CÁC VỊ THUỐC TỪ SỪNG ĐỘNG VẬT CÓ THỰC SỰ TỐT NHƯ MỌI NGƯỜI NGHĨ?
Từ lâu dân gian đã truyền miệng về tác dụng chữa bách bệnh của sừng tê giác và các loại sừng động vật khác, vậy thực hư chuyện này như thế nào. Các vị thuốc từ sừng động vật như sừng trâu, sừng dê, sừng tê giác có tác dụng tốt đối với sức khỏe, có thể chữa bệnh được không? Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu về các vị thuốc này.
1. Sừng tê giác
Sừng tê giác được sử dụng ở Việt Nam để chữa bệnh từ rất lâu đời, một phần do ảnh hưởng của Trung Quốc. Nó là sừng của con tê ngưu – một loài động vật đang đứng trước nguy cơ tiệt chủng vì nạn săn bắt lấy sừng.
Không giống với các loài động vật khác, sừng tê giác mọc ở ngoài da chứ không phải từ trong xương. Thành phần của nó là những tổ chức lông liên kết lại nên rất khó mài hay cưa, chể thì dễ. Đối với bản thân con tê giác thì chiếc sừng này đảm nhiệm chức năng bảo vệ chống kẻ thù, giải độc cơ thể. Theo một số chuyên gia, khi ăn thức ăn có độc thì tê giác đào thải chất độc qua da và qua sừng. Chính vì vậy hàng ngày nó thường cà sừng vào cây rồi mới ăn, để tránh ăn phải những cây có độc. Một số truyền thuyết còn kể người dân sống trong rừng thường chọn các khe suối có dấu chân tê giác để uống nước, vì tê giác thường cắm sừng xuống kiểm tra nếu không độc nó mới uống.
Theo dong y sừng tê giác có vị đắng, tính hàn quy vào 3 kinh Tâm, Can, Vị. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, trấn kinh an thần. Sừng tê giác được sử dụng trong điều trị các chứng như sốt cao, co giật, hôn mê phát ban…
Nhiều người đồn thổi sừng tê giác chữa được bách bệnh, đặc biệt là ung thư, bồi bổ sức khỏe. Thực ra là do mọi người trục lợi để kiếm tiền, sừng tê giác không có những tác dụng này.
2. Sừng trâu (thủy ngưu giác)
Trâu là một con vật quen thuộc đối với người nông dân Việt Nam, rất nhiều bộ phận của trâu có thể sử dụng để chữa bệnh như thịt trâu, da trâu, mật trâu, cao xương trâu… Trong đó sừng trâu chính là bộ phận quý nhất, thường sử dụng phần chóp phía trên của sừng trâu.
Theo đông y sừng trâu có vị đắng, mặn, hơi chua, tính hàn quy kinh Tâm, Can, Vị, có tác dụng thanh huyết nhiệt, giải ôn độc, định kinh. Sừng trâu được sử dụng thay thế sừng tê giác, được đánh giá là có tác dụng tương đương. Ứng dụng trong các trường hợp sốt cao, sốt vàng da, đổ máu cam, mụn nhọt, đinh độc…
Cách sử dụng là tán bột uống hoặc mài pha nước uống.
3. Sừng linh dương (Linh dương giác)
Sừng linh dương cũng được sử dụng làm thuốc từ lâu, theo mô tả nó có hình chùy tròn dài khoảng 30cm, hơi cong. Nhiều người sử dụng sừng dê rừng với tác dụng tương tự.
Theo Đông y linh dương giác có vị mặn, tính hàn. Vào các kinh tâm và can. Có tác dụng bình can, tức phong, trấn kinh thanh nhiệt; ngoài ra, có tác dụng giải độc, an thần. Trị sốt cao, kinh giật, kinh quyết, điên cuồng, đau đầu chóng mặt, mắt sưng đỏ, ôn độc, hôn mê, phát ban, ung nhọt.
Sừng linh dương là những thuốc chủ yếu trị bệnh sốt nóng giúp thanh can nhiệt để tức phong.
Cách sử dụng sừng linh dương cũng tương tự các loại sừng trên, có thể mài với nước cho uống, sắc nước uống hoặc đốt tồn tính rồi hòa với rượu. Tùy theo mục đích điều trị mà có thể sử dụng theo các cách khác nhau.
Như vậy tác dụng của các loại sừng trâu, sừng tê giác và sừng linh dương cũng tương tự và có thể thay thế cho nhau. Vì vậy không nhất thiết phải tốn nhiều tiền mua sừng tê giác, gây nguy hại cho loài vật đang dần tiệt chủng này.
Bác sĩ: Thúy Hường (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về sức khỏe mời quý vị liên hệ nhà thuốc Thọ Xuân Đường.
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282