CẨU KỶ TỬ - THÁNH DƯỢC BỔ ÍCH CAN THẬN, TỐT CHO NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG
Cẩu kỷ tử là vị thuốc phổ biến trong dong y, nó được coi là thánh dược giúp bổ can, thận, ích tinh sinh huyết. Vị thuốc này thường có mặt trong các thang thuốc, hoãn tễ, giao lễ, món ăn bài thuốc chữa bệnh và bồi bổ cơ thể. Ngày nay, các nhà khoa học trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng dược lý, trong đó có tác dụng làm hạ đường huyết, giảm biến chứng trên bệnh nhân đái tháo đường.
Cây Cẩu kỷ (Lycium barbarum L. chinense) có tên tiếng Anh của Cẩu kỷ là Goji là là phát âm gần giống với tiếng Trung Quốc “Guo qi zi” 枸杞子 tức là Cẩu kỷ tử. Ngoài ra, còn có các tên khác như Thiên Tinh, Khước Lão, Địa Tiên. Các bộ phận khác nhau được dùng làm thuốc như quả chín (Cẩu Kỷ Tử), lá (Thiên Tinh Thảo), vỏ rễ (Địa Cốt Bì).
Cẩu kỷ là loại cây bụi mọc đứng, phân thành nhiều cành mảnh, cao từ 0,5-1,5m. Lá nhẵn, cuống ngắn, phiến lá hình bầu dục. Hoa nhỏ, đài nhẵn, hình ống, có 5 cánh, màu tím nhạt. Quả mọng hình trứng, khi chín màu đỏ tươi, hoặc đỏ cam. Hạt dẹp. Quả được thu hái hàng năm vào tháng 8 – 9. Vị thuốc Cẩu kỷ từ là quả chín đỏ hái vào sáng sớm hay chiều mát, phơi trong bóng râm cho đến khi thật khô.
1. Mô tả dược liệu
Vị thuốc Cẩu kỷ tử hình bầu dục có kích thước 0,5-1cmx0,2cm. Có màu đỏ tươi, mặt ngoài nhăn teo bên trong có nhiều hạt dẹp màu vàng, ở đầu có vết của cuống quả, không mùi, vị ngọt hơi chua.
2. Thành phần hóa học
Cẩu kỷ tử có thành phần chủ yếu là Betain (3,96mg trong 100g quả), nhiều loại Acid amin, Polysaccharid, Vitamin B1, B2, Vitamin C, Acid nicotinic, Ca, P, Fe...
Các hoạt chất sinh học có trong Cẩu kỷ tử như: Polisaccharid, Glycopeptide giúp điều chỉnh rối loạn chuyển hóa Lipid, đồng thời ức chế Enzyme Aldose reductase (Enzyme gây tích lũy Sorbitol trong tế bào), nó chính là một trong những nguyên nhân gây nên biến chứng ở người bệnh đái tháo đường.
3. Tác dụng dược lý
- Cẩu kỷ tử có tác dụng tăng cường miễn dịch không đặc hiệu. Trên động vật thực nghiệm có tác dụng tăng cường khả năng thực bào của hệ lưới nội mô, khả năng thực bào của đại thực bào, tăng hoạt tính của Enzyme dung khuẩn huyết thanh, tăng số lượng và hiệu giá kháng thể.
- Cẩu kỷ tử có tác dụng tăng cường khả năng tạo máu của chuột nhắt trên thực nghiệm.
- Cẩu kỷ tử có tác dụng hạ Cholesterol của chuột cống trên thực nghiệm, chất Betain trong dược liệu có tác dụng hạ mỡ máu, hạ đường huyết.
- Chất chiết xuất nước của Cẩu kỷ tử có tác dụng hạ huyết áp, ức chế nhịp tim, tăng nhu động ruột.
- Nước sắc Cẩu kỷ tử có tác dụng tăng co bóp tử cung cô lập của thỏ.
- Cẩu kỷ tử có tác dụng ức chế tế bào ung thư đối với chuột nhắt S180, ức chế tế bào ung thư trong ống nghiệm. Lá, quả và cuống quả của Kỷ tử có tác dụng ức chế tế bào ung thư ở người (nghiên cứu của trên Cẩu kỷ tử Ninh Hạ, Trung Quốc).
4. Vị thuốc Cẩu kỷ tử theo đông y
Theo y học cổ truyền, Cẩu Kỷ Tử vị ngọt tính bình. Có tác dụng nhuận phế thanh can, tư thận ích khí, sinh tinh trợ dương, chữa hư lao, cường cân cốt, khư phong minh mục (can âm hư sinh nội nhiệt, nhiệt cực sinh phong, kinh quyết âm can có đường đi lên mắt, kỷ tử thanh can, làm sáng mắt, mắt thuộc can, đồng tử thuộc thận), lợi đại tiểu trường, do nó có tính nhuận.
Được thuốc bổ toàn thân, làm hạ mỡ máu, hạ đường máu, hạ huyết áp, bảo vệ gan, làm chậm lão suy, dùng để chữa cho những bệnh nhân suy nhược cơ thể, can thận âm suy, tinh huyết kém, suy nhược thần kinh, sa sút trí tuệ, hoa mắt, thị lực giảm, di tinh, đái tháo đường.
5. Cách dùng cẩu kỷ tử cho bệnh nhân tiểu đường
Ứng dụng kết hợp các tác dụng dược lý đã được chứng minh và các giá trị lý luận y học cổ truyền người ta đã có những phương thuốc dành cho bệnh nhân đái tháo đường như sau:
- Cẩu kỷ tửu: Dùng 600g Cẩu kỷ từ (giã nhỏ) ngâm trong 2 lít rượu 35 độ trong 2 tuần trở lên trở thành thuốc hạ đường huyết. Ngày uống 1 – 2 chén con (20 – 40ml).
- Nước sắc Cẩu kỷ tử: Dùng Cẩu kỷ tử 6-12g kỷ tử sắc nước uống mỗi ngày 1 lần. Có tác dụng hạ đường huyết hiệu quả.
- Trà Địa cốt bì: Địa cốt bì 10-15g sắc uống như trà mỗi ngày. Dùng trong trường hợp hư lao triều nhiệt, đạo hãn, hen suyễn, thổ huyết, nục huyết, tiện huyết, tiêu khát, huyễn vựng, sang giới.
- Trà tiêu khát Địa cốt bì, Cẩu kỷ tử: Sắc chung Địa cốt bì 20g, Cẩu kỷ tử 20g uống mỗi ngày, thích hợp cho bệnh nhân tiêu khát.
Địa cốt bì (vỏ rễ) và Cẩu kỷ tử (quả) tuy cùng từ một loại cây là 2 vị thuốc khác nhau. Địa cốt bì có vị đắng (khổ), hàn, có tác dụng thanh lý hư nhiệt trong can thận, ích tinh khí, trị thổ huyết, niệu huyết, cốt chưng. Cẩu kỷ tử thì vị ngọt, tính bình, có tác dụng làm hạ đường huyết và có nhiều chất bổ dưỡng giúp nhuận phế, dưỡng can, bổ thận, sáng mắt (minh mục). Kết hợp 2 vị thuốc này lại thì chữa được chứng tiêu khát có biểu hiện miệng khô, khát nước với tác dụng sinh tân và làm cho cơ thể hết mệt mỏi. Ngoài sử dụng riêng như trên, Cẩu kỷ tử, Địa cốt bì còn được thêm vào các bài thuốc cổ phương, đối pháp lập phương ứng với từng thể bệnh của đái tháo đường theo y học cổ truyền.
Tiến sĩ - Lương Y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ nhà thuốc, các bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh, thuốc và quy trình khám chữa bệnh!
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282