Công dụng thường thức của cây chuối
- Cây chuối thích hợp với khí hậu ấm áp của vùng nhiệt đới và được trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Chuối có nhiều loại: chuối tây, chuối tiêu, chuối ngự, chuối mật, chuối hột... Trong đó, chuối tiêu là loại trái cây “khoái khẩu” được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở châu Âu và là trái ngọt thường thức của người châu Á. Chuối hột thì thường ăn ghém với món ăn khác và còn được sử dụng làm dược liệu chữa bệnh.
- Thân cây chuối non cũng dùng ăn ghém, hoặc trộn gỏi. Ngoài ra sau khi thu hoạch buồng chuối thì thân được dùng làm thức ăn cho gia súc, đóng thành bè. Bẹ chuối tước phơi khô làm dây buộc. Lá chuối dùng để gói bánh, giò, nem và các món quà ăn vặt…
- Hoa chuối (bắp chuối) là món ăn mà không chỉ trong dân dã mà ở các nhà hàng khách sạn nhiều sao cũng ưa dùng làm món nộm hút hồn các du khách. Đấy là chưa kể hoa chuối còn không thể thiếu trong món canh chua miền nam, canh cua miền Bắc hay cho chung vào rau ghém thì món rau sống đó “bắt mắt” vô cùng.
- Quả chuối không chỉ ăn chơi mà còn được sử dụng làm một thực phẩm dinh dưỡng và làm đẹp da nữa.
Có lợi ích tuyệt vời với sức khỏe
Theo Đông y, chuối chín vàng vị ngọt, chuối xanh thì hơi chát, tính lạnh. Quả chuối chỉ khát nhuận phế, giải rượu, thanh nhiệt giải độc, mát tỳ, nhuận tràng, chữa kiết lỵ, tiêu chảy. Rễ giúp thanh nhiệt, lương huyết, giải độc.
Thân cây chuối: Nhựa của thân cây chuối có tác dụng ngăn rụng tóc, giúp tóc mọc lại. giúp trị sưng tấy, tiêu viêm, ổn định lượng đường trong máu, giải nhiệt, giải độc, đốt cháy kalo và giảm cân hiệu quả, tăng cường miễn dịch, có lợi cho tiêu hóa, chữa viêm loét dạ dày, giảm dịch vị axit, ngăn ngừa táo bón. Nhựa của thân cây non còn giúp làm dịu vết bỏng, giã nhỏ có thể cầm máu vết thương.
Củ chuối: Nước củ chuối hột chữa đau nhức răng, thanh nhiệt, giải độc, kích thích tiêu hóa, chữa kiết lỵ, giảm khát, chữa cảm nắng, sốt cao, mê sảng và điều trị ho ra máu.
Lá chuối: lá chuối hột kết hợp với tinh tre đốt tồn tính chữa băng huyết, nôn ra máu. Nước sắc thân và lá chuối hột lợi tiểu, tiêu phù thũng. Lá non dùng băng bó để làm dịu vết bỏng, vết cháy.
Bắp chuối (hoa chuối): Bắp chuối và nõn chuối chứa nhiều chất xơ nên có khả năng kéo hết tất cả cặn bã trong ruột để đào thải ra ngoài, từ đó cũng giảm nguy cơ viêm ruột thừa nếu mỗi tháng ăn một lần. Hoa chuối hột luộc hay làm nộm ăn giúp tăng tiết sữa ở phụ nữ mới sinh và giảm táo bón ở người già.
Quả chuối: Chuối chín tốt cho dạ dày và hệ tiêu hóa, chữa táo bón, tăng trí nhớ... Tăng cường kali và chất xơ giúp giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim, đồng thời cũng tốt cho duy trì huyết áp. Chuối là trái cây bổ dưỡng cho trẻ em đang độ lớn, người già, người hoạt động trí óc và chân tay. Chuối giúp cho hệ xương và sự cân bằng thần kinh. Dùng tốt cho người bị bệnh khớp. Người suy nhược nên ăn chuối hằng ngày.
- Quả chuối hột non thái mỏng trộn chung với các loại rau sống ăn với nộm sứa hoặc gỏi cá làm giảm vị tanh và phòng ngừa tiêu chảy. Quả chuối xanh thái mỏng, sao vàng hạ thổ sắc nước uống điều trị sỏi bàng quang. Mũ của quả chuối xanh bôi lên da để trị hắc lào, hoặc phơi khô tán nhỏ xay bột để điều trị viêm loét dạ dày tá tràng.
Bài thuốc từ cây chuối hột:
+ Điều trị ho ra máu: Củ chuối hột 12g, Tầm gửi cây dâu 12g, Rễ cỏ tranh 12g, Thài lài tía 12g thái nhỏ sắc với 400ml nước lấy 100ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
+ Điều trị kiết lỵ: Củ chuối hột 4g, Củ sả 4g, Tầm gửi cây táo hoặc vỏ cây táo 4g sao vàng sắc uống.
+ Thuốc an thai: Đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc sử dụng củ chuối hột 12g, rễ cây móc 12g sắc uống.
Bác sĩ. Lê Thanh Xuân (Nhà thuốc Thọ Xuân Đường)