THIÊN HOA PHẤN TRỊ TIÊU KHÁT TỪ LÂU ĐỜI
Trong các bài thuốc dong y chữa chứng tiêu khát (bệnh đái tháo đường) thường có vị thuốc Thiên hoa phấn (rễ cây Qua lâu) bởi tác dụng sinh tân, chỉ khát, nhuận táo. Các nhà khoa học ngày nay cũng đã nghiên cứu thành phần hóa học, tác dụng dược lý từ vị thuốc này cũng như các bộ phận làm thuốc khác từ cây Qua lâu.
Thiên hoa phấn là tên thuốc của rễ cây Qua lâu (Trichosanthes kirilowii Maxim, họ Cucurbitaceae), một dược liệu quý được sử dụng để chữa bệnh từ lâu đời. Loại cây này có tên khác là Dưa trời, Dưa núi, Vương qua, Bây bạc bát, Hoa bát.
Qua lâu là loài cây leo sống lâu năm, dài 3 – 10m, thân có rãnh và có những chấm trắng, có tua cuốn. Lá mọc so le, phiến rộng, dày và dai, chia 3-5 thuỳ, mặt trên nhám nhám. Hoa đơn tính, có màu trắng, đầu cánh hoa có nhiều sợi dài, hoa đực mọc thành cụm, hoa cái mọc đơn độc. Quả hình cầu hoặc hình trứng, màu xanh lục có sọc trắng. Ra hoa tháng 3 - 6, ra quả tháng 7 - 10.
Các bộ phận được dùng làm thuốc như: Quả (Qua lâu), vỏ quả (Qua lâu bì), hạt (Qua lâu nhân) và rễ củ (Thiên hoa phấn).
Cây Qua lâu phân bố ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam... Ở nước ta, cây thường mọc và được trồng ở Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái, Lạng Sơn, Thanh Hóa... Cây được trồng bằng hạt, thường gieo vào mùa xuân. Khi người ta trồng với mục đích lấy củ làm vị thuốc Thiên hoa phấn, muốn củ mập thì phải ngắt bỏ hoa, để tập trung chất dinh dưỡng nuôi củ. Người ta thu hoạch rễ củ Qua lâu vào mùa đông.
Với tác dụng điều trị bệnh đái tháo đường, ở đây chúng ta quan tâm đến thành phần hóa học và tính chất dược lý của rễ củ (Thiên hoa phấn).
Về mặt hóa học, rễ qua lâu chứa tinh bột và chất nhầy, đặc biệt là Karasurin B và Karasurin C, có tính ức chế hoạt động của Ribosom, Trichosanthin với hàm lượng >1% có khả năng chống khối u – ung thư (chọn lọc trên các tế bào ung thư rau thai, ung thư Melanin, ung thư phế quản, ung thư bạch cầu) và ức chế virus HIV, và có hoạt tính gây sảy thai. Nước sắc Thiên hoa phấn có tác dụng hạ đường huyết. Các Trichosan A, B, C, D, E làm hạ đường huyết của chuột nhắt trắng được gây bệnh đái tháo đường trên thực nghiệm.
Theo Y học cổ truyền, Thiên hoa phấn có vị chua (toan năng sinh tân), vị ngọt (cam bất thương vị), hơi đắng hơi lạnh (vi khổ vi hàn). Có tác dụng giáng hỏa, nhuận táo, hoạt đàm, giải khát (cổ phương dụng trị chứng tiêu khát), sinh cơ, bài nùng, tiêu thũng, hành thủy thông kinh lạc, chỉ tiểu tiện lợi (trị chứng tiểu nhiều). Trị vị nhiệt, họng khô miệng khát (nhập phế, vị kinh), thũng độc phát bối, nhũ ung, sang trĩ, hoàng đản. Tỳ vị hư hàn cấm dụng.
Dưới đây là một số bài thuốc kinh nghiệm chữa tiêu khát (đái tháo đường) có vị thuốc Thiên hoa phấn:
- Thiên hoa phấn 12g, Hoài sơn 12g. Tán bột hoặc sắc uống hàng ngày.
- Thiên hoa phấn 8g, Thục địa 20g, Hoài sơn 20g, Đan bì 12g, Cẩu kỷ tử 12g, Thạch hộc 12g, Sơn thù du 8g, Sa sâm 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Đương quy 16g, Phục linh 16g, Thiên hoa phấn 16g, Hoàng liên 30g. Tán bột, ngày uống 12 – 16g, uống với nước sắc Bạch mao căn (Rễ cỏ tranh).
- Thiên hoa phấn 16g, Sinh địa 16g, Ngũ vị tử 8g, Mạch môn 8g, Cát căn 8g, Cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Huyền sâm 32g, Sinh địa 32g, Mạch môn 32g, Thiên hoa phấn 32g, Hoàng liên 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Huyền sâm 15g, Mạch môn 10g, Sinh địa 15g, Thạch cao 15g, Tri mẫu 15g, Thiên hoa phấn 15g. Sắc uống ngày 1 thang.
Tiến sĩ - Lương Y: Phùng Tuấn Giang (Thọ Xuân Đường)
Quý vị cần tư vấn về sức khỏe vui lòng liên hệ nhà thuốc, các bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh, thuốc và quy trình khám chữa bệnh!
Hotline: 0943 406 995 hoặc 0937 63 8282