NẤM LINH CHI – VỊ THUỐC QUÝ NHIỀU CÔNG DỤNG HAY
Nấm Linh chi là một loại dược liệu quý được sử dụng từ hơn 4000 năm trước. Vì tác dụng thần kỳ và sự quý hiếm nên loại thảo dược này thường chỉ dành riêng cho các bậc vua chúa. Nấm Linh chi có nhiều tên gọi khác như Thần tiên thảo, Bất lão thảo, Vạn niên thảo, Nấm thần Linh, Huyền diệu thảo...
Nấm Linh Chi có nhiều loại hình dạng, màu sắc khác nhau. Theo Thần Nông Bản Thảo Kinh (神农本草经) có 6 loại Linh Chi, mỗi loại có một công năng, tác dụng đặc biệt.
- Linh chi xanh (Thanh chi, Long chi): Vị toan tính bình. Có tác dụng thanh can minh mục (sáng mắt), an thần, bổ can khí, thư cân, giúp cơ thể nhẹ nhàng, thoải mái.
- Linh chi đỏ (Xích chi, Hồng chi, Đơn chi): Vị đắng, ích tâm khí, bổ can, kiện tỳ vị, tăng trí lực.
- Linh chi vàng (Hoàng chi, Kim chi): Ích tỳ khí, hòa trung, an thần.
- Linh chi trắng (Bạch chi, Ngọc chi): Ích phế khí, tăng trí nhớ.
- Linh chi đen (Hắc chi, Huyền chi): Ích thận khí, tăng sự minh mẫn, tăng trí nhớ.
- Linh chi tím (Tử chi, Mộc chi): Bảo thần, cường cân cốt, ích tinh, nhuận bì phu.
Trong 6 loại trên thì Nấm Linh chi đỏ được coi là loại tác dụng tốt nhất, và được dùng nhiều nhất hiện nay. Và nó được nghiên cứu và chứng minh có tác dụng nâng cao hệ thống miễn dịch, làm tăng cường sự hoạt động của cơ thể, điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa và chống lão hóa.
Nấm Linh chi đỏ là loại thân gỗ, Nấm non có màu đỏ bóng như sơn ở mặt trên, màu trắng ở mặt dưới, khi trưởng thành có bào tử màu nâu bám ở mặt trên. Nấm Linh chi đỏ mọc hoang ở vùng rừng núi cũng như được nuôi trồng nhiều của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan…
1. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
Trong Nấm Linh chi có các hoạt chất như: Germanium (cao hơn trong Nhân sâm đến 5 – 8 lần), Acid ganoderic, Acid ganodermic, Acid oleic, Ganodosteron, Ganoderans, Adenosin, β-D-glucan, các nguyên tố vi lượng cần thiết cho quá trình chuyển hóa của cơ thể như: Đồng (Cu), sắt (Fe), Kalium (K), Magnesium (Mg), Natrium (Na), Calcium (Ca)...
Các Polysaccharide có khối lượng phân tử lớn trong Nấm Linh chi với hàm lượng cao, tìm thấy ở tất cả các bộ phận của Nấm Linh chi, có những tác dụng sinh học như chống viêm, hạ đường huyết, chống loét, tăng cường khả năng miễn dịch và chống sự hình thành của các khối u.
Đặc biệt, trong Nấm Linh chi có hàm lượng β – D - Glucan (là chuỗi Polysaccharid gồm những phân tử D-Glucose gắn với nhau bởi liên kết β-Glucoside) rất cao, là chất thúc đẩy hệ miễn dịch sản xuất tế bào NK (Natural killer cell, tế bào sát thủ tự nhiên), tế bào Lympho, đại thực bào để chúng tấn công lại các tế bào ung thư. β – D - Glucan còn có tác dụng tốt trong việc phòng và hỗ trợ trị đái tháo đường, bảo vệ gan, tim mạch, chống lão hóa, hạ mỡ máu, giảm xơ vữa động mạch, hạ huyết áp, giúp cơ thể phục hồi nhanh sau phẫu thuật, giảm tác dụng không mong muốn sau khi hóa trị, xạ trị bệnh ung thư…
Hơn 100 loại Triterpenes (đa phần là Acid ganoderic, Acid ganodermic, Acid oleic…) trong Nấm Linh chi có tác dụng chống viêm, chống lại sự hình thành và tăng sinh khối u, giúp chống rối loạn chuyển hóa Lipid.
Trong bào tử Nấm Linh chi (nằm trên bề mặt Nấm, có kích thước rất nhỏ 5,5 – 10,2μm) chứa nhiều thành phần hóa học, hoạt tính, tác dụng sinh học cao gấp 75 lần so với bộ phận khác của Nấm Linh chi.
2. Tác dụng của Nấm Linh chi
Với thành phần dược lý phong phú, Nấm Linh chi có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, dưới đây là những tác dụng chính đã được nghiên cứu chứng minh:
- Phòng và điều trị bệnh đái tháo đường: Các Polysacchanride trong Nấm Linh chi giúp khôi phục tế bào β tiểu đảo tụy, kích thích tuyến tụy tăng tiết insuline, tăng hoạt tính của insuline, từ đó làm giảm đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường.
- Tốt cho tim mạch: Các Alkaloid (có chứa Nitơ), Adenosine và Ganoderma trong Linh chi có tác dụng trong việc làm giãn mạch máu, giảm độ nhớt máu, tăng lưu lượng tuần hoàn, giảm và điều hòa huyết áp. Nấm Linh chi chống rối loạn chuyển hóa Lipid, giảm Cholesterol, xơ vữa động mạch. Tác dụng này làm giảm thiểu các biến chứng trên bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa Lipid, các bệnh lý tim mạch. Ngoài ra Ganoderma trong Linh chi có tác dụng làm loãng máu, giúp lưu thông tuần hoàn và hạ huyết áp
- Chống sự hình thành và tăng sinh khối u: Nấm Linh chi có tác dụng ức chế sự hình thành các khối u và tế bào ác tính. Giúp tăng cường hệ thống miễn dịch giúp cơ thể chống lại sự tăng sinh và di căn các tế bào ung thư. Ngoài ra, Nấm Linh chi còn có tác dụng giảm các cơn đau trên bệnh nhân ung thư.
- Tăng Testosterone: Linh chi có tác dụng tăng sản sinh ra hợp chất hữu cơ Steroid, thúc đẩy quá trình đồng hóa giúp cơ thể tái cơ cấu và củng cố, phát triển các cơ bắp. Đồng thời, loại Nấm Linh chi giúp ngăn chặn Enzyme chuyển đổi Hormone Testosterone thành Dihydrotestosterone, làm tăng lượng Testosterone trong cơ thể, qua đó tăng cường chức năng sinh dục nam.
- Tốt cho gan: Nấm Linh chi giúp điều trị các bệnh lý về gan với các tác dụng giải độc gan, bảo vệ tế bào gan, điều hòa chuyển hóa Lipid ở gan, ức chế nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Rất tốt cho những bệnh nhân mắc các bệnh về gan mật như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ, ung thư gan...
- Tăng cường miễn dịch: Nâng cao hoạt động của hệ miễn dịch, giúp chống lại các tác nhân gây bệnh, tăng hoạt tính của đại thực bào, Lympho bào nhờ tăng chức năng sản xuất Interferon trong cơ thể.
- Tốt cho tiêu hóa: Linh Chi với lượng chất xơ lớn giúp làm sạch hệ thống ruột, thúc đẩy hệ tiêu hóa, chống táo bón.
- Giảm mệt mỏi căng thẳng, giúp an thần, cải thiện trí nhớ, thư giãn cơ bắp. Dùng Nấm Linh chi để điều trị các chứng đau đầu, mất ngủ, suy nhược thần kinh, sa sút trí tuệ có hiệu quả tốt.
- Tác dụng giải độc, chống dị ứng: Các Acid Ganoderic trong Nấm Linh chi có tác dụng chống Oxy hóa, chống ảnh hưởng độc hại của các tia phóng xạ, giải độc hóa chất, độc kim loại nặng.
- Tác dụng làm đẹp da: Nấm Linh chi giúp loại bỏ các sắc tố trên da, làm đẹp da, giúp da hồng hào, chống viêm da, nám da, mụn trứng cá.
3. Cách sử dụng Nấm Linh chi
Dưới đây là một số cách sử dụng Nấm Linh chi đơn giản, dễ dàng áp dụng giúp tăng cường sức khỏe và điều trị bệnh:
- Cách dùng truyền thống: Nấm Linh chi thái lát (10 – 15g/ngày), sắc trong 500ml nước, đun sôi trong 5 phút, tắt bếp để ngâm khoảng 5 – 10 phút rồi đun sôi âm ỉ 30 phút, uống trong ngày. Có thể đun tiếp 2 – 3 lần nữa với bã Nấm Linh chi để uống.
- Nghiền Nấm Linh chi thành bột mịn, hãm với nước sôi 5 – 10 phút) và uống cả nước và bã (mỗi ngày từ 10 – 15g).
- Các dạng chiết xuất từ Nấm Linh chi như cao lỏng, viên nang có tác dụng tốt và tiện lợi cho việc sử dụng.
- Dùng bào tử Nấm Linh chi: Bào tử Nấm Linh chi có 2 lớp vỏ ngoài rất cứng, khó phân giải, dưới đây là phương pháp dùng bào tử Nấm Linh chi hiệu quả:
+ Đun bào tử Nấm Linh Chi với nước sôi trong 10-15 phút để làm mềm lớp vỏ, khi vào dạ dày thì môi trường Acid trong dạ dày và môi trường kiềm trong ruột non sẽ làm tan được lớp vỏ, nhờ đó cơ thể hấp thu được các dược chất trong bào tử Nấm.
+ Cho một thìa bột bào tử Nấm Linh Chi vào 300-500ml nước sôi, khuấy đều, hãm cho đến khi nguội. Trước khi uống cần khuấy đều, uống cả phần nước và phần không hòa tan.
• Lưu ý:
- Nấm Linh chi có tác dụng tốt nhất khi uống vào buổi sáng lúc đói.
- Nên dùng nồi đất, sứ để sắc Nấm Linh chi, không nên dùng ấm, nồi bằng sắt để sắc.
Tiến sĩ - Lương Y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ nhà thuốc dong y Thọ Xuân Đường, các bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh, thuốc và quy trình khám chữa bệnh!
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282