NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẺ KHÓC ĐÊM
Khóc đêm là tình trạng hay gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tuổi khiến nhiều cha mẹ mệt mỏi và lo lắng, đồng thời ảnh hưởng tới sự phát triển của bé. Vậy nguyên nhân của tình trạng khóc đêm này là gì?
1. Do trẻ ngủ ngày quá nhiều
Trẻ sơ sinh thường chưa phân biệt được ngày đêm, chúng ngủ rất nhiều, khoảng 16 giờ mỗi ngày. Chính vì vậy trẻ có thể dậy vào bất cứ thời điểm nào giữa đêm và quấy khóc.
Tuy nhiên từ tháng thứ 3 trẻ bắt đầu nhận thức được ngày và đêm. Chính vì vậy cần phân bố thời gian ngủ cho bé hợp lý. Buổi tối nên tắt hết đen, đặt trẻ trong bóng tối để trẻ ngủ ngon, ban ngày nên chơi cùng trẻ để tạo cho trẻ thói quen ngủ tối nhiều hơn ngủ ngày.
- Từ 0-2 tháng sau sinh: Thời gian không quan trọng
- Từ 3-4 tháng tuổi: 1 tiếng vào buổi sáng, 2-3 tiếng vào buổi trưa, 1 tiếng vào buổi chiều tối.
- Từ 5-6 tháng tuổi: 1 tiếng vào buổi sáng, 2-3 tiếng vào buổi trưa.
- Từ 7-8 tháng tuổi: 1 tiếng vào buổi sáng, 2 tiếng vào buổi trưa.
- Sau 9 tháng-1 tuổi: khoảng trên 2 tiếng vào buổi trưa.
2. Do trẻ thiếu canxi, vitamin D3
Sau sinh trẻ cần được bổ sung vitamin D3 để giúp phát triển xương bằng đường uống hoặc phơi nắng. Đặc biệt với trẻ bú mẹ cần bổ sung 400ui vitamin D3 mỗi ngày. Khi trẻ thiếu canxi và vitamin D3 sẽ khiến còi xương, nên bị đau xương vào ban đêm, khiến trẻ quấy khóc, khó chịu.
Ngoài ra trẻ còn có các đặc điểm như hay ra mồ hôi trộm, nhiều nhất là mồ hôi vùng sau gáy, rụng tóc hình vành khăn, chậm mọc răng, chậm biết đi.
3. Do trẻ đói, lạnh hoặc nóng quá
Trẻ sơ sinh cần ăn rất nhiều bữa, thường 2-3 giờ cần bú sữa một lần. Nếu trẻ đói trẻ thường không ngủ được nên sẽ kêu khóc.
Ngoài ra nếu ban ngày trẻ nô đùa quá nhiều, vận động nhiều khiến cơ thể mệt mỏi thì buổi tối có thể quấy khóc hơn.
Ngoài ra nếu thời tiết thay đổi, trẻ cảm thấy quá lạnh hoặc quá nóng cũng khiến cơ thể khó chịu, và không ngủ được. Chính vì vậy vào mùa hè thời tiết nóng nực nên mặc quần áo rộng thoáng, không nên bó chăn bắt bé ngủ im 1 tư thế. Nếu sử dụng quạt và điều hòa nên tránh không thổi trực tiếp vào người bé.
4. Do da bị ẩm ướt hay có vấn đề khó chịu
Trẻ nhỏ thường đi tiểu nhiều lần, chính vì vậy khi trẻ tè ra ướt quần hay bỉm quá ướt khiến da trẻ ẩm ướt, ngứa ngày khó chịu thì bé sẽ quấy khóc. Vì vậy nên theo dõi để thay tã cho trẻ thường xuyên.
Hoặc do trẻ bị một số bệnh ngoài da như viêm da, ghẻ gây ngứa ngáy khó chịu, tình trạng này khiến trẻ quấy khóc.
5. Các nguyên nhân khác
Nhiều nguyên nhân khác khiến bé khóc đêm như
Trẻ bị ốm: viêm mũi họng, viêm phổi, viêm amida…
Bị côn trùng, muỗi cắn
Bé bị ác mộng, giật mình
Trẻ đau do mọc răng
…
Nói chung trẻ quấy đêm là tình trạng thường gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu không tìm được nguyên nhân gì thì dân gian thường cho rằng có ai đó “nặng vía” đến thăm bé, làm bé hoảng sợ. Lúc này gia đình thường đốt vía để giải tỏa vía dữ, giúp bé ngủ ngon.