BỔ PHÁP – BỒI BỔ CHỮA BỆNH
Từ xưa đến nay ngoài việc chú trọng điều trị bệnh thì việc bồi bổ sức khỏe, nâng cao thể lực giúp phòng chống bệnh cũng rất quan trọng. Vậy phương pháp bồi bổ sức khỏe được dùng trong các trường hợp nào? Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu về Bổ pháp – phương pháp bồi bổ để chữa bệnh.
1. Bổ pháp là gì?
Bổ pháp là một phương pháp chữa bệnh, phòng bệnh bằng cách sử dụng các vị thuốc có tác dụng bồi bổ, nhằm chữa các chứng bệnh do công năng hoạt động của cơ thể bị giảm sút, đông y gọi là chính khí hư.
Trong cơ thể có 2 mặt âm và dương, khí và huyết luôn cùng tồn tại vừa đối nghịch vừa bổ trợ cho nhau. Khi 1 trong các mặt này bị suy yếu thì cần sử dụng các thuốc bồi bổ tương ứng. Chính vì vậy bổ pháp chia thành bổ âm, bổ dương, bổ khí, bổ huyết.
2. Ứng dụng lâm sàng của bổ pháp
Bổ pháp được sử dụng trong các trường hợp sau:
• Chữa các chứng bệnh gây ra do âm hư
Thường gặp ở các bệnh suy nhược thần kinh, cao huyết áp, rối loạn giao cảm do lao, di tinh, đái dầm…
Pháp điều trị: bổ âm dưỡng âm
Thuốc sử dụng: Thục địa, Hoài sơn, Ngọc trúc, Mạch môn, Thiên môn, Sa sâm, Quy bản, Kỷ tử, Thạch hộc, Bạch thược, Bách hợp…
Phương điều trị: Lục vị hoàn( Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Phục linh, Trạch tả, Đan bì), Tả quy hoàn( Thục địa, Sơn thù, Quy bản, Kỷ tử, Lộc giác giao, Thỏ ty tử, Ngưu tất)…
• Chữa các chứng bệnh do dương hư gây ra
Chủ yếu là thận dương hư và tỳ dương hư gây ra các chứng đau lưng mỏi gối, tay chân lạnh, sợ lạnh, di tinh, hoạt tinh, liệt dương, ỉa chảy, tiểu tiện nhiều lần, mạch nhược
Pháp trị: bổ thận tráng dương, kiện tỳ thăng dương, bổ thận tỳ dương
Thuốc sử dụng: Ba kích, đỗ trọng, Cốt toái, Nhục quế, Phụ tử, Thỏ ty tử, Lộc giác giao, Phá cố chỉ, Tắc kè, Nhục thung dung, Lộc nhung…
Phương thuốc: Thận khí hoàn (Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Phục linh, Trạch tả, Đan bì, Phụ tử, Nhục quế); Bài Hữu quy hoàn (Thục địa, Sơn thù, Kỷ tử , Thỏ ty tử, Đỗ trọng, Nhục quế, Phụ tử, Lộc giác giao, Đương quy)
• Chữa các chứng bệnh gây ra do khí hư
Thường gặp trong các chứng thở ngắn gấp, đoản hơi, đoản khí, người mệt mỏi, chậm tiêu, ăn uống kém, cơ nhục nhẽo, trương lực cơ giảm… Các bệnh thường gặp là sa dạ dày, sa tử cung, sa trực tràng, sa sinh dục
Pháp trị: Bổ khí
Thuốc sử dụng: Sài hồ, Thăng ma, Bạch linh, Hoàng kỳ, Đảng sâm, Nhân sâm, Cam thảo…
Phương thuốc: Tứ quân tử thang, bổ trung ích khí
• Chữa các chứng bệnh gây ra do huyết hư
Thường gặp trong các bệnh thiếu máu, phụ khoa, teo cơ cứng khớp, kinh nguyệt không đều…. Gây ra các chứng như sắc mặt vàng héo, móng tay móng chân khô, môi nhạt, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, lượng kinh ít, sắc kinh nhạt màu…
Pháp trị: bổ huyết
Thuốc sử dụng: Đương quy, A giao, hà thủ ô, Thục địa, Kê huyết đằng, Đan sâm…
Phương trị: Quy tỳ thang, Đào hồng tứ vật thang
3. Một số lưu ý khi sử dụng bổ pháp
- Cần chú ý công năng của tỳ vị. Bởi vì tỳ vị có tốt thì mới hấp thu được thuốc và phát huy được tác dụng của thuốc
- Bồi bổ đúng liều lượng, đúng chứng bênh: nếu dùng sai hoặc lạm dụng thì có thể phản tác dụng của thuốc bổ
- Không nhất thiết phải mua các vị thuốc đắt nhất, quan trọng là phối ngũ các vị thuốc với nhau một cách linh hoạt.