DƯỢC LIỆU Ý DĨ QUEN THUỘC NHIỀU CÔNG DỤNG CHỮA BỆNH
Ý dĩ là nhân quả cây Ý dĩ (Coix lachryma jobi L.var.ma-yuen), họ Lúa (Poaceae), cây còn có tên gọi khác là cây bo bo, hạt cườm, người Thái gọi là co đươi, người Tày gọi là mạy pay. Đây là vị thuốc bổ tỳ vị, thông hành thủy thường dùng trong đông y. Trước đây, ở nước ta, hạt ý dĩ đã từng là nguồn cốc thực chủ yếu.
Cây Ý dĩ (Coix lachryma jobi L.var.ma-yuen), họ Lúa (Poaceae)
1. Vị thuốc Ý dĩ
Trong các y văn, vị thuốc Ý dĩ (薏苡) còn gọi Giải lễ (Bản Kinh), Dĩ thực, Dĩ mễ, Dĩ nhân, Mễ châu (Biệt Lục), Ý mễ nhân, Ý châu tử (Bản Thảo Đồ Kinh), Thảo ngư mục, Ngọc mễ, Khởi mục, Châu tử nhan, Bồ lô Ốc viêm, Hữu ất mai, Ý thử, Cảm mễ (Hòa Hán Dược Khảo), Hồi hồi mễ, Tây phiên thuật, Thảo châu chi (Cứu Hoang Bản Thảo), Cống mễ (Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải).
Thu hoạch Ý dĩ khi quả già (tháng 8 - 11). Cắt về đập lấy quả đem phơi khô, loại bỏ quả lép rồi xay xát lấy hạt.
Hạt Ý dĩ hình trứng dài 5-8 mm đường kính 2-5 mm, mặt ngoài màu trắng đục đôi khi còn sót lại màng vỏ chưa loại hết, mặt trong có rãnh hình máng. Chất cứng, không mùi, vị ngọt và thơm nhẹ, chứa nhiều tinh bột. Cắt dọc theo rãnh: Nội nhũ chiếm phần lớn, màu trắng, có nhiều tinh bột, phôi hẹp và dài, nằm ở một bên rãnh.
Vị thuốc Ý dĩ
Bột dược liệu: Nhiều hạt tinh bột. Thường thấy hạt tinh bột đơn hình đĩa, một số hạt có hình nhẫn, đường kính 2 - 21 µm, rốn thường phân nhánh hình sao. ít khi thấy hạt tinh bột kép, thường kép 2 hoặc 3.
• Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
Quả ý dĩ chứa tinh bột 50 – 79%, protein 16 – 19%, dầu béo 2 – 7%, lipid, thiamin, acid amin, adenosin, chất vô cơ vết,... Dầu béo có coixenolid (vào khoảng 0,25%), coixol. Dịch chiết nước có các coixan A, B và C với các glycan. Ngoài ra, còn có α – monolein chitinase, enzym này làm xúc tác cho sự thủy phân chitin thành 2 – acetylamin – 2 – deoxyglycose. Lá và rễ chứa benzoxazolon (=2 – benzoxaxolinon). Rễ còn có một số dẫn chất lignan và syringyl glycerol.
Hạt Ý dĩ dùng làm thuốc bổ và bồi dưỡng cơ thể tốt, dùng tăng sức cho người già và trẻ em, lợi sữa cho phụ nữ sinh đẻ…
Ý dĩ có tác dụng phòng chống loãng xương đáng kể trên mô hình chuột thực nghiệm với lượng Ý dĩ chiếm 30% trong chế độ ăn, cải thiện tình trạng tình trạng giảm phosphatase kiềm (ALP) và hàm lượng calci và mật độ khoáng xương. Chiết xuất từ Ý dĩ làm tăng sinh tế bào Osteoblast (tế bào tạo xương) phụ thuộc vào liều.
Dịch chiết từ hạt cây Ý dĩ cho thấy dịch chiết làm tăng hấp thu glucose vào trong các tế bào 3T3-L1.
Chiết xuất từ Ý dĩ có tác dụng ức chế enzym tyrosinase (tham gia vào quá trình tổng hợp melanin). Vì vậy, Ý dĩ từ lâu đã được sử dụng trong các sản phẩm làm trắng da và đẹp da.
Chiết xuất từ cám Ý dĩ giảm sản sinh ra histamine, các cytokine và ức chế việc sản xuất Akt. Những tác động kết hợp ảnh hưởng đến sự truyền tín hiệu trong các tế bào RBL-2H3, qua đó thấy được các cơ chế chống dị ứng của Ý dĩ.
Một số nghiên cứu đã báo cáo tác dụng ức chế tế bào ung thư của Ý dĩ.
Theo dong y, Ý dĩ vị cam (cam ích vị) đạm (đạm thấm thấp), tính vi hàn, thuộc thổ (thổ thắng thủy); quy kinh tỳ, phế. Có tác dụng bổ thổ kiện tỳ mà tả thủy thấp, ích thổ sinh kim mà bổ phế thanh nhiệt (sắc bạch nhập phế). Dùng để bồi bổ cơ thể, chủ trị các chứng viêm khớp, phù thũng, tiểu buốt dắt, cam tích, vết thương có mủ, viêm phổi, lao phổi, ho nôn ra máu mủ. Liều dùng 8 – 40g/ngày. Kiêng kỵ: Tân dịch khuy tổn gây táo, phụ nữ có thai.
2. Bào chế vị thuốc Ý dĩ
Sau khi thu hoạch, Ý dĩ được sơ chế bằng cách phơi hoặc sấy khô, xay xát lấy hạt. Khi dùng cần bào chế phù hợp. Có một số phương pháp bào chế như sau:
• Ý dĩ sống
Ý dĩ sống tức là hạt được làm khô (phơi hoặc sấy) sao cho độ ẩm < 12%, tạp chất không quá 0,5%. Loại này thường được dùng để thanh phế nhiệt, tiêu viêm, thẩm thấp.
• Ý dĩ sao vàng
Ý dĩ đã phơi hoặc sấy khô vo sạch, để ráo nước. Cho vào chảo gang sao vàng, phồng giòn. Khi sao vàng, ý dĩ được tăng tác dụng kiện tỳ, có mùi thơm, thường dùng trong các dạng thuốc tán, thuốc hoàn.
• Ý dĩ sao cám gạo
Ý dĩ sao cám gạo là dạng bào chế thường dùng nhất. Cho cám gạo (loại mới xay xát không quá 24 giờ hoặc đã qua sơ chế khử enzyme lipase) vào chảo, rang đến khi có khói, cho Ý dĩ vào đảo nhanh tay đến khi bề mặt thuốc chuyển màu vàng nhạt, phồng đều. Đổ ra ngoài, để nguội, sàng loại bỏ cám. Cứ 1 kg cám gạo dùng để sao với 10 kg Ý dĩ. Loại này có tác dụng kiện tỳ, thường dùng trong các dạng thuốc tán, thuốc hoàn.
Ý dĩ là loại dược liệu chứa nhiều dinh dưỡng, dễ bị mối mọt, ẩm mốc. Vì vậy, cho dù ở dạng dược liệu nào cũng cần phải được bảo quản cẩn thận, đóng gói kín, tránh nơi ẩm thấp. Ở nước ta, Ý dĩ mọc tự nhiên hoặc được trồng ở nhiều tỉnh phía Bắc cho năng suất và chất lượng dược liệu tốt. Do đó, đây là loại dược liệu sẵn có trong nước, đảm bảo cho nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)
Để được tư vấn về sức khỏe hãy liên hệ ngay với
NHÀ THUỐC ĐÔNG Y GIA TRUYỀN THỌ XUÂN ĐƯỜNG
Địa chỉ: Số 5-7 Khu tập thể Thủy sản, ngõ 1 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline: 0943986986 - 0937638282