DẤU HIỆU PHÁT HIỆN BỆNH QUAI BỊ TRẺ EM TẠI NHÀ
Thời tiết chuyển mùa mưa nắng thất thường khiến nhiều dịch bệnh phát sinh, bệnh quai bị là một bệnh thường gặp trong thời gian gần đây. Bệnh do virus gây ra và đa phần lành tính, có thể tự khỏi nếu sức đề kháng tốt. Tuy nhiên nếu bị bội nhiễm có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác và gây nhiều nguy hại cho sau này. Vì vậy cần sớm phát hiện các triệu chứng của bệnh để điều trị kịp thời. Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu các dấu hiệu phát hiện bệnh quai bị tại nhà nhé!
1. Dấu hiệu phát hiện bệnh
Bệnh quai bị còn gọi là viêm tuyến nước bọt, do virus Paramyxovirus xâm nhập vào cơ thể gây bệnh, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt hay xuất hiện ở các trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Bệnh có khả năng lây nhiễm qua hô hấp do hít phải những giọt nước chứa virus do bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện. Chính vì vậy bệnh rất dễ lây từ người này sang người kia. Bệnh trải qua các giai đoạn cụ thể sau:
• Giai đoạn ủ bệnh
Khoảng 15-30 ngày từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc bị virus xâm nhập. Cơ thể trẻ không có triệu chứng gì đặc biệt. Đây là giai đoạn khó phát hiện bệnh.
• Giai đoạn khởi phát
Trẻ xuất hiện các triệu chứng viêm long hô hấp như ho, sốt, sổ mũi… rất dễ nhầm với các bệnh tai mũi họng thông thường. Một số trường hợp có thể không xuất hiện triệu chứng gì đặc biệt.
• Giai đoạn toàn phát
Trẻ thường sốt cao 38-39,5 độ kèm theo đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, đau vùng tuyến nước bọt mang tai, tuyến nước bọt sưng phù nề rất to, bạnh ra. Thường chỉ xuất hiện ở 1 bên, đôi khi cả hai bên.
Nếu không điều trị đúng cách thì sẽ bội nhiễm vi khuẩn, gây nhiễm trùng hô hấp hoặc gây viêm tinh hoàn. Biến chứng viêm tinh hoàn khiến tinh hoàn sưng to và đau, sau 1 thời gian sẽ teo tinh hoàn, không điều trị sẽ gây biến chứng vô sinh sau này. Ở trẻ gái tuổi dậy thì có thể gây viêm buồng trứng nhưng ít gây vô sinh sau này.
• Giai đoạn lui bệnh
Các triệu chứng giảm dần, cơ thể cảm thấy khỏe khoắn, không còn đau sốt, tuyến mang tai trở về hình dạng bình thường.
2. Phòng và điều trị bệnh
Khi phát hiện ra các triệu chứng của bệnh thì cần có các biện pháp điều trị bệnh kịp thời và tránh lây bệnh sang mọi người.
• Điều trị
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh quai bị ở trẻ em, chủ yếu là điều trị triệu chứng và tăng cường sức đề kháng. Thường dùng thuốc hạ sốt, vitamin và thuốc kháng virus.
Trong quá trình mắc bệnh nên cho bé nghỉ học ở nhà, nghỉ ngơi hạn chế vận động mạnh. Chịu khó cho bé uống nhiều nước, đặc biệt là nước cam, rau má, các loại hoa quả ép tốt cho bé. Đồ ăn cần lỏng, dễ nuốt, đảm bảo dinh dưỡng và dễ tiêu. Tốt nhất nên nấu các loại cháo súp thịt xay cùng rau.
Kiểm tra tinh hoàn của bé trai xem có bị sưng đau hay không, nếu có cần đưa đến bệnh viện để điều trị, chú ý mặc quần sip bó để treo tinh hoàn.
• Phòng bệnh
Tiêm phòng vacxin đầy đủ các mũi
Cách ly người bệnh, tránh tiếp xúc với các trẻ khác. Bố mẹ chăm sóc trẻ nên đeo khẩu trang để tránh lây bệnh.
Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên bằng nước muối.
Bệnh quai bị ở trẻ em đa phần lành tính và có thể tự khỏi nếu chăm sóc và dinh dưỡng tốt. Tuy nhiên cần chú ý để phòng tránh các biến chứng có thể gặp. Các thông tin bài viết chỉ có tính chất tham khảo, hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn tốt hơn.