CÙNG TÌM HIỂU VỀ CÂY CAM THẢO BẮC
Cam thảo là một vị thuốc rất thông dụng trong đông y và tây y. Tuy nhiên ở nước ta, tên Cam thảo dùng để chỉ 3 vị thuốc khác nhau :
- Cam thảo bắc
- Cam thảo dây
- Cam thảo nam
Sau ngày giải phóng miền nam 1975 người ta còn dùng cây sóng rắn với tên Cam thảo.
1. CAM THẢO BẮC
A. ĐẶC ĐIỂM
Còn có tên là bắc cam thảo, cam thảo, sinh cam thảo, quốc lão. Tên khoa học Clycyrrhiza uralensis Fish và Glycyrrhiza glabra
Cam thảo là rễ và thân rễ phơi hay sấy khô của cây cam thảo nguồn gốc vùng Uran hay cam thảo Châu Âu.
Tên Cam thảo vì Cam là ngọt, thảo là cỏ. Cỏ có vị ngọt.
B. MÔ TẢ CÂY
Cây cam thảo là một cây sống lâu năm thân có thể cao tới 1m hay 1,5m. Toàn thân cây có lông rất nhỏ, lá kéo lông chim lẻ, lá chét 9 – 17, hình trứng, đầu nhọn mép nguyên. Vào mùa hạ và mùa thu nở hoa màu tím nhạt, hình cánh bướm dài 14 – 22mm. Qủa giáp cong hình lưỡi liềm dài 3 – 4cm, rộng 6 – 8cm, màu nâu đen, mặt quả có nhiều lông. Trong quả có 2 – 8 hạt nhỏ dẹt, đường kính 1,5 – 2mm màu xám nâu, hoặc xanh đen nhạt, mặt bóng. Tại Trung Quốc mùa hoa tháng 6 – 7, mùa quả tháng 7 – 9.
C. PHÂN BỐ, THU HÁI và CHẾ BIẾN
Cây cam thảo bắc trước đây không có ở nước ta. Từ năm 1958 chúng tôi đã trồng thử một số bằng những hạt giống của loài Glycyrrhiza uralensis do Liên Xô cũ cung cấp. Cây mọc khoả vào xuân hạ và thu. Đến mùa đông thì lụi đi hoặc kém phát triển. Sang năm sau cây lại mọc tốt. Lượng hoạt chất trong rễ mỗi năm mỗi tăng. Tuy nhiên sau 3 năm cây vẫn chưa ra hoa.
Trồng bằng hạt hoặc bằng thân rễ. Sau 4 – 5 năm trở lên có thể thu hoạch. Đào rễ và thân rễ vào mùa xuân hoặc thu đông. Nhưng mùa thu đông cam thảo tốt hơn. Mỗi hecta có thể thu hoạch 8 – 10 tấn. Vì là một cây lâu năm mới thu hoạch cho nên trong 2 – 3 năm đầu người ta trồng xen các cây thực phẩm. Khi đào thường người ta chỉ lấy rễ, nhưng nhiều khi lấy cả thân rễ. Thân rễ rất dài, có khi tới 7 – 8m
Sau khi đào rễ, người ta xếp thành đống để cho hơi lên men, làm cho rễ có màu vàng sẫm hơn, là màu người ta chuộng. Tại Liên Xô cũ, Trung Quốc và nhiều nước khác cây cam thảo mọc hoang và trở thành một thứ cỏ khó diệt trừ, chỉ một mẩu thân rễ có thể trở thành một vụi cam thảo và cứ như vậy lan ra rộng mãi.Những khu vực cam thảo mọc hoang là những nơi có đất khô, đất có canxi, đất cát, đất cát vàng. Những nơi có đất đen cứng chắc, kềm tính và độ ẩm thấp thì chất lượng cam thảo kém hơn nhiều xơ, ít bột, ít ngọt, rễ mọc cong queo.
2. TÁC DỤNG CỦA CAM THẢO BẮC
Trước đây Tây y chỉ coi cam thảo như một vị thuốc phụ có tác dụng hỗ trợ, làm cho đơn thuốc dễ uống, trái lại Đông Y coi vị cam thảo có khả năng chữa rất nhiều bệnh và dùng trong hầu hết các đơn thuốc.
Trong nhiều công trình nghiên cứu vai trò của cam thảo rất được chú ý đến, nhiều kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên lâm sàng đã chứng minh kinh nghiệm cổ truyền của nhân dân.
- Tác dụng giải độc của cam thảo
- Tác dụng như coctison
- Tác dụng đối với vị toan (Nước chua của dạ dày) : Tác dụng giảm vị toan do tác dụng trực tiếp chứ không phải do phản xạ.
- Tác dụng giảm co thắt (Spasmolytique) đối với cơ trơn ống tiêu hoá.
- Tác dụng của nội tiết tố sinh dục.
- Một số tác giả còn cho rằng cam thảo có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm , chữa táo bón.
3. CÔNG DỤNG và LIỀU DÙNG
Cam thảo là một vị thuốc rất thông dụng trong đông y và tây y. Ngoài ra nó còn được dùng trong kỹ nghệ thuốc lá, nước giải khát và chế thuốc chữa cháy.
Theo tài liệu cổ : Cam thảo có vị ngọt, tính bình (sau khi nướng thì tính hơi ôn) vào 12 đường kinh. Có tác dụng bổ tỳ vị, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc, điều hoà các vị thuốc. Muốn thanh hoả thì dùng sống, muốn ôn trung thì nướng. Nướng lên chữa tỳ hư mà ỉa lỏng, vị hư mà khát nước, phế hư mà ho. Dùng sống chữa đau họng, ung thư.
Ai cũng biết đường Saccaroza, chất ngọt được tiêu thụ nhiều nhất trong khẩu phần dinh dưỡng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nước ngọt nhưng ai cũng biết là ăn nhiều đường dễ mập, dễ hư răng, nguy hiểm đối với người mắc bệnh tiểu đường. Cho nên một hướng tìm tòi là thay vì ăn đường saccaroza, tìm một chất ngọt khác mà cơ thể không thể biến đường được. Trên hướng đó người ta đã dùng đường hoá học, saccarin, ngọt gấp 300 – 400 lần saccaroza, glycyrrhizin của cam thảo ngọt gấp 50 lần đường.
Trong y học ngoài công dụng làm cho thuốc ngọt dễ dàng, làm tá dược chế thuốc viên, thuốc ho, thuốc giải độc, hiện nay cam thảo có hai công dụng chủ yếu
- Chữa loét dạ dày và ruột. Ngày uống 3 – 4 g chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống luôn 7 – 14 ngày. Sau đó nghỉ vài ngày để tránh hiện tượng phù nề, nặng mặt
- Chữa bệnh Addison vì trong cam thảo có axit glyxyretic cấu tạo như Coctison, nên có tác dụng tới sự chuyển hoá các chất điện giải cơ thể giữ lại natri và clorua trong cơ thể giúp sự bài tiết kali và có thể dùng điều trị bệnh Addison. Năm 1956 có 3 tác giả Trung Quốc có báo cáo trong Trung Hoa y học tạp chí đã dùng cao lỏng cam thảo với liều 15ml một ngày, có thể tăng tới 45 – 60ml để điều trị 4 trường hợp bệnh nhân bị Addison thì thấy thể lực tăng cường, natri trong huyết thanh tăng lên, huyết áp tăng lên, dùng phối hợp với Coctison thì có thể giảm được lượng Cotison.
4. ĐƠN THUỐC CÓ CAM THẢO
- Cát cánh cam thảo : Chữa ho
- Đơn thuốc Kavet chữa đau dạ dày : Cao cao thảo 0,03g . Bột cam thảo 0,1g . Natri bicacbonat 0,15g. Magie cacbonat 0,2g . Bitmutnitrat basic 0,05g. Bột đại hoàng 0,02g tá dược vừa đủ 1 viên. Chữa loét dạ dày với liều 2 – 4 viên mỗi lần, ngày uống 2- 3 lần.
- Đơn thuốc chữa loét dạ dày : Chỉ có một vị cam thảo : Cao cam thảo 2 phần, nước cất một phần , hoà tan. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa nhỏ, không uống lâu quá 3 tuần lễ.
- Nhân trung hoàng chữa sốt quá hoá điên cuồng, trúng độc : Cam thảo tán nhỏ, cho vào đầy một ống tre đã cạo hết lớp tinh tre bên ngoài, bịt kín hai đầu bằng nhựa thông. Đến mùa đông cắm cả ống tre đó vào một hố phân người, cho đến ngày lập xuân lấy ra rửa sạch, bổ ống tre lấy cam thảo phơi khô tán nhỏ. Phải chăng đây là một cách người xưa chế cam thảo dưới dạng muối Amoniac. Đông y coi vị này rất quý để chữa cảm sốt quá hoá điên cuồng, trúng độc, bị mụn nhọt. Mỗi lần uống 1 – 2g
- Cao cam thảo mền : Chữa các chứng mụn nhọt, ngộ độc. Ngày uống 1 – 2 thìa con.
- Cao cam thảo đã loại Glyxyridin : Gần đây có người đã cho rằng Glyxyridin không phải là hoạt chất nên đã chế cam thảo đã loại bỏ Glyxyridin đi.
Quý vị muốn được tư vấn về sức khỏe? Hãy liên hệ ngay số điện thoại 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282 để được các bác sĩ của Nhà thuốc giúp đỡ!
Bác sĩ: Trọng Anh (Thọ Xuân Đường)