LỤC DÂM LỤC TÀ GÂY BỆNH CHO CƠ THỂ NHƯ THẾ NÀO? (PHẦN 2)
4. Thấp tà
Thấp tà cũng gồm 2 loại là ngoại thấp và nội thấp. Ngoại thấp là độ ẩm thấp, chủ khí về cuối mùa hạ thường gặp ở người làm việc ở nơi ẩm thấp, tiếp xúc mưa gió lâu ngày. Nội thấp do tỳ hư vận hóa giảm sút, tân tịch đình lại mà gây ra
a. Đặc tính của thấp
- Thấp tà hay gây ra các chứng nặng nề như đau khớp do thấp, chân tay mình mẩy nặng nề, cảm mạo do lạnh kèm theo đau mỏi toàn thân.
- Thấp tà có đặc tính gây dính, nhớt sinh các chứng tiểu khó, đại tiển lỏng, tiểu đục…
- Thấp tà là âm tà hay làm tổn thương dương khí khiến khí vận hành bị trở ngại, nó khiến công năng vận hóa của tỳ bị giảm sít mà sinh các chứng bệnh về tiêu hóa.
b. Các chứng bệnh thường hay xuất hiện do thấp
- Phong thấp
Phong kết hợp với thấp sẽ gây ra viêm khớp dạng thấp, thoái khớp, đau các dây thần kinh ngoại biên.
- Hàn thấp
Thường sinh chứng tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng do lạnh
- Thấp nhiệt
Thấp và nhiệt phối hợp với nhau sinh các bệnh nhiễm trùng ở đường tiết niệu sinh dục và tiêu hóa như viêm gan, viêm đường dẫn mật, lỵ, ỉa chảy nhiễm trùng, viêm phần phụ, viêm niệu đạo âm đạo, viêm bàng quang.
- Thấp chẩn: thường gặp là bệnh chàm
- Chứng nội thấp
Thường do tỳ hư không vận hóa được thủy thấp mà gây bệnh ở thượng tiêu khiến đầu nặng, hoa mắt, tức ngực, chậm tiêu, miệng dính, ỉa chảy , chân tay nặng nề, mệt mỏi. Nếu nó gây trở ngại ở hạ tiêu thì xuất hiện chứng phù ở chân, tiểu ít, đục, khí hư ở nữ.
5. Táo
Táo cũng là một trong lục dâm, gồm có 2 loại là ngoại táo và nội táo. Ngoại táo là độ khô chủ khí về mùa thu, nó có thể xâm nhập bắt đầu từ mũi, miệng, phế và vệ khí rồi xâm phạm vào bên trong cơ thể. Còn nội táo thì do tân dịch, khí huyết giảm sút mà gây bệnh.
a. Đặc tính của táo
Táo có tính khô hay làm tổn thương tân dịch mà sinh các chứng mũi khô, họng khô, da khô, đại tiện táo, tiểu đỏ, ho khan ít đờm.
b. Các chứng bệnh xuất hiện do táo
- Lương táo: Người phát sốt, sợ lạnh, đau đầu, không có mồ hôi, họng khô, miệng khát, ho ít đờm, thường gặp ở chứng cảm mạo do lạnh về mùa thu.
- Ôn táo: Sốt cao, ít sợ lạnh, đau đầu, đau ngực, mũi khô, miệng khát, tâm phiền, đầu lưỡi đỏ, hay gây chứng mất tân dịch và điện giải đẫn đến nhiễm độc thần kinh và vận mạch. Các chứng bệnh này thường xuất hiện ở các bệnh truyền nhiễm vào mùa thu
- Chứng nội táo
Thường do bẩm tố tạng nhiệt, hoặc do dùng quá lâu ngày thuốc đắng, thuốc hạ, hoặc do sốt cao lâu ngày làm tân dịch bị hao tổn gây ra các chứng khát, da lông khô, lưỡi khô, táo gầy…
6. Hỏa tà
Hỏa và nhiệt đều là một thứ khí trong lục dâm, nhưng các khí khác như phong, thấp, hàn, táo cũng có thể hóa hỏa. Các tạng phủ, tình chí cũng có thể hóa hỏa.
a. Đặc tính của hỏa
Hỏa tà có đặc tính là hay gây sốt và chứng viêm nhiệt khiến xuất hiện các chứng trạng như sốt cao, phiền táo, mặt đỏ, nước tiểu đỏ, họng đỏ sưng đau, Khi gây viêm nhiệt ở phần trên có thể xuất hiện chứng loét lưỡi, sưng lợi, mắt đỏ, sưng đau.
Hỏa còn có đặc tính thiêu đốt tân dịch, gây khát nước, họng miệng khô, lưỡi khô, táo, nặng có thể nói mê sảng, hôn mê. Hỏa có thể bức huyết vong hành gây các chứng chảy máu, phát ban do nhiệt, làm tổn thương mạch lạc như nôn ra máu, chảy máu cam, đại tiện ra máu, tiểu ra máu, ban chẩn trong các bệnh truyền nhiễm…
b. Các chứng bệnh do hỏa gây ra
- Hỏa độc, nhiệt độc
Hỏa độc và nhiệt độc hay gây ra các bệnh nhiễm trùng, mụn nhọt, viêm họng, viêm phổi . Nó còn gây các chứng bệnh truyền nhiễm thời kì toàn phát không có hoặc có biến chứng gây mất nước, nhiễm độc thần kinh, chảy máu, mặt đỏ, mặt đỏ, khát nước, phiền táo…
- Chứng thấp nhiệt, phong nhiệt, táo nhiệt, thử nhiệt: đã trình bày ở các phần trên
- Chứng hư nhiệt
Do âm hư sinh nội nhiệt khiến xuất hiện các chứng gò má đỏ, ngũ tâm phiến nhiệt, triều nhiệt, đau nhức trong xương, ra mồ hôi trộm, ho khan, họng khô, lưỡi đỏ, ít rêu hoặc không rêu.
Bác sỹ Thúy Hường