DÀNH CHO CÁC TÍN ĐỒ CỦA VÀNG ĐỎ -SAFFRON
Bài đăng trên Báo Sức khỏe cộng đồng số 35 ngày 17/10/2018
Chị Minh Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, bạn bè của chị đang có trào lưu mê tín Saffron, coi đó như thần dược. Cho nên chị đặt thử 10gram về dùng pha trà.
“Cái này người ta gọi là vàng đỏ. 10gram này đã có giá 5 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi lần pha trà chỉ cần cho ít sợi Saffron là nước có màu vàng rất hấp dẫn”, chị Minh Anh cho biết.
Trên thị trường, Saffron đang được bán với đủ các nhãn hiệu kèm mọi loại giá. Có nơi chỉ bán với giá 270 triệu đồng một kg nhưng cũng có nơi bán 600 triệu đồng. Trong các công sở, tại các diễn đàn, chị em phụ nữ vẫn đang tiếp tục sôi nổi chia sẻ về công dụng tuyệt vời của Saffron. Xem ra, cơn sốt này còn lâu mới hạ nhiệt.
Đi tìm câu trả lời về việc Saffron có phải thần dược, phóng viên báo Sức khỏe cộng đồng đã có cuộc phỏng vấn ngắn với Tiến sĩ - Lương y: Phùng Tuấn Giang, Viện Nghiên cứu Phát triển y dược cổ truyền Việt Nam
Saffron đang nổi lên như một thứ mốt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và vẻ đẹp ở nước ta. Xin ông cho biết đôi nét về lịch sử của loại dược liệu đắt đỏ này.
Saffron (nhụy hoa nghệ tây), từ xa xưa là sản phẩm dành cho giới thượng lưu. Việc sử dụng nghệ tây xuất hiện từ bình minh của lịch sử nhân loại. Ở tây bắc Iran, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các hang động với hình ảnh 50.000 năm tuổi có chứa các chất màu son của nhụy hoa nghệ tây. Tại Trung Quốc, từ năm 2600 TCN đã đề cập đến tác dụng chữa bệnh của nghệ tây trong một cuốn sách. Người Ai Cập dùng nó để chữa bệnh, làm nước hoa, thuốc nhuộm và nấu ăn. Người Ba Tư cổ đại tin rằng nhụy hoa nghệ tây chữa được chứng trầm cảm và thường pha vào trà nóng. Vào thế kỷ VIII, người Hồi giáo mang thứ gia vị này đến Tây Ban Nha và nó được sử dụng trong các món ăn cao cấp cho đến nay. Trong thời Phục hưng, nhụy hoa nghệ tây thực sự có giá trị ngang bằng vàng. Vua Henry VIII của Anh từng dọa giết bất kỳ ai pha trộn nhụy hoa nghệ tây với những loại gia vị rẻ tiền hơn.
Saffron siêu đắt đỏ như vậy có phải do của hiếm là… của quý?
Nhụy vàng của hoa nghệ tây thu hoạch thủ công bằng tay vào mùa thu. Để có 1kg nhụy cần khoảng 170.000 bông hoa (68kg) và trên 40 giờ làm. Do nghệ tây là thực vật tam bội (3n=24), nên phần hoa màu tím của nghệ tây không thể tạo ra hạt, không thể sinh sản hữu tính. Mỗi cây nghệ tây chỉ có 4 hoa, mỗi bông hoa có 3 nhụy. Để nhân giống, cần hỗ trợ của con người, sinh sản vô tính bằng phần củ dạng giả thân hành dưới mặt đất và phải đối mặt với những vấn đề sâu hại, giun tròn gây bệnh cho củ.
Nghệ tây là loại cây được trồng lâu đời có nguồn gốc ở Tây Á và Địa Trung Hải, hiện được trồng nhiều ở Iran, Hy Lạp, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ. Phần nhụy hoa nghệ tây được thu hái tỉ mỉ để tạo thành thứ gia vị (Saffron) quý hiếm và đắt đỏ nhất thế giới, được phong là hoàng đế của các loại gia vị. Tại Việt Nam, loại thượng hạng có giá gần 700 triệu đồng/kg.
Vậy theo ông giá cả có tương ứng với giá trị thực sự của nó không?
Saffron được biết đến với giá trị thật sự trong ẩm thực và y học.
Trong ẩm thực, Saffron tạo nên hương vị và màu sắc đặc biệt cho các món ăn cao cấp của Pháp, Ấn Độ, Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha… Hương thơm của nhụy hoa nghệ tây gợi mùi mật ong thoang thoảng với đặc trưng là mùi kim loại cùng với mùi cỏ hay cỏ khô, hơi ngọt, tạo cho thực phẩm một màu vàng cam rực rỡ.
Nhụy hoa nghệ tây có chứa nhiều flavonoid, vitamin và apocarotenoid nên cả y học cổ truyền và y học hiện đại đều sử dụng với tác dụng an thần, trừ đờm, kích thích tình dục, trị những bệnh như tiêu chảy, tổn thương tim, hạ đường huyết, giảm mỡ máu, tăng miễn dịch, đậu mùa, cảm lạnh, sỏi thận, nghiện rượu, chuột rút, chứng mất ngủ, tiểu đường, hen suyễn và trầm cảm, thậm chí có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer và ung thư.
Y học hiện đại cũng thừa nhận Saffron là một chất chống oxy hóa mạnh có thể làm giảm đau và viêm.
Tính chống lão hóa của nó đã được các mỹ nhân thời xưa dùng để làm đẹp, trong đó có Cleopatra.
Tinh dầu nghệ tây với hơn 150 chất thơm dễ bay hơn, trong đó thành phần chính là safranal (mùi thơm), picrocrocin (vị đắng) và crocin (màu sắc), cùng với các carotenoid và terpen khác có tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa là một trong những loại tinh dầu có tác dụng tốt dùng để bảo quản thực phẩm.
Các bộ phận của nghệ tây như nhụy hoa, lá, củ, cánh hoa cũng có chứa các hoạt chất chống oxy hóa (phenol, flavonoid và carotenoid), tuy nhiên ở nhụy hoa là cao nhất.
Tiến sĩ có lời khuyên nào dành cho các tín đồ của Saffron?
Saffron tốt với điều kiện chúng ta dùng đủ lượng và thường xuyên. Dù nó có nhiều tác dụng trong ẩm thực và y học nhưng với giá đắt đỏ như vậy cần cân nhắc khi đổ xô đi mua. Nếu mua để dùng trong ẩm thực để nâng tầm món ăn, tăng tác dụng tốt cho sức khỏe qua ăn uống thì không cần đến quá nhiều thứ gia vị này.
Nếu mua với mục đích làm thuốc chữa bệnh thì quá tốn kém vì để đạt được hiệu quả chữa bệnh cần lượng đủ nhiều và dùng thường xuyên.
Chưa kể thị trường nhụy hoa nghệ tây phức tạp vì lợi nhuận kinh tế mà bị làm giả rất nhiều. Nếu mua phải hàng kém chất lượng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì vậy, khi bỏ lượng tiền lớn mua nhụy hoa nghệ tây cần phải lưu ý xem xét kỹ nguồn gốc, xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm nghiệm và tem đảm bảo.
Cách phân biệt Saffron thật và giả
- Saffron thật thả vào nước lạnh sẽ loang ra màu chậm mất khoảng 15 phút để khiến toàn bộ nước đổi màu. Còn Saffron giả khi thả vào nước sẽ phai ra ngay như phẩm màu.
- Sau khi thả vào nước Saffron thật sẽ cho ra màu vàng nghệ sáng đặc trưng còn loại giả thường cho ra màu cam đỏ.
- Khi thả vào nước phần sợi Saffron thật sẽ có hình thuôn dài, Saffron giả không như thế và sợi ngắn.
Ái Thảo (thực hiện)