CÂY HÀM XÌ – VỊ THUỐC GIÚP HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ LIỆT DƯƠNG, ĐAU NHỨC XƯƠNG KHỚP
Cây hàm xì hay còn gọi với tên cây tóp mỡ lá to, niễng cái,… là loại cây mọc hoang rất nhiều tại khắp các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên ít ai biết rằng, loại cây mọc hoang này lại có công dụng chữa bệnh tuyệt vời khi được sử dụng trong các bài thuốc hỗ trợ điều trị chứng liệt dương, bán thân bất toại, đau nhức xương khớp rất hiệu quả. Vậy, cây hàm xì được sử dụng làm thuốc như thế nào, hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu nhé!
Mô tả dược liệu
Cây hàm xì hay còn gọi cây tóp mỡ lá to, niễng cái, có tên khoa học là Flemingia macrophylla (Willd.) Merr hay Moghania macrophylla (Willd.), Kuntze, thuộc họ Đậu - Fabaceae. Đây là loài cây bụi, thường cao không quá 4 m, cây nhỏ cao trung bình 1 - 2m, thân tròn ở gốc, có 3 cạnh ở trên, các phần non có lông hoe dầy. Lá kép có 3 lá chét, bản lá to hình mũi mác, dài 10 - 14cm, có lông mịn trên các đường gân ở cả hai mặt lá. Hoa mọc thành cụm, không có cuống hoa và có lông màu vàng hung. Màu hoa đỏ hoặc tím, dài 7-8mm. Quả thuộc dạng quả đậu và cũng có lông nhung dài 10-15mm, hạt đen, hình cầu 2mm. Cây hàm xì ra hoa kết quả từ tháng 5 - 10.
Bộ phận sử dụng: Lá và rễ
Phân bố: Cây mọc tự nhiên ven sông suối, lùm bụi, đồng cỏ, savan già, trong rừng thưa ở nhiều nơi khắp nước ta từ Lạng Sơn đến thành phố Hồ Chí Minh.
Thu hái và chế biến: Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô dùng. Còn lá thu hái quanh năm, dùng tươi.
Thành phần hóa học: Cây hàm xì có chứa flemingin, flemingin vô định hình và homoflemingin.
Các nghiên cứu về tác dụng dược lý của cây hàm xì
Cây hàm xì có chứa hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, chiết xuất nước từ rễ cây hàm xì có tác dụng chống oxy hóa đáng kể.
Có tác dụng bảo vệ gan: Theo tạp chí The American Journal of Chinese Medicine, chiết xuất nước từ cây hàm xì cho thấy tác dụng chống lại tổn thương gan do CCl 4 gây ra (thông qua cơ chế chống oxy hóa).
Có tác dụng đối với xương: Theo tạp chí Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine, kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy trong cây hàm xì có các hoạt chất giúp ức chế quá trình hủy tế bào xương tủy, vì vậy, nó ngăn chặn được sự mất xương ở chuột cái bị cắt buồng trứng và cho thấy tác dụng cải thiện sự mất xương (cũng như tiềm năng làm thuốc điều trị loãng xương).
Có tác dụng giảm đau: Theo tạp chí Bangladesh Pharmaceutical Journal, chiết xuất thô từ cây hàm xì có hoạt tính giảm đau ngoại vi đáng kể.
Vị thuốc từ cây hàm xì
Theo Đông y, rễ cây hàm xì có vị ngọt, nhạt, chát, tính bình, có tác dụng khu phong hoạt huyết, thư cân hoạt lạc, mạnh gân cốt chủ trị các chứng đau nhức xương khớp do phong thấp gây ra, bán thân bất toại, liệt dương. Còn lá cây hàm xì có tác dụng tiêu viêm, giảm sưng chủ trị các chứng đòn ngã sang thương tụ máu, viêm nhiễm.
Liều lượng và cách dùng
Dùng rễ cây hàm xì hàm lượng từ 30-60g dưới dạng khô, 100g dạng tươi, còn lá cây hàm xì dùng tươi nên có thể dùng đến 100-200g.
Cách dùng rễ cây hàm xì: Chuẩn bị 30 – 60 g rễ cây hàm xì khô, rửa sạch, sắc với 2 lít nước, đun sôi nhỏ lửa 10-15 phút, gạn nước sắc uống chia 2 lần mỗi ngày. Hoặc chuẩn bị 100g rễ cây hàm xì tươi rửa sạch, giã nát rồi đem đắp vào vùng bị viêm nhiễm, sưng tấy.
Cách dùng lá cây hàm xì: Chuẩn bị 100g – 200g lá tươi cây hàm xì, rửa sạch, để ráo, sau giã nát rồi làm thuốc đắp ngoài ra để giúp kháng khuẩn, tiêu viêm, giảm sưng tấy và điều trị sang thương, đòn ngã tụ máu.
Trên đây là những công dụng và cách dùng của cây hàm xì, tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý sử dụng do liều lượng và đặc tính của cây thuốc có thể thay đổi tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người. Hãy sử dụng khi đã trao đổi hoặc hỏi ý kiến của thầy thuốc điều trị nhé!
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282