TRUYỀN THUYẾT VỀ CÂY NGẢI CỨU VÀ TÁC DỤNG
Ngải cứu là một cây thuốc nam được nhân dân sử dụng rộng rãi trong chế biến món ăn hàng ngày và làm thuốc. Nhưng ít ai biết về một truyền thuyết rất hay liên quan đến cây thuốc ngải cứu cũng như hiểu hết tác dụng, cách dùng của nó. Nhà thuốc Thọ Xuân Đường sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về cây thuốc quý này.
1. Truyền thuyết về cây ngải cứu
Câu chuyện kể về một thời rất xa xưa, ở một vùng nọ có một người con gái nhan sắc kiều diễm, thân hình thắt đáy lưng ong khiến bao người mê đắm có tên Kim Tuyến. Từ nhỏ nàng đã hẹn ước với chàng kỵ sĩ gần nhà, khi lớn lên 2 người kết hôn và chung sống hạnh phúc với nhau.
Vào một ngày nọ, có 1 vị quan đi du xuân ngắm cảnh, thấy Kim Tuyến đứng trong vườn nhà chăm sóc cây cối liền sinh lòng chiếm đoạt. Vị quan này ngày đêm mơ tưởng và muốn cướp nàng về nhà làm lẽ dù biết nàng đã lập gia đình. Để sát hại chàng kỵ sĩ chồng của Kim Tuyến, vị quan vu cho chàng tội bắn chết ngựa quý. Nếu chàng trai muốn được tha tội phải nộp một đoạn dây thừng bên bằng tro cỏ, nếu không sẽ bị đày đi biệt xứ. Dù biết là bị ám hại, nhưng là dân thường không thể cãi lại quan trên, chàng kỵ sĩ ngậm ngùi đi về nhà.
Khi về tới nhà, chàng liền thuật lại chuyện với Kim Tuyến, vốn là người thông minh, hiểu được dã tâm của viên quan nọ, nàng lấy làm bức xúc. Nàng liền ra vườn hái rất nhiều cây ngải cứu rồi đem phơi cho héo khô, sau đó nàng bện chúng thành một đoạn dây thừng rồi đặt lên mâm đồng. Xong xuôi nàng cho đốt cháy từ từ, đến khi cháy hết thành tro thì mang lên nộp cho quan. Thấy được tình nghĩa và sự mưu trí của 2 vợ chồng, vị quan không thể làm gì khác đành tha cho chàng kỵ sĩ.
Chính vì sự kiện cứu được vợ chồng khỏi sự chia ly, người đời đặt tên cho loài cây này là ngải cứu. Từ đó người dân còn phát hiện được nhiều công dụng của loài cây này, nhất là khi phơi khô rồi đốt cháy.
2. Vị thuốc từ cây ngải cứu vườn nhà
Ngải cứu là một cây thuốc nam được trồng ở vườn nhà, cây sống lâu năm, phát triển tốt ở vùng ẩm ướt, không cần chăm bón nhiều.
- Bộ phận dùng: Lá và cành non của cây ngải cứu. Có thể thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là vào khoảng tháng 5 âm lịch.
- Cách chế biến:
Dùng tươi: rửa sạch là dùng được luôn
Phơi khô: đem phơi trong râm dùng sắc uống, hoặc tán thành bột, cuốn thành ngải dùng trong thủ pháp cứu
- Tính vị: Vị đắng cay, tính ấm, quy kinh Tỳ, Can, Thận
- Tác dụng: Ôn bào cung, cầm máu, an thai, khứ hàn, giảm đau
- Ứng dụng lâm sàng: Dùng trong các trường hợp rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, tử cung xuất huyết, động thai… Ngoài ra còn dùng để dưỡng da sáng, nấu nước xông, dùng trong chế biến món ăn.
- Kiêng kỵ: Người huyết nhiệt, âm hư không nên dùng
Ngải cứu là một cây thuốc nam quý gắn liền với truyền thuyết kể về mồi tình thật đẹp của 2 vợ chồng nàng Kim Tuyến. Quan trọng hơn cả là nó có tác dụng chữa bệnh rất tốt, các chị em, quý bà quý cô đều nên sử dụng thường xuyên để có thể điều hòa kinh nguyệt, tăng cường sức khỏe.