CỎ TAI HÙM - THẢO DƯỢC QUÝ ÍT NGƯỜI BIẾT ĐẾN
Cỏ tai hùm hay còn gọi cây cúc hôi, tiểu bồng thảo, là cây thân thảo thường mọc hoang hóa tại các vùng đồi trống cho tới núi cao. Ít ai biết rằng, đây lại là loại dược liệu có rất nhiều công dụng chữa bệnh đến không ngờ như cầm máu, chữa băng huyết, rong kinh, mụn nhọt sang thương, viêm phế quản, viêm bàng quang… Hãy cùng Nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu nhiều hơn nữa về các công dụng của loại thảo dược này nhé!
Mô tả dược liệu
Cỏ tai hùm hay còn gọi ngải dại, lưỡi hùm, cúc hôi, cúc voi, tiểu bồng thảo, có tên khoa học là Conyza canadensis (L.) Cronq, họ Asteraceae (Cúc). Là cây thảo mọc hàng năm cao 1-2m, có thân thẳng, phân nhánh ở phần trên, có lông nhung trắng. Lá ở phía gốc xếp hình hoa thị, dạng trái xoan ngược dài, thường có răng, thót lại rất dài thành cuống, có khi dài tới 10cm. Các lá trên hình dải rộng, thường xuyên, không cuống, có lông nhung ở mặt dưới, càng lên cao càng nhỏ dần. Cụm hoa hình đầu, rộng 3-5mm, xếp rất nhiều cái thành chùy kép. Hoa ở mép là hoa cái, hình môi, hoa ở giữa là hoa lưỡng tính, hình ống. Quả thuôn có 2 gờ bên, hơi hoặc có lông nhung ngắn, dài 1,5mm, có mào lông trắng ở đỉnh. Mùa hoa thường bắt đầu nở từ tháng 7 và tàn vào tháng 10.
Bộ phận dùng: Phần thân trên mặt đất có hoa
Phân bố và thu hái: Cỏ tai hùm gốc ở Bắc Mỹ nay phát tán rộng rãi khắp toàn cầu. Cũng gặp ở nhiều nơi khắp nước ta, thường gặp ở chỗ hoang ráo, đồi trống cho tới núi cao (rừng thông Tây Nguyên). Thu hái toàn cây quanh năm, lúc cây bắt đầu ra hoa, sau đó dùng tươi hoặc phơi khô.
Thành phần hoá học: Cỏ tai hùm chứa acid tannic, acid gallic, một lượng nhỏ tinh dầu (0,33%-0,66% của cây tươi hoặc 0,20% củ cây khô). Thành phần chính của tinh dầu là d-limonen, d-a-terpineol, methylethyl-acetat của terpineol; các aldehyd (citronellal), ether matricaric, các polyin và một cumulen. Các steroid đã xác định được là stigmastenol, stigmastadienol và các ceton tương ứng, spinasterol, b-sitosterol và các dẫn xuất.
Tác dụng dược lý của cỏ tai hùm
Hoạt tính chống viêm: Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất petroleum ether và chiết xuất ethanolic từ cành lá cây cỏ tai hùm có tác dụng chống viêm đáng kể trên mô hình chuột bị viêm phù (do carrageenin và formalin gây ra)
Hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm: Theo tạp chí Journal of Enzyme Inhibition and Medicinal Chemistry, kết quả nghiên cứu cho thấy trong cây cỏ tai hùm có hoạt chất giúp kháng khuẩn và kháng nấm đáng kể.
Hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí Platelets, chiết xuất polysaccharide từ cây cỏ tai hùm có tác dụng chống oxy hóa và có lợi trong việc ngăn ngừa các bệnh về viêm nhiễm, tim mạch.
Hoạt tính chống khối u: Theo tạp chí Medicinal Chemistry Research, chiết xuất ethyl acetate and petroleum ether từ cây cỏ tai hùm có tác dụng chống lại các tế bào Hep-2 (tế bào ung thư thanh quản ở người).
Hoạt tính chống virus: Theo tạp chí African Journal of Biotechnology, chiết xuất butanol và methanol từ các bộ phận trên không của cây cỏ tai hùm có tác dụng chống lại virus cytomegalovirus (HCMV) AD-169 và Cox-B3.
Hoạt tính chống trầm cảm và chống lo âu: Theo tạp chí Plants, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất nước từ cỏ tai hùm chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa, chống lo âu và chống trầm cảm.
Vị thuốc từ cỏ tai hùm
Theo Đông y, cỏ tai hùm có chứa tinh dầu nên có mùi thơm, vị cay, tính ấm và được dùng làm thuốc với rất nhiều công dụng như cầm máu, làm mạnh ống tiêu hóa, cầm ỉa chảy, lợi tiểu, làm dịu cơn đau, long đờm và chóng liền sẹo. Nên chủ trị các chứng như thống phong, viêm đau khớp cấp tính, băng huyết, kinh nguyệt quá nhiều, đặc biệt là thời kỳ mãn kinh, chảy máu cam, đái ra máu, viêm phế quản, viêm gan, viêm túi mật, viêm bàng quang và tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, cỏ tai hùm dùng ngoài trong bệnh đau mắt, phát ban, nấm và cũng dùng làm tóc chóng mọc.
Liều lượng và cách dùng
Cỏ tai hùm thường được dùng dưới dạng bột, nước hãm, cồn thuốc và cao.
Cách dùng dưới dạng hãm trà: Lấy 20 g cành lá tươi rửa sạch, xắt nhỏ rồi hãm trong 1 ly nước sôi, sau đó đợi 24 tiếng thì chắt lấy nước uống, dùng giữa các bữa ăn.
Dùng ngoài da: Lấy lá cây cỏ tai hùm rửa sạch, giã nát hoặc say nhuyễn đắp lên vùng da bị nhiễm nấm hoặc mụn nhọt chưa vỡ.
Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được dùng.
BS Thu Thủy
Để được tư vấn về các vấn đề sức khỏe vui lòng liên hệ
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Số 5 - 7 Khu tập thể Thủy sản, Ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hotline: 0943986986 - 0937638282