THỜI CỦA THUỐC TỪ DƯỢC LIỆU
Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số 34 ngày 10/10/2018
Việt Nam có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu, trong đó có nhiều loại dược liệu quý, hiếm và vốn tri thức y học truyền thống dân tộc với nhiều bài thuốc dong y có giá trị, thực sự là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc, dược liệu, có điều kiện để hình thành ngành công nghiệp dược liệu.
Tiềm năng dược liệu Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Theo thống kê của Viện Dược liệu, tính đến nay đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. Trong số đó, có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm, như Diếp cá (5.000 tấn), Cẩu tích (1.500 tấn), Lạc tiên (1.500 tấn), Rau đắng đất (1.500 tấn)...Chúng ta cũng may mắn sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như: Sâm Ngọc Linh, Ba kích, Châu thụ, Ngân đằng…
Trên nền thế mạnh về nguồn tài nguyên dược liệu, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã tích lũy được những kinh nghiệm và truyền thống lâu đời trong sử dụng các loại cây, con làm thuốc, góp phần hình thành nên một kho tàng tri thức khổng lồ mang bản sắc riêng theo từng dân tộc, từng vùng miền. Nguồn tri thức này được bồi đắp, kế thừa và phát triển theo suốt chiều dài lịch sử của nền y học dân tộc Việt Nam, đúng theo tư tưởng "Nam dược trị nam nhân" như lời dạy của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Trong quá trình điều tra về tri thức bản địa, chúng ta đã tổng hợp được danh lục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Những tri thức bản địa này là cơ sở quan trọng nhằm hỗ trợ cho việc sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công tác phòng và chữa bệnh của nhân dân.
Như vậy, với các tiềm năng, thế mạnh nói trên, có thể nói dược liệu Việt Nam là một lợi thế so sánh của nước ta so với nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên toàn thế giới.
Cơ hội phát triển
Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm dược liệu là rất lớn do thói quen và truyền thống phòng và chữa bệnh bằng y học cổ truyền của nhân dân. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, với xu hướng “Trở về thiên nhiên” thì việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng hơn do ít có những tác động có hại và phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể hơn so với thuốc hóa dược.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển, việc chăm sóc sức khoẻ ít nhiều có liên quan đến y học cổ truyền hoặc thuốc từ dược thảo truyền thống để bảo vệ sức khoẻ.
Tại Việt Nam, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60 đến 80 nghìn tấn/năm, trong đó phần lớn là sử dụng trong sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, trong hệ thống khám chữa bệnh; phần còn lại dùng cho một số lĩnh vực khác như để sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm, hương liệu…và xuất khẩu.
Trên thế giới đang có xu hướng định hình lại phương pháp nghiên cứu tìm ra các thuốc mới, thay vì chú trọng đến việc tổng hợp hóa học trong phòng thí nghiệm với nhiều khó khăn, nhiều độc tính, với chi phí lớn (khoảng 700 triệu - 1 tỷ đô la Mỹ cho phát triển một thuốc mới), các nhà khoa học dược, các tập đoàn dược phẩm lớn hiện đang chú trọng vào sàng lọc từ thiên nhiên để tìm ra các hoạt chất sinh học mới có dược tính mạnh hơn, ít độc hơn và với chi phí cho nghiên cứu phát triển thấp hơn so với việc tổng hợp hóa học.
Hiện nay trên thế giới, những hoạt chất như Taxon chữa ung thư từ Thông đỏ; Acid shikimic chữa cúm từ Hồi; Vinblastin, Vincristin chữa ung thư từ Dừa cạn; hoạt chất từ Bạch quả; Sylimarin từ Cúc gai; Nhân sâm, Tam thất Trung quốc, Cây Nữ lang… đã và đang đem lại doanh thu hàng chục tỷ đô la mỗi năm trên thế giới.
Những đặc sắc về nguồn gen và tri thức bản địa của chúng ta chính là những lợi thế quan trọng để tiếp cận thị trường, giúp hỗ trợ mạnh cho quá trình sàng lọc ban đầu này.
Đất nước chúng ta với diện tích đất đai rộng lớn và trù phú, với lực lượng nhân công việc làm dồi dào, rất phù hợp cho công tác nuôi trồng, thu hái dược liệu.
Giá trị kinh tế đem lại từ việc nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (cao hơn gấp 5-10 lần trồng lúa). Thí dụ, trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm; cây Actiso thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20 đến 40 triệu đồng/ha/năm. Vì vậy, phát triển dược liệu đang và sẽ là một hướng bền vững, ổn định nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng trong cả nước.
Công tác phát triển dược liệu luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Một trong những quan điểm phát triển ngành Dược được đề cập tới trong Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đó là phát huy thế mạnh, tiềm năng của Việt Nam để phát triển sản xuất thuốc từ liệu, trong đó mục tiêu cụ thể đến năm 2020 sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%.
An Hà