đến khi đại tiểu tiện thông được.
4. Bài thuốc từ rễ cau, hoa cau
- Rễ cau từ lâu được dùng để cải thiện chức năng sinh lý cho phái mạnh, do rê cau giúp lưu thông máu đến dương vật tốt hơn, tăng sự cương cứng của dương vật, tốt hơn, duy trì lâu hơn. Người ta dùng rễ trắng của cau, rễ non phần nổi lên mặt đất, lấy được hướng Đông là tốt nhất. Đem sao vàng sắc uống hoặc ngâm rượu uống. Tuy nhiên, dùng rễ cau lâu ngày gây tổn hại đến khí.
- Hoa cau được dùng không phổ biến như hạt cau hay vỏ cau, thông thường người ta sử dụng hoa cau để bổ tì, trị đầy bụng, khó tiêu: 4 lạng hoa cau cắt thành đoạn nhỏ, nỏ cuống, ngâm với nước muối, vớt ra để ráo. Lấy 2.5 lạng sườn chặt miếng, trần nước sôi, để ráo.
Có thể thấy cây cau trong y học có nhiều tác dụng quý báu. Tuy nhiên, quý độc giả không nên tự ý sử dụng khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.