CÂY TRÂU CỔ VÀ NHỮNG CÔNG DỤNG CHỮA BỆNH TUYỆT VỜI
Cây trâu cổ là dạng cây dây leo thường mọc trên các vách đá ở khắp các vùng miền núi phía bắc nước ta, nhiều nơi còn trồng cây này ở bờ tường, bờ rào quanh nhà để làm cảnh. Thân, cành, lá và quả của cây trâu cổ đều có tác dụng dược lý nên được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh, đặc biệt chủ trị các chứng liệt dương, di mộng tinh, đau nhức xương khớp, tia sữa tắc và tuyến vú sưng đau,… rất hiệu quả. Vậy, cây trâu cổ được sử dụng làm thuốc như thế nào, hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu nhé!
Mô tả dược liệu
Cây trâu cổ còn có nhiều tên khác như vẩy ốc, xộp, sung thằn lằn, cơm lênh, vương bất lưu hành (quả cây trâu cổ), có tên khoa học là Ficus pumila L., thuộc họ dâu tằm - Moraceae. Là cây thuộc loại dây leo, mọc bám nhờ rễ phụ, cành ngắn và mềm, màu nâu, lúc non có lông, sau nhẵn. Lá mọc so le, lá ở cành sinh sản, hình bầu dục hoặc hình trứng, dàl 5-7cm, rộng 2,5-4,5cm, gốc lá tròn hoặc hơi hình tim, đầu tù, hoặc hơi nhọn, hai mặt lá nhẵn, mép nguyên, gân gốc có 3-5 nơi gồ ở mặt dưới, gân phụ tạo thành mạng thưa. Cuống lá dài 1,5-1,8cm, có lông hung, lá kèm có lông. Lá ở cành không sinh sản hình vẩy ốc, gốc lệch, mọc áp sát vào thân cây chủ, dài 2,5-3cm, cuống ngắn 2-3mm. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, hoa đực mọc nhiều tập trung ở gần đỉnh, dài 2-3 răng nhị 2, bao phấn hẹp, hoa cái có 4 lá dài, không bằng nhau, bầu thuôn dài cong. Quả phức to, hình chóp ngực, đầu bằng, dài 3,5cm, dày 3cm, nhẵn, màu tím khi chín, cùi nạc và mềm xốp.
Khu vực phân bố: Cây trâu cổ là dạng cây dây leo thường mọc trên các vách đá, nhiều nơi còn trồng cây này ở bờ tường, bờ dào quanh nhà để làm cảnh. Cây phân bố ở khắp các vùng miền núi ở nước ta, đặc biệt vùng núi phái bắc.
Bộ phận dùng: Lá cành thân (Còn gọi là Bị lệ lạc thạc đằng) và quả (Vương bất lưu hành) đều được dùng làm thuốc, nhiều nơi còn dùng cả rễ và nhựa mủ của cây.
Thành phần hoá học: Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, quả, lá và thân trâu cổ có chứa các chất như inositol, rutin, β-sitosterol, β-amyrin acetate, taraxeryl acetate, plasmagel. Đặc biệt thành phần polysaccharid của quả trâu cổ có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch và ức chế nhiều dòng tế bào ung thư.
Vị thuốc từ cây trâu cổ
Theo Đông y, quả trâu cổ có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ thận, tráng dương cố tinh, lợi thấp thông sữa, dùng để trị lỵ lâu ngày sinh lòi dom, kinh nguyệt không đều, ít sữa, tắc tia sữa, viêm tinh hoàn, phong thấp, ung thũng, cũng dùng cho người bệnh di tinh, liệt dương, đái ra dưỡng trấp.
Cành và thân trâu cổ có vị hơi đắng tính bình, cùng với rễ có tác dụng khu phong hoạt lạc, hoạt huyết giải độc, dùng để trị phong thấp tê mỏi, sang độc, ung nhọt và kinh nguyệt không đều.
Lá trâu cổ có vị hơi chua, chát, tính mát, có tác dụng tiêu thũng giải độc, được dùng trị viêm khớp xương, nhức mỏi chân tay, đòn ngã tổn thương, cũng dùng trị đinh sang, ngứa lở. Dân gian còn dùng nhựa cây để bôi ghẻ lở, hắc lào.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây trâu cổ
Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp, tăng cường tiêu hóa, điều kinh và bồi bổ sức khỏe
Cách dùng: Quả cổ 15g, cành lá trâu cổ 30g, thân cây trâu cổ 10g, tất cả các vị đều dùng ở dạng tươi, rửa sạch các vị trên sắc với 700ml sắc lại còn 350ml nước chia làm 2 lần uống trong ngày.
Bài thuốc chữa tắc tia sữa, sản phụ ít sữa, vú sưng đau
Cách dùng: Lá mua, bồ công anh mỗi thứ 15g và quả trâu cổ 40g. Đem các vị trên rửa sạch sắc nước uống hằng ngày. Đồng thời dùng lá bồ công anh giã nát, thêm giấm vào và chưng nóng, sau đó chườm và đắp lên vú để giảm sưng đau.
Bài thuốc chữa chứng di tinh và rối loạn cương dương
Cách dùng: Dùng quả trâu cổ (vương bất lưu hành) và dây sàn xạt mỗi thứ 12g, sắc với 500ml nước còn 250ml, chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc chữa chứng lòi dom (bệnh trĩ) và lỵ lâu ngày
Cách dùng: Chuẩn bị Quả trâu cổ 15 – 20g, sắc với 500ml nước cạn còn 250ml nước sắc, ngày dùng 3 lần và uống trước khi ăn.
Bài thuốc chữa bệnh viêm khớp, thấp khớp mãn tính
Cách dùng: Chuẩn bị tang chi 10g, dây đau xương 10g, lá lốt 10g, thiên niên kiện 10g, rễ gấc 10g, cành, lá và thân trâu cổ 20g, dây rung rúc 12g, rễ tầm xuân 20g, rễ cỏ xước 20g và phục linh 20g. Đem các vị trên cho vào nồi sắc 2 lần và lấy 400ml nước, sau đó đun nhỏ lửa cho cô lại thành cao. Đem cao hòa với rượu và chia đều thành 3 lần dùng trong ngày.
Tác dụng của cây trâu cổ có thể chữa được nhiều chứng bệnh mà nhiều người không thể ngờ tới nhưng lại rất hiệu quả. Tuy nhiên để tránh các rủi ro khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng để được tư vấn các bài thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282