LÁ TRẦU KHÔNG ỨC CHẾ VI KHUẨN HELICOBACTER PYLORI GIÚP NGĂN NGỪA CÁC BỆNH DẠ DÀY
Bệnh dạ dày là một căn bệnh phổ biến, rất nhiều người mắc và tái đi tái lại khiến không ít bệnh nhân thấy mệt mỏi và khổ sở vì căn bệnh này. Một trong các nguyên nhân gây bệnh dạ dày là vi khuẩn helicobacter pylori (HP) – kẻ thù thầm lặng có thể gây ung thư dạ dày. Cùng tìm hiểu lá trầu không - vị thuốc dân giã có tác dụng ức chế vi khuẩn HP ngăn ngừa các bệnh dạ dày này nhé!
1. Tìm hiểu dược liệu lá trầu không
• Danh pháp và phân bố
Trầu không là một cây trồng phổ biến khắp nước Việt Nam, góp phần trong văn hóa trầu cau của người Việt. Nó có tên khoa học Piper betle L thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae.
• Mô tả dược liệu
Cây trầu không có dạng cây leo, thân có từng đốt ngắn. Lá mọc sum suê, phiến lá có hình trái xoan, hình tim, màu xanh bản rộng dài 10-13cm, rộng 5-10cm bề mặt trơn nhẵn. Phần gốc có cuống có bẹ dài 2mm. Hoa khác gốc mọc thành từng bông, quả mọng lồi, tròn có những lông mềm trên đỉnh.
Trầu không được sử dụng để ăn kèm trầu, dùng trong các nghi lễ thờ cúng, cưới hỏi, hiếu hỉ rất nhiều. Bởi dân Việt ta luôn có câu “miếng trầu là đầu câu truyện”
• Thành phần hóa học
Trong lá trầu không chứa nhiều tinh dầu, có mùi thơm đặc trưng, vị hơi nồng. Trong dịch chiết lá trầu không có nhiều hợp chất quý như eugenol, carvacrol, chavicol, allycatechol, cineol…
• Tính vị quy kinh
Theo đông y trầu không có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ôn. Quy kinh Phế, Vị, Tỳ. Có tác dụng hành khí, khư phong tán hàn, tiêu thũng chỉ thống, hóa đàm, chống ngứa.
2. Các luận án, đề tài nghiên cứu tác dụng của dịch chiết trầu không trong diệt vi khuẩn HP và điều trị các bệnh dạ dày:
• Luận án tiến sĩ nghiên cứu tác dụng diệt vi khuẩn HP bằng hoạt chất toàn phần của lá trầu không trên thực nghiệm và trong viêm dạ dày mạn năm 2003 của Nguyễn Văn Toại – Đại học Y Hà Nội.
- Về triệu chứng lâm sàng: Betelvine (trầu không) có tác dụng tiêu diệt HP như Amoxiciline còn có tác dụng chống co thắt cơ trơn, giảm trạng thái căng thẳng về thần kinh, cũng như trong thành phần có nhiều Flavonoid có tác dụng điều biến và kìm hãm một số enzyme sinh học gây bất lợi cho hoạt động tế bào và tổ chức tại vùng viêm, qua đó góp phần làm cho tổn thương viêm chóng hồi phục.
- Ngoài ra trầu không theo dong y có vị cay tính ấm có tác dụng ôn ấm trung tiêu, trừ hàn chỉ thống nên giảm các triệu chứng đau nhanh.
- Về kết quả nội soi: Tỉ lệ dạ dày trở về bình thường khá cao. Tỉ lệ làm sạch vi khuẩn HP khi sử dụng dịch chiết trầu không là 59,45%, tỉ lệ nhiễm HP giảm.
• Đề tài “Bước đầu nghiên cứu tính kháng khuẩn HP của hoạt chất toàn phần chiết xuất từ lá trầu không trên in vitro” của Trần Thúy, Lê Thúy Oanh, Nguyễn Văn Toại và các cộng sự 1998-1999. Đăng trong Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học, viện y học cổ truyền Việt Nam tr251-256
• Đề tài “Kết quả nghiên cứu tính kháng khuẩn HP của hoạt chất toàn phần chiết xuất từ lá trầu không trên in vitro” đăng trong Tuyển tập công trình khoa học nghiên cứu sinh, tập 6A NXB y học tr 28-32.