TRẺ CÓ DẤU HIỆU GÌ CHỨNG TỎ MẮC TỰ KỶ
Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh, gây ra ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Trẻ tự kỷ có thể xảy ra không phân biệt giàu nghèo, giới tính, chủng tộc hay địa vị xã hội. Tự kỷ còn được thể hiện ra ngoài bằng các khiếm khuyết về tương tác xã hội, giao tiếp, ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.
Hiện nay vẫn không tìm được nguyên nhân gây tình trạng này, và cũng chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên khi phát hiện sớm, đặc biệt ở giai đoạn 0-3 tuổi thì có khả năng tiến triển tốt, tiên lượng tốt hơn. Vì vậy cần phát hiện sớm để điều trị kịp thời, giúp bé có thể hòa nhập với cộng đồng nhanh nhất. Cùng nhà thuốc Thọ Xuân Đường tìm hiểu các dấu hiệu chứng tỏ trẻ mắc bệnh tự kỷ.
1. Khiếm khuyết về tương tác xã hội
Bình thường trẻ con thường giao tiếp với mọi người xung quanh bằng cách nhìn nhận biết, ôm hôn, cười hay khóc… Nếu trẻ đến 6 tháng tuổi vẫn không cười hay không biểu hiện thái độ vui vẻ nào, thì đây là 1 dấu hiệu của tự kỉ.
Trẻ tự kỷ thường gặp vấn đề trong giao tiếp xã hội với người xung quanh, vì vậy chúng thường thích chơi với đồ vật hơn với con người.
2. Khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ
Trẻ thường chậm phát triển kĩ năng giao tiếp, chúng thường buồn bã, ít nói chuyện hoặc không giao tiếp với mọi người.
Một số dấu hiệu thường gặp như
Trẻ không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi
Trẻ không có các cử chỉ khi 12 tháng tuổi: vẫy tay, bắt tay, nhìn mắt, cười đáp…
Trẻ không nói được từ đơn khi 16 tháng tuổi
Trẻ không tự nói câu 2 từ khi 24 tháng tuổi
Mất kỹ năng giao tiếp ở mọi lứa tuổi
Ngoài ra chúng thường hiểu mọi câu nói theo nghĩa đen, chúng không hiểu được các câu nói tắt, các câu nghĩa bóng mà hiểu đúng theo nghĩa đen.
3. Hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại
Trẻ tự kỷ thường lặp đi lặp lại 1 số hành vi như vỗ tay, lắc lắc, nhảy và xoay, sắp xếp đồ vật, lặp lại các âm thanh, từ ngữ hay nói.
Chúng có thể dành cả ngày để sắp xếp đồ chơi và phân loại chúng theo màu sắc, kích thước hoặc bất cứ trật tự nào chúng muốn. Khi trẻ lớn hơn, các hành vi lặp đi lặp lại như bước đi liên tục hoặc vặn xoắn tay vào nhau khi lo lắng.
Ngoài ra trẻ tự kỷ thường mắc các rối loạn khác như rối loạn dạ dày ruột, rối loạn giấc ngủ, động kinh, ăn uống…
Nói chung bố mẹ là người gần gũi và ở bên con nhiều nhất, chính vì vậy không được chủ quan mà cần quan tâm tới con, quan sát sự phát triển của bé để phát hiện các dấu hiệu bệnh sớm nhất.